Giá trị thật

Lâu lâu mới gặp anh bạn. Anh vò đầu bứt tai, phân bua đang theo một số khóa học cho đủ hồ sơ. 

Nhiều công chức được hỏi cũng đứng ngồi không yên vì vừa làm, vừa học, vừa thi cho đủ chứng chỉ, bằng cấp!

Anh bạn ấy, từ khi ra trường đến nay không hề đụng đến ngoại ngữ. Nhưng nay, theo yêu cầu của tổ chức, anh cần bổ sung bằng tiếng Anh A2 chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Trong khi về mặt chuyên môn anh cũng không phải hạng vừa. Vậy nhưng, nay anh lo để đi học rồi thi môn ngoại ngữ, thật… cực chẳng đã. Chưa hết, cứ cuối giờ làm, anh lại tất tả theo học khóa Quản lý nhà nước cũng để cho đủ hồ sơ quy hoạch. 

Ở cơ quan nọ, mới đây, chị em văn phòng lũ lượt rủ nhau đi thi. Họ toàn là những con “mọt” máy tính, trình độ tin học văn phòng quá thành thạo, thế nhưng để đủ hồ sơ, họ vẫn phải bỏ tiền, bỏ công để có được tờ chứng chỉ tin học.

Anh T. cũng than thở vì cho dù đi làm hàng chục năm, đã từng được mời đi thỉnh giảng đại học, nhưng nay phải quay lại học mớ kiến thức như vừa mới ra trường! Cũng vì lý do, để có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh. Các lớp học này phải mất bốn đến năm tuần theo học, kinh phí và quỹ lớp lên đến mấy triệu đồng/người.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Trong đó, mục tiêu hướng đến là: Phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Như vậy, trong văn bằng đã bảo đảm yêu cầu trình độ về tiếng Anh hay tin học và các trường đại học phải làm được điều này. 

Việc quy định văn bằng, chứng chỉ cụ thể và chi tiết trong thi và xét tuyển cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết, nhưng các loại văn bằng, chứng chỉ đó phải phù hợp, có ích cho công việc của người học. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có những chứng chỉ có tính chất làm “đẹp” hồ sơ và những quy định không cần thiết về một số loại văn bằng, chứng chỉ đang gây nên một sự lãng phí không hề nhỏ.

Được biết, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ, liên quan đến đề nghị của Bộ Nội vụ về hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể, trong đó nêu rõ những loại chứng chỉ là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; loại chứng chỉ thuộc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.

Như vậy, các cơ quan liên quan rất cần khẩn trương rà soát, kiên quyết loại bỏ những chứng chỉ là gánh nặng thủ tục. Bởi xét đến cùng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là ở năng lực, chuyên môn thực tế, không chỉ nằm ở tờ chứng chỉ.