Nói mãi sao cứ... đủng đỉnh

Mới đây, người viết bài này khi lưu thông bằng xe gắn máy theo đường đê Phương Trạch, chạy dọc theo sông Đuống (thuộc địa bàn xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội), đã suýt bị tai nạn bởi… đàn bò thả rông trên đường!

Không bị, nhưng tác giả tận mắt chứng kiến một thanh niên chạy xe máy ngược chiều, khi bấm còi inh ỏi, đã bị một con bò lao trúng, xe máy đổ ra đường, gây trầy xước chân tay. Được biết, tai nạn do va chạm với trâu bò trên đoạn đường đê này vẫn xảy ra như… cơm bữa, bởi người dân tại các xã lân cận quanh đây có thói quen thả rông gia súc cho chúng tự đi ăn, chứ không mấy gia đình cắt cử người đi theo để canh chừng, giám sát. 

Không riêng gì đoạn đường đê trên, tình trạng người dân thả rông trâu bò ven đường, gây nguy hiểm trực tiếp cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là khá phổ biến, là… chuyện thường ngày tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Ai từng lưu thông trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, chạy xuyên qua nhiều tỉnh thành miền trung nước ta, hẳn đều không lạ lẫm gì với hình ảnh rất nhiều đàn gia súc thả rông, “tung tăng” gặm cỏ ở hai bên ven đường. Rồi nữa, không chỉ gặm cỏ, những con trâu, bò, cả dê, cừu còn nhiều khi nổi hứng lên mặt đường để “diễu hành”, thậm chí đứng, nằm ngủ chềnh ềnh, khiến giao thông bị tắc nghẽn, xe cộ qua lại gặp nhiều khó khăn. Qua thông tin báo chí, trong nhiều năm nay, hầu như năm nào trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh cũng xảy ra rất nhiều vụ tai nạn có liên quan tới gia súc thả rông. Trong đó có không ít vụ nghiêm trọng, với hậu quả nặng nề, gây thiệt hại về người, hỏng hóc phương tiện… 

Việc để gia súc thả rông ven đường, không người giám sát như vậy là hết sức nguy hiểm, bởi nó không chỉ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, gây nguy hiểm, đe dọa tính mạng của người tham gia giao thông, mà còn có thể gây thiệt hại cho chính người nông dân, bởi gia súc của họ cũng rất dễ chết khi xe ô-tô lớn đâm phải. Vậy mà, bực thay, khi dư luận đã nói nhiều lắm rồi, mà sao bà con ta vẫn cứ… đủng đỉnh như không. 

Đã đến lúc các cấp chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng vào cuộc để kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa tình trạng trên. Ngoài ra, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền một cách thường xuyên, sâu rộng, có thể đưa vào cả trường học trong các buổi sinh hoạt trường lớp, học ngoại khóa của học sinh địa phương, để mọi người dân hiểu, nhận biết được việc chăn thả rông gia súc ven đường giao thông là hết sức nguy hiểm, thiệt hại cho mọi người và chính mình.