Đừng để “quá mù ra mưa”

Cộng đồng mạng mấy ngày qua lan truyền video mà dư luận cho là “chồng can vợ giải cứu bồ nhí bị đánh ghen”. Theo đó, người vợ lao vào đánh, túm tóc cô gái được cho là nhân tình của chồng, trong khi người chồng ra sức che chắn, giữ tay vợ, thậm chí còn tung cước, thúc cùi chỏ vào mặt vợ để giải cứu cho cô gái… Thông tin về người thứ ba, gia thế của người chồng, người vợ và mối quan hệ tay ba phức tạp sau đó bị mạng xã hội phanh phui.

Đã có nhiều phân tích về việc người vợ, người chồng trong clip trên có thể bị xử lý vì hành vi đánh nhau, gây mất trật tự công cộng. Nhiều người cảm thông với người vợ, chĩa mũi nhọn chỉ trích cô gái trẻ. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, ranh giới giữa hành vi đánh nhau, gây mất trật tự công cộng và hành vi cố ý gây thương tích chỉ cách nhau gang tấc. Có ý kiến luật sư cho rằng, nếu hành vi của người vợ mà gây thương tích cho cô gái với tỷ lệ 11% thì người vợ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích. Với tội danh này, tùy theo mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tổn thương của cơ thể, hình phạt thấp nhất là xử phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Thực tế, khi xem đoạn video nhiều người cũng tỏ ra băn khoăn: Liệu người chồng và cô gái bị đánh ghen kia ngoại tình, vi phạm Luật Hôn nhân Gia đình hay chưa?

Giới luật sư mổ xẻ, đoạn video cho thấy thông tin vụ đánh nhau do ghen tuông, nhưng chưa đủ căn cứ xác định người chồng và cô gái có quan hệ “ngoài luồng” thật sự. Người chồng và cô gái chỉ có thể bị coi là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng nếu “chung sống như vợ chồng”, cụ thể là chung sống một cách công khai, ở chung một nhà, có con chung hoặc có tài sản chung, quan tâm chăm sóc nhau một cách công khai trước chính quyền địa phương, trước họ hàng, hàng xóm… Khi đó người vợ có quyền yêu cầu xử lý hành chính người chồng và cô gái theo Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP: “Phạt tiền từ ba đến năm triệu đồng đối với người đang có vợ (đang có chồng) mà chung sống như vợ chồng với người khác mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ”. 

Ngoài ra, khi ly hôn, người chồng ngoại tình sẽ phải chịu bất lợi trong việc phân chia tài sản, có thể bị chia ít hơn căn cứ theo Điểm d, Khoản 4 Điều 7 Thông tư 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC.

Hy vọng, người vợ sau những “choáng váng” về tình cảm, cần bình tĩnh lại và tỉnh táo chọn cho mình phương án giải quyết phù hợp. Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, thì việc lấy lý do “bị cắm sừng” ra để biện hộ nếu phải đứng trước các cơ quan chức năng vì hành vi gây rối, cũng không thể là cứu cánh. Ngược lại, những người trong cuộc, nếu đã “ngấp nghé” nguy cơ vi phạm Luật Hôn nhân Gia đình cũng phải nhìn lại hành vi của mình, bởi không chỉ có khả năng đối diện pháp luật mà còn có thể mất mát rất nhiều điều quan trọng khác.