Lại nói chuyện đề thi dở

Những hôm rồi, “dân tình” lại được dịp xôn xao về một đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9. 

Một câu trong đề thi khai thác câu chuyện “Khóc giùm”, kể chuyện một bé gái đi học về muộn do dừng lại giúp bạn… khóc vì hỏng xe. Câu thứ hai liên hệ đề tài, chủ đề của tác phẩm văn học với “chủ ngữ”, còn “phương diện chủ quan” của nội dung là “vị ngữ”. Đề thi được đưa lên các phương tiện báo chí, truyền thông, nhưng có lẽ nó khiến cho nhiều người phải “khóc giùm” luôn cho việc ra đề.

Nhiều ý kiến nhận xét, sao mà vừa trúc trắc, khó hiểu, vừa ngô nghê, mà thật sự là… không hay! Lạ là sao những đề thi kiểu như thế vẫn xuất hiện, vẫn được sử dụng, thậm chí đã được thông qua từ cả cấp hội đồng gồm các nhà chuyên môn, nhà giáo cho đến cán bộ quản lý giáo dục.

Nhìn rộng ra, thật sự băn khoăn với cách ra đề, thẩm định đề của không ít địa phương bây giờ. Đặc biệt là khi những đề văn “không hay” như thế, sau khi được đưa ra xã hội, thường nhận được rất nhiều góp ý, phàn nàn của nhiều người quan tâm như các nhà nghiên cứu, thầy cô giáo, cả phụ huynh. Nhưng sự tiếp thu của một số bộ phận chức năng, cá nhân có trách nhiệm dường như còn chậm. Hoặc mức độ cầu thị dường như không cao. Thậm chí cả việc rút kinh nghiệm từ hạn chế của địa phương khác cũng có khi còn bị xem nhẹ. Nên vẫn thấy đó đây, không ít những đề Văn khó hiểu, hoặc dễ dãi, thậm chí suồng sã. Có khi “nhặt nhạnh” vội vã những nhận định, phát ngôn được cho là đang nóng, đang nổi trong xã hội để cho thí sinh luận bàn. Có khi đưa ra những vấn đề lớn lao, vĩ mô, yêu cầu thí sinh giải quyết. Đặc biệt là cách dùng từ trong nội dung đề thi với đối tượng làm bài là các em học sinh, có thể nói, khá “người lớn”, phức tạp hóa.

Thậm chí, không ít nhà thơ, nhà văn bất ngờ khi trích đoạn tác phẩm của mình xuất hiện trong đề thi ở đâu đó. Mặc dù tác giả có niềm vui khi được chọn để học sinh biết đến hơn và cảm thụ, nhận xét tác phẩm của mình, nhưng có thể thấy, vẫn thiếu một sự tôn trọng cần thiết khi cơ quan lựa chọn sử dụng đề không xin phép trước hoặc thông báo cho tác giả biết. Dù rằng, việc sử dụng cho đề thi là hoạt động phi lợi nhuận về mặt kinh tế.

Những tồn tại như thế, khiến cho đề thi môn Văn trong không ít trường hợp trở nên thiếu sự nghiêm cẩn, nghiêm ngắn, thiếu cả sự hay, đẹp mà môn Văn, lĩnh vực văn chương hướng tới. Mặc dù các yếu tố hay, đẹp đó chỉ có thể định tính chứ không thể nào định lượng. Ra đề cho các em, các cháu học trò, hãy cố gắng suy tư, tìm tòi, nghiên cứu thêm, hiểu thêm về đối tượng, tâm lý lứa tuổi, cũng như lắng nghe những góp ý thẳng thắn, chân thành từ xã hội. Bởi đề Văn đóng góp không nhỏ vào việc học tập, cảm thụ văn học cũng như các giá trị nhân văn của các em.