Đau nhức chung cư dang dở

Mới ít hôm trước thôi, liên quan một tòa chung cư tại Hà Đông (Hà Nội) vốn cho người ta “leo cây” mãi suốt mấy năm qua, nhiều người là khách hàng mua căn hộ ở đây đã phải tìm đến tận UBND thành phố để phàn nàn, kể khổ.

Đúng là khổ thật, vì hóa ra trong số nhiều người mua căn hộ bây giờ, không ít người khó khăn, phải vay ngân hàng, nợ người thân mong có chốn an cư mà lạc nghiệp. Có người phải thuê nhà ở để đợi nhà đã đăng ký mua, đã đóng tiền nhiều đợt. Vậy mà… chủ đầu tư làm ăn kém và tắc trách, không đủ khả năng thực hiện tiếp dự án, phải chuyển giao, dự án vẫn như một khối bê-tông khổng lồ, lêu nghêu trong mưa nắng. Ở dưới người ta tạm mở quán ăn, dịch vụ trông, rửa xe…

Đấy chỉ là một trong số không ít tòa chung cư chưa hoàn thiện bây giờ. Không khó để thỉnh thoảng lại gặp một tòa bê-tông xám xịt, im lìm hằng tháng, hằng năm, nhiều năm giữa phố dài tấp nập và rực rỡ sắc mầu. Mỗi ngày, những công trình dở dang ấy như cái xương còn ngáng ngang họng một cơ thể phát triển, như cái kim chọc vào nỗi bức xúc, tức giận của hàng bao con người mệt mỏi chờ đợi và than thở, gõ rất nhiều cửa mà chưa thấy lời giải.

Đấy! Bao nhiêu là việc phải làm để lo đời sống, bao nhiêu trông đợi mà bây giờ còn chưa biết làm thế nào thì làm sao mà an yên lao động, sản xuất, sinh hoạt, nghỉ ngơi một cách ổn định, bình thường cho nổi. Đặt lên trên bàn giấy, nó là thực trạng nhà cửa chưa giải quyết xong, chưa có sự thống nhất, đồng thuận, đang tìm cách tháo gỡ tiếp… Nhưng phải thấy rằng, bên cạnh, đằng sau đấy, còn là bao nhiêu điều khổ ải, cay đắng của mọi người.

Giải quyết thế nào, thì đã có nhiều cách được bàn, được làm giữa những bên liên quan, nhất là với những người dân mua nhà. Chăng băng-rôn, biểu ngữ phản đối; đưa thông tin lên mạng xã hội; phản ánh với báo chí; gặp gỡ, đàm phán với các bên liên quan; đòi lại phần tiền đã đóng; khởi kiện đơn vị tắc trách, có dấu hiệu không minh bạch, không làm đúng cam kết… Hàng loạt cách đã, đang và sẽ làm. Nhưng những công trình dang dở đó, vẫn cứ đang trống trải, trơ trọi, như một sự lãng phí khổng lồ về diện tích đất, nguyên vật liệu, công sức lao động và năng lượng tinh thần, thời gian chờ đợi; một nỗi đau nhức trong cơ thể thành phố phát triển…

Liệu nỗi đau nhức ấy, có tấy lên nhiều hơn, trong lòng những bộ phận liên quan, những cơ quan chức năng về tài nguyên, quy hoạch, xây dựng, pháp luật của thành phố?