Bảo đảm sức khỏe tâm thần

Hiện vẫn chưa có kết quả nghiên cứu nào chỉ rõ mối quan hệ giữa việc gia tăng tỷ lệ tử tự của trẻ với việc sử dụng công nghệ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc trẻ ngày càng dành nhiều thời gian cho các hoạt động trong không gian ảo sẽ làm mất đi khả năng tương tác với gia đình. Trong khi đây mới là yếu tố cần và đủ để nhà trường và gia đình phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh.

Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, mỗi ngày có tới hàng trăm bệnh nhân tới viện khám và điều trị các bệnh lý liên quan sức khỏe tâm thần, từ mất ngủ, rối loạn trí nhớ, tâm thần phân liệt cho tới trầm cảm, rối loạn do nghiện game.

Thậm chí, tại Khoa Tâm thần trẻ em của Viện từng tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân mới chỉ học lớp 8-9, nhưng đã bị rối loạn tâm thần, rối loạn cảm xúc, chỉ vì lên mạng tới 5-6 giờ đồng hồ mỗi ngày, trong đó có cả lạm dụng game. Mới đây, đơn vị này tiếp nhận một cậu bé chỉ 15 tuổi nhưng ngày nào cũng “cày” game tới 4-5 giờ đồng hồ, chủ yếu là các game bắn giết nhau tới mức loạn thần, khiến gia đình phải đưa tới bệnh viện điều trị.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 70% - 80% số trẻ em từ 10 đến 15 tuổi thích game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện chiếm khoảng 10% - 15%. Trẻ nghiện game nghĩa là dành quá nhiều thời gian với các trò chơi trong thế giới ảo, có nhiều trò mang mầu sắc bạo lực, làm ảnh hưởng, thậm chí là ám ảnh, tác động đến suy nghĩ, hoạt động của cuộc sống ngoài đời thực. Vì thế, với những người chơi quá nhiều game bắn giết, đánh đấm nhau, có thể khiến tâm lý bị thay đổi tiêu cực.

Cùng với đó, hệ lụy của nghiện game, mạng xã hội có thể thấy rõ ràng là người dùng sẽ mất ngủ, nghèo nàn các kỹ năng xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật, giảm hiệu suất công việc, học tập, cho tới những tổn hại về sức khỏe và thần kinh, dẫn tới trầm cảm, tâm thần phân liệt.

Theo TS, BS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), nhiều người đã có một cách nhìn nhận sai lệch về bệnh tâm thần, thậm chí có thái độ kỳ thị đối với bệnh nhân tâm thần vì họ chưa hiểu đúng thế nào là tâm thần và sức khỏe tâm thần. Chính những thái độ này làm cho nhiều người bị rối loạn tâm thần đã không được khám và điều trị đúng với chuyên khoa cần cho họ là chuyên khoa về sức khỏe tâm thần. Trong khi đó, “tâm thần chỉ đơn giản là cảm xúc của con người, là vui buồn, là lo âu, sợ hãi… là trí nhớ của mỗi người với lẫn, quên, đãng trí… là những vấn đề về tư duy, suy nghĩ của mỗi người trước một sự vật, hiện tượng nào đấy…” - TS Hùng cho biết.

Chính từ sự hiểu sai quan niệm nên nhiều trường hợp gia đình có trẻ bị những rối loạn tâm thần đã không dám đến khám tại các cơ sở chuyên khoa sức khỏe tâm thần, phần lớn chỉ khám, tư vấn ở những cơ sở không chuyên khoa nên việc điều trị nhiều khi chưa đúng.

Cai nghiện game vô cùng vất vả và cần nhiều thời gian điều chỉnh hành vi thói quen, đòi hỏi sự kiên nhẫn từ gia đình, nhà chuyên môn, kể cả giáo viên ở trường và những người chung quanh. Có những trường hợp nghiện game đi kèm ảnh hưởng sức khỏe tâm thần phải kết hợp điều trị bằng thuốc với bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Bác sĩ chỉ có thể chỉ định dùng thuốc khi bệnh nhân có các bệnh đồng diễn hoặc hậu quả của nghiện game gây nên, như: mất ngủ, trầm cảm, hoang tưởng, âu lo, kích động. Do vậy, khi bản thân, cũng như các bậc phụ huynh thấy con em mình thường xuyên có những dấu hiệu trên, cần phải đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa về tâm - thần kinh để điều trị.