Nhiều phương án cho học sinh trở lại trường, lớp

Đến thời điểm hiện tại, bên cạnh việc triển khai dạy học trực tuyến, ôn tập trên sóng truyền hình, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh đã đề xuất nhiều phương án về việc đi học trở lại của học sinh (HS). Các trường học cũng chủ động trong việc vệ sinh, sát khuẩn và lên kế hoạch kiểm soát tình hình nếu HS quay trở lại lớp sau kỳ nghỉ dài để phòng, chống dịch Covid-19.

Học sinh lớp 12 ôn tập kiến thức qua sóng truyền hình.
Học sinh lớp 12 ôn tập kiến thức qua sóng truyền hình.

Đa dạng các bài tập ở nhà

Từ ngày 24-2 đến nay, cứ tới khung giờ chiều cố định, Nguyễn Hoàng Huynh, HS lớp 12B1 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức), lại mở kênh HTV Key để ôn tập các môn Toán học, Vật lý, Hóa học. Không chỉ ôn lại kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, chương trình do Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh triển khai trên sóng truyền hình còn đưa ra nhiều dạng bài tập giúp HS lớp 9 và lớp 12 củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ học kéo dài do dịch bệnh. “Các kiến thức rất gần gũi và hướng dẫn của thầy, cô rất dễ hiểu. Về sau em mong có thêm nhiều bài tập nâng cao hơn nhằm đa dạng đề tài. Việc học tại nhà cùng kênh hỗ trợ này giúp tụi em có thêm định hướng, ôn tập hiệu quả hơn và không quá lo lắng khi kỳ thi THPT Quốc gia đang đến mà vẫn chưa thể đến trường”, Huynh cho biết.

Bên cạnh việc hỗ trợ HS cuối cấp ôn tập các môn chính qua sóng truyền hình, ngành GD&ĐT thành phố còn khuyến khích các trường ôn kiến thức và duy trì tương tác với HS thông qua mạng xã hội, dạy trực tuyến. Không dạy nội dung mới, các buổi học trực tuyến chủ yếu dùng để duy trì cảm giác học tập và ôn kiến thức cũ cho HS. Thời gian nghỉ kéo dài, thầy Phạm Thư Tùng cùng nhiều giáo viên (GV) Trường THPT Ernest Thalmann (Ten-lơ-man) ở quận 1 chủ động kết nối với HS và thiết kế lịch học trực tuyến. Các GV tận dụng đủ kênh từ Facebook, Youtube đến những phần mềm hiện đại khác nhằm tăng tính tương tác với HS. “Mỗi ngày tôi soạn bài giảng, đề bài kiểm tra trắc nghiệm rồi hẹn lịch live stream ôn kiến thức cho HS. Mọi thắc mắc sẽ được giải đáp khi trò chuyện trực tuyến và bài kiểm tra sẽ được chấm điểm qua hệ thống tự động. Việc kết nối như vậy giúp thầy và trò gần gũi hơn dù không có điều kiện gặp nhau do dịch bệnh”, thầy Tùng nói.

Nhiều phương án dự phòng

Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất lên UBND thành phố phương án đi học sau dịch cho từng bậc học trong trường hợp không được Chính phủ thông qua đề xuất nghỉ hết tháng 3. Theo đó, HS lớp 9 và lớp 12 được đề xuất đi học trở lại vào ngày 2-3 nhưng chỉ học một buổi. Các bậc học khác có thể đi học từ ngày 16-3, tùy độ tuổi sẽ có thông báo cụ thể theo tình hình dịch bệnh. Đối với các trường ĐH, CĐ thuộc Bộ GD&ĐT trên địa bàn thành phố thì thực hiện việc cho SV trở lại trường theo cơ chế tự chủ. Các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở, trung tâm giáo dục kỹ năng sống… được đề xuất hoạt động trở lại từ ngày 16-3.

Cùng với việc bảo đảm khâu vệ sinh, sát khuẩn toàn bộ các khu vực, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân còn đang lên các kế hoạch làm công tác tư tưởng cho phụ huynh, HS nếu có quyết định đi học trở lại. Ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các GV sẽ tiếp cận với HS, phụ huynh tư vấn các giải pháp bảo đảm an toàn mùa dịch và đưa ra những hướng dẫn cụ thể khi HS chuẩn bị đi học trở lại. Tuy nhiên, các trường cần thêm sự hỗ trợ từ phía ngành y tế nhằm chủ động hơn trong việc rà soát, cách ly trường hợp nghi nhiễm.

Trong cuộc họp về phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đã có nhiều phương án dự phòng để không bị động trong việc cho HS, SV quay trở lại trường sau kỳ nghỉ do dịch bệnh. Những kịch bản cho tình huống xấu nhất cũng đã được đưa ra phân tích với mục tiêu bảo đảm cao nhất sự an toàn cho người học. Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trong trường hợp HS quay trở lại trường, các cơ sở giáo dục phải siết chặt khâu kiểm soát dịch bệnh và phối hợp xử lý trong các trường hợp nghi nhiễm, đặc biệt là “bài toán” khẩu trang cho các em. “Nếu quy định HS nửa đeo khẩu trang, nửa không đeo thì cũng không hợp lý, vì vậy phải thảo luận kỹ, không được phép chủ quan. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có “kịch bản” ứng phó vì tình hình dịch bệnh hiện đang rất phức tạp”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.