Cần nghe hai phía

Trong các nội dung lớn ở dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được dư luận quan tâm và các đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, có quy định về khung giờ làm thêm và thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động.

Theo quy định hiện hành thì tổng số giờ làm việc của người lao động trong khu vực công, hành chính là 40 giờ/tuần, tức là làm việc năm ngày, nghỉ trọn hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Trong khi người lao động tại khu vực doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh đang phải làm việc sáu ngày với 48 giờ/tuần (chỉ được nghỉ ngày chủ nhật).

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, quy định như hiện nay là chưa hoàn toàn phù hợp. Trong khi khu vực hành chính được nghỉ ngơi hai ngày cuối tuần, thậm chí có một bộ phận hầu như không làm việc mà vẫn hưởng lương, thì người lao động trong các doanh nghiệp đang phải làm việc với cường độ cao. Do đó, tổ chức đại diện cho người lao động đề xuất giảm giờ làm việc bình thường của người lao động tại khu vực doanh nghiệp từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, tức là được nghỉ từ chiều thứ bảy đến chủ nhật.

Khi ý kiến này được đưa lên mạng xã hội, rất nhiều thành viên, người lao động đồng tình. Nhiều người chia sẻ, hằng ngày phải làm thêm vất vả, độc hại, tăng ca kíp mới đủ sống, nên rất cần thêm thời giờ nghỉ ngơi, để chăm sóc gia đình, tái tạo sức khỏe… Khảo sát thực tế tại Hà Nội, TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cao Bằng… do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tổ chức mới đây cho thấy, hiện nhiều nơi đã và đang áp dụng chính sách cho người lao động được nghỉ một đến hai ngày, thậm chí ba ngày thứ bảy mỗi tháng, hưởng nguyên lương.

Do đó, đến nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục bảo vệ quan điểm cần giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ 48 giờ xuống 44 giờ khi xin ý kiến Quốc hội về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Bởi, nếu làm việc dài có thể xáo trộn nhịp sinh học, gây tai nạn lao động, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, sức khỏe, dẫn đến năng suất lao động thấp. Trong thời gian qua, thời giờ làm việc kéo dài là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột, ngừng việc, đình công, tranh chấp lao động...

Đó là đứng ở góc độ của người lao động, nhưng theo ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (cơ quan đại diện quyền lợi cho các doanh nghiệp) cũng như các hiệp hội ngành hàng, thì nếu giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động sẽ dẫn tới tình trạng doanh nghiệp phải tuyển thêm hàng loạt lao động nữa, thậm chí tăng ca bừa bãi để kịp đơn hàng, tiến độ. Nếu thay đổi giờ làm việc như thế thì người lao động lại bị cuốn vào vòng xoáy làm thêm ca thêm giờ để tăng thu nhập, không có thời gian nghỉ ngơi, sức khỏe và cuộc sống bị xáo trộn.

Như vậy, với sự khập khiễng giữa giờ làm và giờ nghỉ như hiện nay, Quốc hội cần xem xét kỹ dự thảo này, cơ quan soạn thảo nên có đánh giá tác động từ cả hai phía: doanh nghiệp và người lao động. Theo nhiều chuyên gia và chủ doanh nghiệp, giảm giờ làm chỉ có ý nghĩa khi năng suất lao động tốt, trình độ kỹ thuật của người lao động nâng cao.