Giám sát bữa ăn học đường

Trường học được mở trở lại đón học sinh “tựu trường” khiến các bậc phụ huynh thở phào. Nhiều gia đình tiếp tục đăng ký cho con bữa ăn bán trú. “Để bố mẹ còn yên tâm đi làm chứ…” - lời một chị đồng nghiệp cơ quan trong giờ nghỉ trưa.

Nhưng một vài đồng nghiệp khác của tôi thì vẫn không đăng ký cho con ăn ở trường vì e ngại nguồn thực phẩm chế biến những bữa ăn học đường chất lượng không bảo đảm.

Lo lắng về bữa ăn học đường, thực ra, không phải là nỗi băn khoăn riêng của mấy đồng nghiệp ở cơ quan tôi. Để phòng tránh dịch, ngành giáo dục đã có những bộ tiêu chí để các trường phải thực hiện nghiêm túc. Thế nhưng, dù cũng đã có những quy định về việc cung cấp thực phẩm vào trường học phải bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, song thực tế vẫn có tình trạng một số đơn vị cung cấp tuồn thực phẩm bẩn, thực phẩm không đạt yêu cầu vào trường học, gây ra những vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng loạt học sinh phải nhập viện.

Những vụ việc xảy ra trong quá khứ ấy khiến cho nhiều phụ huynh còn ám ảnh. Nhất là suốt từ ngoài Tết đến nay, dịch hoành hành, khiến cho nhiều lĩnh vực phải thu hẹp hoạt động, trong đó có các công ty chuyên sản xuất và cung cấp thực phẩm. Đặc biệt, gần đây thôi, Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp Đội 4 Phòng Cảnh sát môi trường (PC05) - Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện 10 tấn hàng đông lạnh, trong đó có hơn sáu tấn thực phẩm đủ mọi chủng loại, bao gồm chân gà, tim lợn, nầm lợn, dạ dày lợn… đều được bảo quản trong tình trạng mất vệ sinh, thậm chí nhiều chân gà đã ngả sang mầu đen. Trước đó, tại Hải Dương, cơ quan chức năng cũng phát hiện một kho lạnh chứa hơn 72 tấn sản phẩm nội tạng động vật, bao gồm lòng non lợn đã qua sơ chế, chưa qua sơ chế, mũi lợn khô đã bốc mùi và một số phụ gia thực phẩm, hóa chất, chất tẩy rửa...

Điều này cho thấy, thực phẩm bẩn vẫn được “om, ủ” trong suốt “mùa” dịch tại các kho lạnh ở một số nơi, chực chờ bung ra để đi vào nhà hàng, hay được cung cấp cho các đơn vị chế biến suất ăn cho công nhân, cho trường học… Do đó, đồng thời việc cho học sinh trở lại trường, ngành giáo dục cần tiếp tục tăng cường các biện pháp để giám sát chặt chẽ hơn nữa tất cả những đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn cho trường học. Ban giám hiệu và hội phụ huynh của trường, của lớp cũng cần có sự phối hợp để thường xuyên kiểm tra, giám sát.

Cùng vào cuộc, cùng giám sát thì mới hy vọng ngăn chặn được những bữa cơm học đường có trà trộn thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, góp phần tạo sự yên tâm cho phụ huynh gửi con học bán trú.