Mở rộng hướng đào tạo

Gắn kết giữa đại học (ĐH) với doanh nghiệp trong đào tạo là xu hướng chung của thế giới hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang ở giai đoạn cần nhiều nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Việc kết nối cũng giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo, cho “ra lò” những “sản phẩm” đã được trải nghiệm thực tiễn. Vì vậy, mô hình mới tạo bước đột phá này cần được nhân rộng.

Sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ giúp công tác đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả hơn. Ảnh: NAM ANH
Sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ giúp công tác đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả hơn. Ảnh: NAM ANH

Mối gắn kết giữa đào tạo - việc làm

Hiện nay, có một nghịch lý đang tồn tại trong giáo dục ĐH là nhiều sinh viên (SV) ra trường không tìm được việc làm, trong khi các doanh nghiệp lại không tuyển được lao động đáp ứng yêu cầu công việc. Lý do là phần lớn ứng viên không biết ứng dụng kiến thức vào đâu, còn nhu cầu của nhà tuyển dụng lại cần những người được đào tạo đến “bậc thang” cuối, tức là sự sáng tạo. Tình trạng này xảy ra bởi việc đào tạo trong nhiều trường chưa gắn một cách thiết thực với nhu cầu xã hội, SV sau khi tốt nghiệp thiếu nhiều kỹ năng mềm. Ngoài ra, việc sắp xếp cho SV đi thực tập phần lớn do trường phụ trách, trong khi ở các quốc gia phát triển lại do người học quyết định. Để hạn chế những bất cập, trong những năm qua, Trường ĐH Nam Cần Thơ đã có sáng kiến kết nối và tổ chức cho bốn doanh nghiệp hoạt động ngay trong trường nhằm khắc phục việc tìm nơi thực tập, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho SV học tập, thực hành nhằm nâng cao tay nghề và kỹ năng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tại hội thảo “Phát triển mô hình doanh nghiệp trong trường đại học” mới đây, các chuyên gia đã cùng phân tích hiệu quả mô hình gắn kết này. TS Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nam Cần Thơ cho biết, từ năm 2013 đến nay, trường đã liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng mô hình doanh nghiệp trong trường học với Tập đoàn Nam Miền Nam, Công ty TNHH MTV Bệnh viện đa khoa Nam Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Thương mại Nam Cần Thơ DNC và Viện Nghiên cứu - Phát triển dược liệu trực thuộc trường. Đây là các cơ sở để tiến hành đầu tư các dự án, vừa thực hiện hoạt động kinh doanh, vừa là nơi giảng dạy thực hành, thực tập cho tất cả các ngành mà trường đào tạo, phù hợp chủ trương đổi mới quản lý giáo dục đào tạo hiện nay. “Trường đang tiến hành tổng kết giai đoạn đầu để rút kinh nghiệm, từ đó sẽ đưa ra những chiến lược mới cho sự phát triển để nhân rộng mô hình này trong các trường khác một cách bền vững”, ông Dũng thông tin.

Mô hình cần nhân rộng

Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng mô hình ĐH - doanh nghiệp là vô cùng cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đôi bên. Với các trường, đó là việc tạo ra nguồn nhân lực được trải nghiệm thực tiễn. Về phía doanh nghiệp, họ sẽ tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng ổn định, tiết kiệm được thời gian và chi phí đào tạo lại, giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh, nâng cao lợi nhuận doanh nghiệp. Do đó, hiện một số trường ĐH trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đang áp dụng mô hình này nhằm bảo đảm lợi ích của cả hai bên, cũng như cùng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và phát triển năng lực con người. 

Một số mô hình kết nối tiêu biểu có thể kể đến như Dự án “The Orientor - Người định hướng” của CLB Doanh nhân & Quản trị và Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, hay việc Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh (HUTECH) ký kết hợp tác với gần 20 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề về kiến trúc, mỹ thuật, kinh tế, xây dựng, ngân hàng, khách sạn và dịch vụ  tiêu dùng nhằm gia tăng cơ hội việc làm và mở rộng môi trường thực tập cho SV. Mới đây, Trường cao đẳng Quốc tế TP Hồ Chí Minh cũng vừa ra mắt Câu lạc bộ Doanh nghiệp Doanh nhân đồng hành cho ngành kỹ thuật, công trình với gần 20 đại diện đến từ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đại diện các bên cho biết, việc liên kết này sẽ giúp doanh nghiệp tìm kiếm được nguồn nhân lực đúng chuyên môn theo đơn đặt hàng, tránh tình trạng đào tạo lại.

Tuy nhiên, để tạo ra những “sản phẩm” nhân lực đạt “chuẩn”, nhiều ý kiến cho rằng cần phải đồng bộ ở nhiều phương diện khác nhau. Chẳng hạn từ đơn vị đào tạo nghề, người học nghề, người lao động, đơn vị sử dụng lao động và tầm nhìn của các doanh nghiệp trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi tạo ra được sự kết hợp bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp, giải quyết được nhu cầu lợi ích cốt lõi của hai bên sẽ giúp công tác đào tạo nguồn nhân lực trở nên hiệu quả hơn.