Mục tiêu của “Người giữ rừng”

Không đành lòng nhìn hệ sinh thái rừng ngập mặn quê hương bị suy kiệt bởi tác động của con người và khí hậu cực đoan, dự án khởi nghiệp “Kinh doanh cùng người giữ rừng” của cô gái xứ dừa Bến Tre Trịnh Thị Ngọc Hiện đã tìm ra hướng sản xuất bền vững nhưng vẫn bảo đảm nguồn thu nhập cho những người nông dân.

Tour du lịch sinh thái của dự án “Khởi nghiệp cùng người giữ rừng”.
Tour du lịch sinh thái của dự án “Khởi nghiệp cùng người giữ rừng”.

Khởi nghiệp cùng rừng ngập mặn

“Đầu đội khăn rằn, nói năng đúng điệu, tảo tần bán buôn” là hình ảnh quen thuộc của cô gái Trịnh Thị Ngọc Hiện mỗi khi đưa khách tham quan rừng ngập mặn hay tham gia các chương trình giới thiệu sản phẩm, quảng bá doanh nghiệp, hội chợ hàng nông nghiệp. Kể từ năm 2016, khi quyết định bỏ ngang công việc mơ ước với nhiều người để bắt tay vào khởi nghiệp với thương hiệu “Người giữ rừng” và phát triển Công ty Anfoods, lúc nào người thân cũng bắt gặp sự tất bật hiện lên trên dáng vẻ của người con gái này.

Nhớ lại thời điểm bắt đầu, chị Ngọc Hiện chia sẻ, vốn liếng lúc đó chỉ vỏn vẹn có năm triệu đồng cùng hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản tại địa phương. Lý do thôi thúc chị khởi nghiệp xuất phát từ sự nhiệt tình của tuổi trẻ, tình yêu quê hương và trăn trở với sinh kế của người nông dân. Chị cho biết, Bến Tre có hơn 7.000 ha rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, với hơn 500 hộ dân sống dựa vào rừng được giao khoán, nhưng kinh tế rừng không hấp dẫn người dân tham gia vì giá trị thấp, cách làm lạc hậu khiến giá trị sản phẩm thấp, nguồn thủy sản ngày càng sụt giảm. Bởi vậy, dự án “Kinh doanh cùng người giữ rừng” ra đời, với nỗ lực tạo ra một chuỗi giá trị sản phẩm từ rừng ngập mặn kết hợp du lịch sinh thái để giải quyết bài toán kinh tế cho người dân, nhưng vẫn bảo đảm thiên nhiên có thể phục hồi.

Cùng với việc nuôi thủy sản sinh thái, chị Hiện đã xây dựng quy trình đánh bắt an toàn sinh thái, trong đó cam kết đánh bắt truyền thống bằng lưới bẫy, chỉ bắt cá thể lớn. Con giống được bổ sung hằng năm đều phải là con giống bản địa, không biến đổi gen. Đặc biệt, mỗi tháng phải ngưng khai thác định kỳ 15 ngày để tạo thời gian cho tôm cá phát triển. Vì quy định khắt khe này nên thời kỳ đầu, chị phải vất vả để vận động từng hộ dân tham gia, sau đó là những nỗ lực để thành lập công ty, xây dựng nhà máy chế biến, chứng nhận an toàn thực phẩm, phát triển thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm, xây dựng lòng tin với người tiêu dùng. Cả một hành trình đầy khó khăn nhưng chưa bao giờ cô gái nhỏ nhắn ấy có ý định bỏ cuộc. Bền bỉ trong hành trình cùng bà con nông dân, hiện nay đã có hơn 50 sản phẩm thủy sản chế biến mang thương hiệu “Người giữ rừng” được đưa ra thị trường, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại huyện Bình Đại, Bến Tre.

Hành trình truyền cảm hứng

Quá trình trở thành “Người giữ rừng” của Ngọc Hiện gắn với trách nhiệm xã hội là câu chuyện truyền cảm hứng cho cộng đồng. Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn - Songhan Incubator, đơn vị đồng hành cùng dự án đã nhận xét: “Đó là một câu chuyện khởi nghiệp đầy tính nhân văn của những người trẻ trên con đường lập thân lập nghiệp: Nhân văn với con người và nhân văn với cả cách đối xử với thiên nhiên trong công cuộc ứng phó với những biến đổi khắc nghiệt của thiên nhiên”. Dự án của chị Hiện cũng đã góp mặt trong danh sách doanh nghiệp xã hội tham gia Sáng kiến “Én Xanh” năm 2019.

Nói về dự án đang tham gia, chị Hiện cho biết lợi ích “3 trong 1” của “Người giữ rừng” đều hướng về cộng đồng. Đó là khách hàng được sử dụng những sản phẩm tự nhiên, người nông dân vừa có được nguồn thu, vừa ý thức được “tài sản” họ đang có để giữ và bảo vệ bền vững. Còn chính quyền địa phương cũng có định hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển bền vững.

Hai năm nay, mô hình “Kinh doanh cùng người giữ rừng” đã phát triển thêm trải nghiệm kết hợp giữa khai thác giá trị tài nguyên rừng ngập mặn với phát triển du lịch cộng đồng. Trong ba năm tới, Ngọc Hiện đặt mục tiêu mô hình định hướng mở rộng vùng liên kết với người dân, tăng số hộ nông dân Bến Tre tham gia chuỗi liên kết lên 40 hộ. Đồng thời, chị hy vọng sẽ chuyển giao mô hình kinh doanh này nhân rộng sang tất cả tỉnh ven biển có rừng ngập mặn tại Việt Nam (Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng...), để bà con nông dân có thể yên tâm sinh sống và làm ăn dưới những tán rừng quê hương và ngày càng có thêm nhiều “Người giữ rừng” để bảo tồn môi trường và thiên nhiên hiệu quả.