Ai ở lại với dân?

Hiện tại, đã có rất nhiều tổ chức, đội, nhóm, cá nhân đứng ra quyên góp quần áo, lương thực, thực phẩm, nước uống, sách vở… vận chuyển tới các tỉnh miền trung cứu trợ đồng bào bị bão lụt.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn...

Theo đó, việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh phải bảo đảm hiệu quả, kịp thời. Đồng thời khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân. 

Thiện nguyện rất cần được tôn vinh. Nhưng gần đây lại có nhiều chuyện không hay xảy ra. Đó là chuyện làm thiện nguyện kiểu “phong trào”, thiếu chuyên nghiệp. Có đoàn có một xe tải muốn thuyết phục các chiến sĩ biên phòng chở người và mì tôm vào phát cho dân. Tuy nhiên, khi các chiến sĩ từ chối và giải thích là tàu có nhiệm vụ ứng trực, chỉ sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp như “cứu người, đưa đón đoàn khảo sát địa hình để ứng phó lũ” bèn chịu ngay “mưa” chỉ trích của đoàn thiện nguyện kèm những hình ảnh quay phim, phát trực tiếp. 

Ngay sau đó, phía sâu trong xã có điện thoại ra điều gấp một tàu nhỏ vào trong để đưa sản phụ trở dạ (lúc này trời mưa to, nước chảy xiết), các anh bộ đội chỉ kịp ăn nửa gói mì tôm sống lại vội lên đường. 15 phút sau nữa, hai chiếc tàu nhỏ của bộ đội biên phòng cũng được lệnh dời đi kiểm tra hai phía quả đồi có nguy cơ sạt lở. Lúc này, đoàn thiện nguyện phong trào vẫn say sưa livestream, trình diễn “công lao”, “bức xúc” của mình. Đi làm thiện nguyện nhưng họ lại thiếu hiểu biết, từ đầu cơn bão đến nay, đã có nhiều người lính hy sinh, rất nhiều người lính trực chiến cứu và di tản hàng chục nghìn người dân khỏi vùng nguy hiểm mà không hề có chút thời gian rảnh rỗi để livestream, phát trực tiếp như họ! 

Đội ngũ cán bộ cơ sở xóm, thôn, xã cũng rất vất vả, ngoài trách nhiệm công việc thì rất nhiều người trong số họ cũng có hoàn cảnh như người dân, là nạn nhân của trận đại hồng thủy này nhưng vẫn bị soi mói, bị lên án. Trong lũ, họ lao vào cứu dân mà thả nhà, thả cửa, thả thóc, lúa, heo gà, trâu bò trong lũ. Cứu được dân, khi trở về thì nhà cửa mình tan hoang. Khi lũ rút, họ lại tất tả làng trên, xóm dưới lo cho dân, lập danh sách hỗ trợ, tiếp các đoàn cứu trợ. 

Có những trưởng thôn, lúa vừa gặt được vài tấn, tưởng chắc ăn nhưng lũ vùi trắng tay mà không dám kê khai thiệt hại trước dân. Có chủ tịch xã, trong lũ cứu dân về được người phát cơm đưa hộp cơm cũng không dám nhận mà nói: “Tui ăn sau, để bà con ăn trước!”. Nghe mà ứa nước mắt. 

Có những người đi cứu trợ, nếu phiền lòng gì là lập tức đưa lên mạng, không tiếc lời mắng nhiếc. Nhưng khi đoàn cứu trợ đi rồi thì ai ở lại với dân? Vẫn biết lòng trắc ẩn lúc nào cũng quý hơn vàng nhưng đôi khi nếu cái tôi cá nhân hoặc những mục đích khác được đặt lên quá cao thì ý nghĩa quý giá đó cũng vì thế lại giảm đi rất nhiều.