“Hết đất” đòi nợ thuê

Tới đây, dịch vụ đòi nợ sẽ không được tiếp tục từ đầu năm 2021. Đây có lẽ là điều làm “nức lòng” không ít người. Nghe có vẻ hơi… trái khoáy, nhưng thật sự là như vậy.

Bởi vượt ra ngoài câu chuyện giao dịch dân sự trong xã hội về việc vay, chưa trả, chậm trả, thậm chí… không có ý muốn trả, cần phải có hình thức lấy lại tiền một cách hợp pháp từ phía người - bên cho vay, thì hình thức thường được gọi là “đòi nợ thuê” mang màu sắc… bạo lực, từ lâu đã là nhân tố gây mất trật tự an ninh, trật tự, thậm chí bất ổn cho xã hội.

Cứ nhìn những biển hiệu công ty thu nợ, đòi nợ trưng lên “hiên ngang” thì nhiều người đã phải lắc đầu ngán ngẩm. Bởi qua thực tế, qua báo chí, truyền thông, đã biết đến hình thức thu nợ, đòi nợ thuê không lấy gì làm thiện cảm của những nhóm người hình thức bặm trợn, lời ăn tiếng nói nặng tính hăm dọa, thậm chí có thể có cả những hành vi xâm phạm đến đời sống, tinh thần, thân thể của những người - bên có vay nợ. Bị trấn áp về tinh thần bằng nhiều chiêu trò, có khi bị tiến công bằng vũ lực một cách bất hợp pháp, nhiều “con nợ” lo lắng, sợ hãi đến mất ăn mất ngủ, có khi phải tránh, phải trốn, phải trình báo cơ quan chức năng để giải quyết, “giải cứu” theo pháp luật. Còn người dân chung quanh, người chứng kiến trong xã hội thì bất bình với cách đòi nợ, thu nợ có tính chất du côn. 

Câu chuyện giữ hay dừng lại hình thức đòi nợ thuê từng được bàn thảo sôi nổi trên nghị trường. Có những lý do khác nhau đưa ra cho hai hướng để tiếp tục tồn tại hay cấm. Nhưng rõ ràng, việc thực hiện dịch vụ đòi nợ bị biến tướng thành những hành vi hăm dọa, hành hung một cách côn đồ, bất chấp luật pháp, sẽ chỉ gây tác động xấu đến xã hội, không phù hợp trên tiến trình xây dựng xã hội văn minh, người dân có trách nhiệm tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng xã hội. Việc dừng dịch vụ đòi nợ là đáng hoan nghênh!

Nhưng quan trọng hơn tới đây, là những nỗ lực quản lý, kiểm soát, phát hiện, trấn áp và xử lý những hình thức đòi nợ đậm tính bạo lực vẫn ngoan cố tồn tại “chui” hay duy trì, phát sinh dưới hình thức vỏ bọc “lịch sự” nào đó. Hình thức phạt đến 80 triệu đồng với cá nhân và 160 triệu đồng với tổ chức, đồng thời phải nộp lại số tiền bất chính có được do thực hiện hành vi bị cấm này, hy vọng sẽ là mức độ cảnh tỉnh nghiêm khắc với những ai còn “tiếc nuối” cách dùng “nắm đấm” để giải quyết công việc.

Còn đương nhiên, với những ai đã vay mà còn chây ỳ không chịu trả, thì pháp luật đã có hình thức xử lý theo hướng dẫn đối với người - bên cho vay là khởi kiện ra tòa hoặc báo cho cơ quan công an có thẩm quyền. Làm theo cách hợp pháp trên, chắc chắn sẽ thật sự văn minh và hay hơn phải hành xử theo kiểu du côn, coi thường pháp luật!