Tỉnh táo trên mạng xã hội

“Đủ like là cởi”, “Đủ like là... đốt” hay “Nói là làm”… là những trào lưu nguy hại mà nhiều bạn trẻ đang vô tư đặt ra khi muốn thể hiện bản sắc cá nhân trên mạng xã hội (MXH). Chính việc muốn đánh giá độ “hot” của bản thân trên mạng bằng các lượt yêu thích, chia sẻ hay bình luận đã đẩy nhiều bạn rơi vào bệnh hoang tưởng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không mong muốn.

Khi hiểu đúng giá trị của bản thân và vai trò của mạng xã hội, người trẻ sẽ có cách điều tiết phù hợp.
Khi hiểu đúng giá trị của bản thân và vai trò của mạng xã hội, người trẻ sẽ có cách điều tiết phù hợp.

Khi người trẻ muốn thể hiện mình

Dẫn câu chuyện một nữ sinh lớp 7 bị cư dân mạng đẩy vào đường cùng khi đăng status kiểu thách thức “Nếu đủ 2.000 like thì em sẽ mang xăng đốt trường”, hay một thanh niên khác tại TP Hồ Chí Minh phải châm lửa thiêu thân vì lỡ hứa “Đủ 40.000 like em sẽ đốt người”, TS Đào Lê Hòa An (Giám đốc chiến lược Trung tâm Ứng dụng Khoa học tâm lý & Hướng nghiệp 4.0) cho rằng, đó là hành vi lệch lạc mà nhiều bạn trẻ hiện nay đang vấp phải khi muốn thể hiện bản thân trên MXH. “Nhu cầu thể hiện “bản sắc cá nhân” của người trẻ là rất lớn. Tuy nhiên, do khả năng, năng lực không đáp ứng nên nhiều bạn chọn hình thức thể hiện độc đáo theo hướng tiêu cực bằng những phát ngôn gây sốc”, TS Đào Lê Hòa An cho biết.

Phát biểu ý kiến tại tọa đàm “Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội”, Ths tâm lý Lê Thị Hằng (Trưởng bộ môn Tâm lý - Khoa Du lịch và Việt Nam học, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng, mỗi cái nhấn chuột thể hiện xu hướng cũng như động cơ của các bạn trẻ dựa trên xu hướng sống của họ: “Tại sao bạn like câu chuyện này mà không like vấn đề kia? Tại sao giới trẻ quan tâm quá nhiều vấn đề này mà quên đi những giá trị khác. Tất cả là vì họ đang thể hiện xu hướng giá trị của bản thân. Văn hóa ứng xử trên MXH vô tình là thứ có thể giết chết hay nâng đỡ một người nào đó về thể chất lẫn tinh thần”.

Cũng tại tọa đàm này, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh đưa ra những dẫn chứng khiến người nghe… giật mình. “Khi tôi hỏi sinh viên có bao nhiêu bạn đọc báo điện tử thì 100% giơ tay, còn đọc báo in thì chỉ có 10 bạn. Nhưng kêu nhắc một bài báo nào đã đọc thì không ai nhớ”, ông Nhân thở dài. Theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, khi đứng giữa “mê hồn trận” MXH như hiện nay, điều người trẻ cần trang bị nhất là tỉnh táo trước mọi thông tin có được chứ không phải đọc đâu tin đó.

Để sử dụng MXH an toàn

Với dân số hơn 96 triệu người và tỷ lệ đô thị hóa là 35%, lượng người sử dụng internet ở Việt Nam hiện chiếm hơn 67%. Nếu chỉ xét riêng về MXH Facebook, Việt Nam xếp thứ 7 thế giới trong số các quốc gia có người dùng. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, tại Việt Nam đã xuất hiện thêm nhiều MXH khác. Điều này chứng tỏ đây vẫn là mảnh đất mầu mỡ thu hút khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh, quảng cáo và các hoạt động lợi nhuận liên đới khác. Bên cạnh mặt tích cực là gắn kết cộng đồng, cung cấp thông tin cho người sử dụng thì môi trường ảo này đang bị nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng vào mục đích không phù hợp như tuyên truyền văn hóa đồi trụy, câu view bán hàng, làm người nổi tiếng…

PGS, TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc xem MXH như một công cụ chia sẻ thông tin, kết nối giữa nhà trường với sinh viên là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực còn có những tiêu cực. Chúng ta nên tận dụng lợi ích để hạn chế những tiêu cực do MXH mang lại.

TS Xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường ĐH An ninh nhân dân cho rằng, muốn sử dụng MXH an toàn, thông minh, mỗi người cần đặt ra những quy tắc riêng: “Nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng và cần tế nhị, tôn trọng người khác. Hãy nhớ những gì chia sẻ trên MXH là sự phản ánh của con người hay tính cách, lối sống của bạn. Ngoài ra, chúng ta nên thể hiện quan điểm, chính kiến trong việc xây dựng xã hội, đất nước và chú trọng chia sẻ những điều hay. Người dùng cũng nên có kỹ năng kiểm soát bản thân để không bị nghiện mạng”.

Xác định rõ mục tiêu, mục đích trước khi đăng tải, yêu thích, bình luận hay chia sẻ bất cứ hình ảnh, thông tin nào là lời khuyên mà các chuyên gia đưa ra cho giới trẻ. Khi biết mình là ai và hướng tới giá trị sống tốt đẹp, người trẻ sẽ bớt ảo tưởng về giá trị của bản thân trên MXH để từ đó có những cư xử chừng mực, hiệu quả hơn.