Việc nên làm tức thì

Theo thống kê của Cục Trẻ em, giai đoạn 2015 - 2020, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 10 nghìn trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại dưới nhiều hình thức.

So giai đoạn trước, số vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em tuy không tăng, nhưng tính chất cũng như diễn biến các vụ việc ngày càng phức tạp. Mới đây nhất là trường hợp cháu bé 13 tuổi làm giúp việc tại quán bánh xèo ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) nghi bị chủ quán bạo hành trong thời gian dài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em. Phải kể đến nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ. Điều đó cho thấy sự thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng; nhận thức về sự nguy hại nhiều mặt và hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức; kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cả cộng đồng và của chính bản thân trẻ chưa đầy đủ.

Nhiều thói quen, phong tục, tập quán như văn hóa “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” lâu nay khiến người ta coi chuyện đánh con là “bình thường”, đó là quyền của cha mẹ, của người lớn phải dạy cho con trẻ nên người. Trong khi đó, một việc làm tưởng chừng như đơn giản là khi thấy trẻ bị bạo hành thì bố (mẹ), người thân trong gia đình hay bất cứ người hàng xóm nào cũng có thể nhắn tin, điện thoại hay báo trực tiếp với chính quyền để cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời, thì hậu quả sẽ giảm bớt rất nhiều. Tuy nhiên, thực tế thật đáng buồn, ngay cả người trong gia đình còn không dám lên tiếng tố cáo, nói chi đến người ngoài, không muốn “rắc rối”. Chính vì thế, đứa trẻ bị bạo hành, lạm dụng sẽ sống trong sợ hãi và đau đớn liên tục. Những vết thương trên thân xác có thể được chữa lành, nhưng những vết thương tâm hồn sẽ kéo dài suốt cuộc đời các em. 

Nếu chúng ta biết một đứa trẻ đang là nạn nhân của bạo hành, hoặc nghi ngờ rằng ai đó đang có hành vi xâm hại các em, thì việc đầu tiên phải tìm cách giúp đỡ ngay lập tức. Nếu chậm trễ, tổn thương càng kéo dài và khi lớn lên đứa trẻ sẽ dễ trở thành một người luôn dùng những hành vi bạo lực trong quan hệ, ứng xử xã hội... Để thúc đẩy “kênh” này, mới đây, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác về công tác bảo vệ trẻ em trong những tháng cuối năm 2020. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam với 13 nghìn điểm phục vụ đến cấp xã, phường, thị trấn cùng hơn 70 nghìn người lao động tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em. Các điểm bưu điện cấp xã, phường, thị trấn có thể là nơi tiếp nhận, cung cấp thông tin liên quan đến trẻ em; đồng thời, có thể trở thành điểm để trẻ em tiếp cận tri thức, văn hóa. Đội ngũ nhân viên bưu điện với những kiến thức, kỹ năng được trang bị, có thể vào từng ngõ, đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, phổ biến các chính sách về trẻ em...

Hy vọng hoạt động trên sẽ góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới bảo vệ trẻ em, kịp thời nắm bắt thông tin và xử lý vụ việc ở mức nhanh nhất.