Vì lợi ích cao nhất của học sinh

Sẽ không xác định chỉ tiêu trình độ trung cấp, cao đẳng, các ngành đào tạo giáo viên, trừ giáo dục mầm non. Với các ngành đào tạo trình độ đại học mới, xác định chỉ tiêu nằm trong năng lực đào tạo của khối ngành tương ứng, không vượt quá 50 chỉ tiêu tuyển sinh/ngành mới và phải có cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn. Đặc biệt, phải trung thực trong thông tin hướng nghiệp cho học sinh (HS). Đó là nhấn mạnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong mùa tuyển sinh năm 2020.

Công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh cần đưa ra các yêu cầu nghề nghiệp chính xác cho học sinh, phụ huynh tham khảo, lựa chọn.
Công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh cần đưa ra các yêu cầu nghề nghiệp chính xác cho học sinh, phụ huynh tham khảo, lựa chọn.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tuyển sinh năm 2019 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, công tác tuyển sinh năm 2019 được đánh giá thành công trên nhiều phương diện. Phần mềm tuyển sinh đã phát huy tác dụng, giúp trường thống kê, dự tính được thí sinh ảo để chủ động tuyển sinh. Điểm trúng tuyển phản ánh phân loại chất lượng giữa các nhóm trường khá rõ ràng, là cơ sở để người học, cơ quan quản lý, xã hội đánh giá, giám sát.

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh 2019 vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Một số cơ sở đào tạo lạm dụng quyền tự chủ, quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào thấp hoặc nhập điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố. Đáng chú ý, tỷ lệ trúng tuyển đợt I cao (115,39% chỉ tiêu), nhưng nhập học thấp (63,89% so số trúng tuyển), do trường không nhập đầy đủ danh sách xác nhận nhập học lên hệ thống. Một số trường phổ thông còn chạy theo thành tích về tỷ lệ HS đỗ đại học...

Theo đó, trong mùa tuyển sinh năm 2020, sẽ có một số chính sách thay đổi so năm ngoái vì lợi ích cao nhất của học sinh. Ngoài những thông tin được nêu trên, Bộ sẽ bổ sung quy định riêng về xác định chỉ tiêu đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin tại các trường có khóa tuyển sinh mùa thứ hai trở đi. Với giảng viên thỉnh giảng, yêu cầu là chuyên gia, có bằng thạc sĩ trở lên hoặc tốt nghiệp đại học cùng ngành và có từ 3 - 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo. Tổng số giảng viên thỉnh giảng nhiều nhất bằng 40% tổng giảng viên hữu cơ. Đối với chế độ tuyển sinh, sẽ tích hợp các nội dung điều chỉnh tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng II, chất lượng cao... vào cùng một quy chế tuyển sinh để bảo đảm tính hệ thống, dễ tra cứu, áp dụng.

Việc một số cơ sở giáo dục đại học đưa ra những tổ hợp xét tuyển không phù hợp ngành đào tạo, dẫn đến bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng chất lượng giáo dục đại học, cũng được Bộ GD&ĐT yêu cầu không để lặp lại trong năm 2020. Bộ sẽ quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực...) nhằm điều chỉnh pháp luật sát với thực tế, bảo đảm chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường.

Đối với công tác hướng nghiệp, các Sở GD&ĐT cần chú trọng chỉ đạo các trường quan tâm sát sao việc tư vấn hướng nghiệp bằng nhiều hình thức giúp HS lựa chọn được ngành nghề phù hợp, phát huy sở trường của bản thân và đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Các trường đại học, cao đẳng trong công tác tư vấn hướng nghiệp cần cung cấp thông tin trung thực, không “đánh bóng”, gây nhiễu thông tin. Việc tư vấn tuyển sinh cần có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động để đưa ra các yêu cầu nghề nghiệp chính xác cho HS, phụ huynh tham khảo, lựa chọn. Đáng lưu ý, việc quy định mức giá dịch vụ tuyển sinh năm nay sẽ thuộc trách nhiệm các cơ sở giáo dục - đào tạo. Bộ không quy định mức thu, nhưng công tác tuyển sinh năm 2020 vẫn phải thực hiện ổn định như các năm để thí sinh chủ động quy trình và ổn định tâm lý.

Theo Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, tinh thần chung của kỳ tuyển sinh năm 2020 vẫn là giữ ổn định. Đề thi năm nay cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2019, do đó các trường cần tập trung, tránh tình trạng học tủ, học lệch. Giải đáp vấn đề được nhiều người quan tâm trong thời điểm hiện nay, đó là liệu dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia hay không, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ vẫn đang theo dõi sát sao tình hình diễn biến của dịch. Tại thời điểm này, các trường đều có khung thời gian học bù trong kế hoạch. “Việc có điều chỉnh lại thời gian thi THPT quốc gia hay không, Bộ sẽ xem xét và thông báo cụ thể”.