Dựa vào cộng đồng

Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cái “vế” “dựa vào cộng đồng” có thể coi là nét khá mới trong quan điểm phòng, chống thiên tai. 

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, vốn đã là chủ trương được nhiều cấp, ngành, địa phương triển khai vào các công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ, cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ… Nhưng có lẽ, ở một mặt nào đó, người dân vẫn được coi là đối tượng cần tác động, cần giúp đỡ, chứ chưa hẳn đã ở vai trò chủ động phát huy năng lực, kinh nghiệm của mình; hoặc là “đối tác” của các cơ quan chức năng trong công cuộc phòng, chống thiên tai. Mặc dù việc phòng, chống này cũng chính là để bảo vệ cho tính mạng, tài sản, đời sống và việc sản xuất của bà con. 

Phát huy quan điểm “dựa vào cộng đồng” thì sẽ đề cao hơn tính chủ động, trách nhiệm tự thân của người dân, cũng như chú trọng hơn đến kinh nghiệm, sáng kiến, nguyện vọng trong cộng đồng. Để từ đó Nhà nước và nhân dân cùng phối hợp chuẩn bị, ứng phó trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra. Thực tế như trong đợt bão lũ lịch sử ở khu vực miền trung gần cuối năm 2020, đã có nhiều điểm đáng ghi nhận trong sáng kiến, hành động kịp thời của người dân khi hỗ trợ nhau giữa cơn hoạn nạn; khi người dân các địa phương giúp đỡ đồng bào đang chịu thiên tai; và còn nhiều mong mỏi của nhiều gia đình cho đến nay vẫn còn khắc khoải khi chưa khắc phục thiệt hại một cách ổn thỏa… Đó đều là những vấn đề đáng để cơ quan chức năng “dựa vào cộng đồng” kỹ hơn mà nắm bắt, rút kinh nghiệm, giải quyết cho hiệu quả hơn. 

Được biết, đề án nêu trên vừa nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của thiên tai, năng lực ứng phó cho đội ngũ phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở, vừa cho cả người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai. Khi triển khai, một trọng tâm mà đề án hướng đến, sẽ là hoàn thiện cơ chế, chính sách, tài liệu hướng dẫn tổ chức thực hiện nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, cũng như tăng cường năng lực, kỹ năng cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai... Như vậy, rất nên hiện thực hóa thành những hình thức cụ thể như rèn luyện cho người dân kỹ năng bơi, sử dụng phương tiện thủy thô sơ như xuồng, thuyền; trang bị áo phao, tập huấn về kỹ năng thoát nạn cũng như phát hiện, cứu nạn, thông tin liên lạc trong bối cảnh mưa dông, bão, lũ; chủ động cất trữ, chằng chống, che chắn nhằm bảo vệ lương thực, vật nuôi, vật chất giá trị… bảo đảm về nguyên vật liệu mức độ chắc chắn, an toàn. Trên phạm vi rộng hơn nữa, là phong trào người dân chủ động bảo vệ rừng; điều chỉnh canh tác, sản xuất phù hợp với thời vụ; hợp tác tích cực và được bảo đảm quyền lợi với các cơ quan chức năng trong việc cùng ngăn chặn những nguy cơ làm nặng thêm hậu quả khi thiên tai ập đến. 

Đã xác định “dựa vào cộng đồng”, thì người dân phải thật sự trở thành trọng tâm trong việc triển khai đề án này, vì sự bền vững của cộng đồng, thiên nhiên, môi trường trên tinh thần “cộng sinh”.