Sáng tạo để bảo vệ môi trường

Từ những vật dụng, nguyên liệu không ai dùng đến, với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều bạn trẻ đã cho ra đời các sản phẩm mang tính ứng dụng cao.

Nhóm của Tuyền bên các sản phẩm hữu ích làm từ đồ tái chế.
Nhóm của Tuyền bên các sản phẩm hữu ích làm từ đồ tái chế.

Từ ý tưởng hay…

Mỗi ngày đến trường, Lương Tâm Như, học sinh (HS) lớp 11A6 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), đi ngang qua rất nhiều quán nước giải khát và thấy bã mía vương vãi khắp nơi. Bã mía nhiều xử lý không kịp, nhiều chủ quán đốt đi tạo khói đen có mùi khó chịu. Muốn làm gì đó với số rác này, ngay khi giáo viên (GV) bộ môn Hóa học ra chủ đề làm sản phẩm tái chế, Như xung phong làm giấy từ bã mía. “Việc thu gom bã mía rất đơn giản vì ai cũng cho miễn phí. Có bã mía rồi, em đến trường tìm giấy đã qua sử dụng đem về ngâm, xay nhuyễn rồi trộn vào nhau. Sau nhiều ngày mày mò, tìm công thức kết dính, cuối cùng những tờ giấy đầu tiên đã được ép thành công. Em đem lên giới thiệu với bạn bè trong lớp, ai cũng thích”, Lương Tâm Như vui vẻ kể lại hành trình bắt đầu.

Muốn phát triển dự án, Như rủ thêm bốn bạn cùng lớp tham gia nhóm. Các bạn cùng tìm cách khắc phục hạn chế của sản phẩm, tăng thêm tính đa dạng, thẩm mỹ cho giấy tái chế. Khởi động “dự án 0 đồng” với rất nhiều ấp ủ, thế nhưng vì thiếu kinh phí nên nhóm của Như gặp khá nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện sản phẩm. Bù lại, các bạn cùng lớp hào hứng hỗ trợ nhóm trang trí giấy tái chế thành những bức tranh, quyển sổ thật dễ thương với nét vẽ mềm mại, vài cành hoa khô tinh tế.

Sau nhiều ngày lên ý tưởng, bắt tay thử nghiệm và triển khai, thất bại rồi làm lại, cuối cùng Nguyễn Tiên Khánh Tuyền cùng bốn bạn HS lớp 12A6 của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân cũng sắp hoàn tất kệ sách từ chai nhựa bỏ đi và túi nylon đã qua sử dụng. “Để có nguồn nguyên liệu, tụi em gõ cửa từng lớp xin rác. Ban đầu các bạn không thoải mái vì thấy bất tiện nhưng dần số chai nhựa và túi nylon thu được khá nhiều. Sau nhiều ngày miệt mài, những “chai gạch” đặc biệt thành hình, phù hợp để tạo thành ghế ngồi, kệ sách hay nhiều món vật dụng dễ thương khác như chậu cây tái chế, đồ đựng dụng cụ học tập…”, Tuyền cho hay.

Không chỉ làm đồ tái chế mang tính thẩm mỹ cao từ nhựa, nhóm của Tuyền còn làm clip hướng dẫn cách làm các vật dụng dễ thương rồi chia sẻ trên mạng với mong muốn sẽ lan tỏa tinh thần tái chế đến cộng đồng.

… đến tấm lòng thơm thảo

Ngay sau khi giành ngôi vị quán quân từ Mastermind 2019, cuộc thi ý tưởng sáng tạo học sinh và sinh viên với chủ đề “Mục tiêu phát triển bền vững”, Như cùng các thành viên trong nhóm quyết tâm tìm cách phát triển các dòng sản phẩm từ bã mía. Sản phẩm làm ra ngày càng đẹp, nhóm bày bán và được thầy, cô giáo, bạn bè ủng hộ. Số tiền thu về, một nửa được dùng cho việc duy trì hoạt động, phần còn lại nhóm gây quỹ giúp đỡ các bạn HS khó khăn trong trường.

Khi được quảng bá, các sản phẩm mang tính ứng dụng cao của nhóm Tuyền bắt đầu thu hút sự quan tâm của mọi người. Mỗi ngày, sau giờ học nhóm lại bàn cách cải tiến chất lượng, mẫu mã sao cho bắt mắt, thiết thực. “Chỉ 30% số tiền bán sản phẩm được chúng em dùng vào việc duy trì hoạt động, 70% còn lại sẽ gây quỹ học bổng hỗ trợ các bạn khó khăn. Thời gian tới tụi em sẽ cùng nhau làm thêm nhiều video hướng dẫn mọi người cách làm đồ tái chế từ rác thải nhựa sử dụng một lần”, Tuyền cho biết thêm.

Là người khởi xướng việc sáng tạo đồ tái chế với rác thải, cô Nguyễn Trần Quỳnh Phương, GV bộ môn Hóa học của trường xúc động khi thấy HS đã và đang làm được nhiều việc ý nghĩa. Mọi thứ không còn xoay quanh việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường mà đã được các nhóm lan tỏa thành phong trào “sống xanh” trong toàn trường. Từ những ý tưởng thô sơ ban đầu, nhiều nhóm còn tạo được kênh quảng bá phong trào sử dụng đồ tái chế hay những app hướng dẫn mọi người làm đồ tái chế rất vui. Cô Phương cho biết, thời gian tới cô sẽ liên hệ với một số trường đại học để nhờ các chuyên gia hỗ trợ thêm về mặt công nghệ, giải pháp giúp các em HS sớm hoàn thiện sản phẩm tái chế, bày bán nhằm lan tỏa ý tưởng đến cộng đồng.