Lắng nghe và chia sẻ

Mới đây, có một chỉ đạo rất kịp thời từ Chính phủ, liên quan “sát sườn” đến thực tế sản xuất, kinh doanh, thực hiện các thủ tục của người dân với cơ quan chức năng và địa phương. 

Đó là Công văn số 514/TTg-PL về rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội. 

Tinh thần chủ đạo của công văn là đề nghị các bộ, tỉnh, thành phố thấy có những gì gây vướng, gây chồng chéo trong các văn bản pháp luật hiện hành thì thống kê, báo cáo để cùng bàn cách tháo gỡ, sửa đổi. Đây là hướng mở rất đáng làm ngay, làm nhanh và làm liên tục để tạo sự thuận lợi trong quy định pháp luật, giúp cho các “dòng” vận chuyển trong xã hội được thông thoáng, trôi chảy. Ngoài những lĩnh vực rất quan trọng như đầu tư, kinh doanh, thì nhận ra những gì gây ách tắc, cản trở đối với đời sống xã hội để tháo gỡ những “mối buộc” là rất cấp thiết. Trong đó, có nhiều những điều, những việc ảnh hưởng thường xuyên đến người dân ta hằng ngày. Làm một việc gì đó cần xác nhận của cán bộ, địa phương, cơ quan chức năng, có khi rất tốn thời gian, công sức để chuẩn bị các loại giấy tờ, văn bản, hồ sơ, có khi phải đi đi lại lại nhiều lần. Thực tế, việc làm, cấp nhiều loại giấy tờ có liên quan mật thiết đến đời sống người dân như chứng minh nhân dân - căn cước công dân, sổ đỏ, sổ hộ khẩu, hoặc các bước để nhận những quyền lợi liên quan đến bảo hiểm, bồi thường, đền bù…, rất cần được cải tiến cho nhanh, gọn, thoáng hơn. Ngay như trong năm 2020, việc phát sinh trong bối cảnh mới như làm thủ tục xin nhận hỗ trợ do bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 cũng khiến nhiều người thấy rắc rối, khó khăn, mất nhiều công để có khi nhận một khoản chi phí hỗ trợ rất thấp. 

Bởi vậy, việc yêu cầu, đề nghị thông báo về những vướng mắc và đề xuất cách tháo gỡ đã là hay rồi, nhưng làm cho sâu sát, phản ánh kỹ và đúng, trúng tâm tư, nguyện vọng của người dân mới là tốt. Cho nên, nhiệm vụ là của các bộ, tỉnh, thành phố, nhưng việc phản ánh thực trạng, góp ý lại rất cần ý kiến của nhiều người dân, doanh nghiệp nếu họ nhận thấy những vướng mắc, ách tắc, cản trở ở đâu đó. Như vậy, việc đóng góp ý kiến cho chính quyền mới không bị hình thức, làm cho có, cho xong, mà còn là một dịp tốt để tăng cường sự kết nối giữa người dân và chính quyền, để lắng nghe, trao đổi, “hiểu nhau” hơn, giảm đi hơn nữa những nhiêu khê, rườm rà trong quản lý, điều hành, duy trì đời sống xã hội mà mỗi người đều là một phần trong đó.