Khác biệt giàu nghèo

Cứ đến mùa Trung thu, năm nào cũng thế, theo chân các đoàn thiện nguyện đến các bệnh viện tặng quà các bệnh nhi hay đến các trung tâm bảo trợ xã hội gặp các em nhỏ lang thang cơ nhỡ được nhận về nuôi, hoặc về các vùng sâu, vùng xa, vùng chịu thiên tai… mới thấm thía nỗi thiệt thòi của trẻ em nghèo.

Điều này khác xa với trẻ em trong thành phố, tại các trường học mà học phí một tháng nhiều hơn thu nhập không chỉ một năm của các hộ nông dân. Khác biệt giàu nghèo trong xã hội, dù các cấp chính quyền cũng cố gắng để xóa bớt, vẫn là điều không tránh khỏi. Nhưng có khi sự khác biệt ấy, chẳng cần cách xa lắm về địa lý hay hoàn cảnh. Sự chênh lệch giàu nghèo có khi nằm ngay trong một ngôi trường, chỉ khác một chút là việc đóng phí cho những hạ tầng khác nhau nên mới sinh ra những lớp học sinh giàu, lớp học sinh bình thường.

Nếu phụ huynh đăng ký cho con học lớp có điều hòa, chắc chắn phải trả thêm tiền, đi xe đưa đón của trường, ăn tại trường và học chương trình ngoại ngữ có giáo viên bản ngữ dạy…, chừng ấy có thể khiến cho một học sinh trở nên khác với bạn hàng xóm, học trong lớp chỉ có quạt máy, bố mẹ đưa đón bằng xe máy hoặc tự đi xe ôm và về nhà ăn cơm, học tiếng Anh với giáo viên của trường. Số tiền phụ huynh có điều kiện nộp cho trường để con mình được thêm tiện nghi, có khi chênh hàng triệu đồng mỗi tháng so với một học sinh lớp thường, làm mơ hồ nảy sinh cái gọi là phân biệt đẳng cấp trong lòng những đứa trẻ. Điều này có thể gặp ở mọi trường tư. Trường càng hào nhoáng mức thu càng cao, và để có nhiều học sinh, thì không thể chỉ nhận những học sinh mà gia đình sẵn sàng nộp phí cao, phải có những gia đình bình thường khác nữa.

Nếu chúng ta chú ý điều này, sẽ thấy có một sự khác biệt so với thời tất cả trẻ em đều đi học một cách vô tư, khác từ suy nghĩ của phụ huynh (những người đóng nhiều tiền tự cho mình cái quyền của khách hàng nên có thể không coi sự tôn sư trọng đạo là cần thiết) đến suy nghĩ của trẻ em, so sánh, coi thường và thiếu tôn trọng tất cả, từ thầy, cô giáo đến bạn bè.

Có khi nào chúng ta tự hỏi, những clip về bạo lực học đường xuất hiện nhiều trên mạng xã hội phần nào có căn nguyên từ những món tiền chênh lệch nộp ngay trong một trường học? Mà nếu như vậy thì rất khó để mà giáo dục đạo đức cho học sinh.