Tương thân tương ái

Mưa lớn, rồi lũ chồng lũ đã khiến nhiều địa phương ở miền trung bị ngập trong biển nước. Thủy điện Rào Trăng 3 ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã bị cô lập. Cũng ở Thừa Thiên Huế, một sản phụ bị nước lũ cuốn trôi khi đang trên đường đến cơ sở y tế sinh con.

Còn tại vùng lũ Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị), có gia đình bảy người đã phải sống sáu ngày trên một chiếc giường. Toàn những chuyện buồn thương, đau xót. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng những thiệt hại về người, tài sản trong trận thiên tai bất ngờ này là không hề nhỏ. 

Thế nên, mấy hôm nay, trên mạng xã hội lẫn những diễn đàn, rồi các cuộc chuyện trò nơi này nơi kia, nhiều ý kiến bày tỏ sự quan ngại về hệ thống các công trình thủy điện phát triển ồ ạt trong những năm qua. Lại thêm luồng ý kiến có phần trách móc, đổ lỗi cho rằng có sự chậm trễ của một số địa phương trong việc ứng phó, cứu nạn cứu người… 

Thế nhưng, cũng trên mạng xã hội, nhiều người thay vì chỉ trích đã đứng ra lan tỏa những hoạt động thiện nguyện hướng về miền trung. Chỗ này tặng áo ấm, chỗ kia tặng áo phao, thêm vài chỗ tiếp nhận những đóng góp về vật chất để mua mì ăn liền cùng các loại lương thực, thực phẩm khác rồi trực tiếp mang đến cho bà con đang lâm cảnh màn trời chiếu đất… Trên facebook, một thành viên của CLB S100 cũng mang ra những cuốn sách quý để bán đấu giá lấy tiền đóng góp vào quỹ ủng hộ người dân đang bị thiên tai, bão lũ…

Mà đâu chỉ có trên mạng xã hội. Từ cơ quan đến khu dân cư, rồi các tiểu thương buôn bán nhỏ ở góc chợ cũng sẵn sàng chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ. Một số cơ quan bạn tôi đã cùng với công đoàn đứng ra kêu gọi mọi người đóng góp ít nhất một ngày lương, đồng thời ai có quần áo, sách giáo khoa mới mang đến tập kết để cuối tuần này có chuyến xe gửi đến bà con bị lũ lụt ở Quảng Trị… Nhiều nghệ sĩ cũng đứng ra làm cầu nối để kêu gọi sự chung tay đóng góp của cộng đồng. Như ca sĩ Thủy Tiên chỉ trong một thời gian ngắn kêu gọi được 10 tỷ đồng và sáng 14-10 đã mặc áo phao, lội nước đi phát từng thùng mì cho bà con ở Huế. 

Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Đó là truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. Không ai muốn thiên tai ập xuống, nhưng thiên tai cũng là một phần của cuộc sống mà khi nó đến, chúng ta khó mà lường trước được. Nhất là khu vực miền trung năm nào cũng phải đối diện bão lũ, thậm chí bão chồng bão, lũ chồng lũ. 

Chính bởi thế, lúc này, khi nhiều khu vực của miền trung vẫn mênh mông trong biển nước, thay vì việc ngồi một chỗ phán xét, chỉ trích, hãy cùng đồng lòng hướng về. Nơi đó, khúc ruột miền trung đang oằn mình trong mưa lũ. Ở đó, biết bao nhiêu gia đình đang đối mặt không ít khó khăn.

Và, chỉ có tình đồng bào, sự cảm thông, sẻ chia sâu sắc mới có thể làm dịu đi nỗi đau do thiên tai gây ra…