Ba mươi triệu sẽ cứu vãn được gì ?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến giáo viên, cha mẹ học sinh cũng như toàn xã hội.

Xem lại báo chí, thấy mấy ngày vừa rồi, lại có thêm vài vụ giáo viên cư xử không chuẩn. Đánh cả lớp, bắt học sinh ngậm bút hoặc đứng úp mặt vào tường. Thế có nghĩa là chế tài ngăn chặn tiêu cực xảy ra trong ngành giáo dục đưa ra lúc này không sớm.

Trong dự thảo, điều 32 có quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học; phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học. Nếu vi phạm, giáo viên buộc phải xin lỗi công khai học sinh hoặc bị đình chỉ giảng dạy từ một tháng đến sáu tháng.

Người trong ngành nói chung ủng hộ dự thảo, vì đây là sự thể hiện cách nhìn mới về quản lý hành chính. Cứ theo dự thảo này, việc xử phạt sẽ ở quy mô rộng và bao quát tất cả các khía cạnh. Giáo dục cũng có lúc cần điều chỉnh hành vi. Tuy nhiên, nói đi cũng cần nói lại, điều 32 về việc khi xúc phạm thân thể học sinh có thể bị phạt đến 30 triệu đồng, có lẽ cũng cần xem lại.

Một là, với nhân phẩm, thân thể học sinh, một tổn thương tâm lý nặng nề có thể có nguy cơ đeo đẳng suốt đời, nói chung không thể quy thiệt hại ra tiền.

Thứ hai, việc làm của thầy, cô xúc phạm học trò đến mức nào mà quy phạt? Thầy, cô có khi yêu trò như con và cư xử đầy bản năng, giống như mọi bố mẹ. Có gì để phân định ranh giới giữa những va chạm của thầy, cô với lũ trẻ? “Yêu cho roi cho vọt”, vừa chút xíu qua ranh giới, mất 30 triệu chưa lớn, mất luôn cả nghiệp làm thầy. Có đúng không?

Người thầy trong xã hội hiện đại chịu nhiều áp lực cơm áo gạo tiền, cộng với mạng xã hội luôn gây sức ép và trăm nghìn sự khó khác. Nếu có nóng nảy, có hành vi bột phát, không mang tính sư phạm… cũng không phải chuyện lạ.

Và chuyện cần nói, là mối quan hệ thầy trò bây giờ khác xưa quá nhiều. Từ khi chúng ta coi giáo dục đơn giản là dịch vụ, trẻ em nghĩ mình muốn gì cũng được, kể cả thay thầy giáo. Thì sự tôn kính đã suy giảm rồi.

Ba mươi triệu sẽ cứu vãn được gì? Cứ cho là những người làm thầy nghèo đưa 30 triệu ra để xóa bỏ hành vi. Nhưng những tổn thương từ thầy và trò, bao nhiêu cho đủ?

Nên, thà cứ im lặng mà sửa sai, cứ lặng lẽ đến từng trường học, nắm bắt tình hình rồi đối thoại.

Cốt lõi giáo dục là yêu thương, đâu phải là phạt tiền!