Ký ức thanh xuân

Chọn cách tái hiện nét văn hóa đặc trưng của giai đoạn đầu thế kỷ 21, Ban tổ chức chương trình “Ở đây có 2000s” đã giúp người tham dự trải nghiệm nhiều điều thú vị. Một không gian hoài niệm, những vật dụng quen thuộc 20 năm trước mà đôi khi đã bị cuộc sống hiện đại đưa vào quên lãng. Tất cả hòa quyện lại thành chuỗi cảm xúc lâng lâng, khiến người xem khi cười, lúc đưa tay lau nước mắt vì nhớ nhung. 

Các khách mời chia sẻ kỷ niệm về những năm 2000 của mình.
Các khách mời chia sẻ kỷ niệm về những năm 2000 của mình.

Nhớ về ngày cũ

Một góc Nhà tuổi thơ với màn cửa vải sắc mầu rực rỡ, chiếc ti-vi cũ thời còn dùng ăng-ten, cái radio đôi lúc rè rè trên bộ bàn ghế gỗ có sẵn bộ tách trà của ông, bình thủy gỉ sét của bà, xa xa là kệ truyện tranh Doraemon, con lật đật Nga đỏ cam lắc qua lắc lại… Chỉ một góc nhỏ vậy thôi mà đủ khiến nhiều người thế hệ 8X, 9X nhớ nhung, khắc khoải. Trên bức tường bằng gỗ mỏng được dựng lên, Ban tổ chức dán hình ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên quen thuộc với trẻ thơ, người lớn thời đó ở Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh. Những bức ảnh cũ cắt ra từ báo, dán bằng hồ, đúng kiểu mà ngày trước nhiều cô cậu học sinh, sinh viên đã làm.

Cạnh đó, nhiều bạn trẻ ghé Bách hóa xanh ngát đã nếm thử vị ô mai mặn chát, xí muội bông mai, mì gói trẻ em, bột trái cây trong hộp nhựa bé xíu hay cây kẹo mút ngọt ngào, gói bánh quê. Còn gì thú vị hơn khi vừa nhai kẹo cao-su Bigbabol hồng, vừa rút con số trúng được bình thổi bong bóng, chai keo thơm hay bịch phồng tôm con cua, điều mà trẻ con bây giờ không có cơ hội trải nghiệm. Khu trò chơi là đông người nhất, vì ở đó có những góc riêng của một trời tuổi thơ của biết bao người hiện về gần gũi, mộc mạc như mới hôm qua.

Mong lưu giữ “chút gì để nhớ”

Nhiều người ngạc nhiên khi biết được “Ở đây có 2000s” chỉ là bài tập kết thúc học kỳ của 27 sinh viên Khoa Báo chí & Truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Thay vì làm bài kiểm tra hay tiểu luận đơn giản, các bạn chọn tái hiện lại một bầu trời tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X vì muốn bản thân có thêm trải nghiệm độc đáo.

Có nhiều lý do khiến Vũ Ngọc Thảo Phương, Trưởng ban tổ chức chương trình và các bạn chọn tái hiện nét đặc trưng của giai đoạn 2000s. Phương nói nhóm em muốn làm chương trình không đậm tính học thuật nhưng đủ sức lưu lại những giá trị văn hóa cho người xem nên phải tìm hiểu kỹ càng: “Trước đến giờ, mọi người thường chọn thời điểm năm 1975 trở về trước để tái hiện nhưng chúng em muốn chọn những năm 2000, vì đó là năm tụi em sinh ra và đó là những điều mà chúng em chưa được trải qua. Chúng em mất hơn hai tháng cho khâu chuẩn bị, thực hiện, tìm hiểu, tập hợp thông tin, nghe hướng dẫn của các thầy cô, anh chị đi trước và đi tìm mượn từng hiện vật để đúng với giai đoạn này nhất. Chứng kiến người tham dự có nhiều cung bậc cảm xúc tụi em cảm thấy rất vui”.

Bước ra khỏi hội trường sau khi vở kịch “Lá hát như mưa” kết thúc, Vũ Mai Quốc Thái, sinh viên Trường đại học Quốc tế, ĐHQG TP Hồ Chí Minh đưa tay lau nước mắt. Thái xúc động với những gì mà các nhân vật trong vở kịch mang lại. Một vở kịch về tình thân, tình người và khắc khoải bởi những gì rất đẹp trong ký ức mỗi người. Có thể Thái, những bạn trẻ ra đời từ thế kỷ 21 chưa thấm từng chi tiết trong vở kịch vì chưa có cơ hội trải nghiệm, nhưng chính việc gieo tình tiết khéo léo, sự dàn dựng công phu của Ban tổ chức đã giúp chàng sinh viên trẻ thấu hiểu nhiều điều. “Em xúc động thực sự, các bạn đã làm được một chương trình ấn tượng với rất nhiều cảm xúc. Chương trình mang đến cho em những trải nghiệm mới, dù với nhiều người đó đã là ký ức một thời. Em sinh năm 2000 giữa cuộc sống hiện đại nên ít biết về những điều xưa cũ, giờ được trải nghiệm nên thấy rất hay”, Thái chia sẻ.

Sáu giờ đồng hồ cho chuyến xe trải nghiệm ký ức có lẽ chưa đủ với nhiều người. Vậy nên, khi ánh đèn sân khấu tắt, tiếng nhạc “Mong ước kỷ niệm xưa vang lên”, nhiều bạn trẻ vẫn nán lại ghế ngồi. Họ nhìn nhau, nhìn gói quà giấy nâu cầm trên tay, vội mở ra, nếm thử chút xí muội, miếng bánh bé xíu Ban tổ chức gửi tặng, thấy lòng ấm áp lạ kỳ. Thảo Phương nói, chương trình đã quá thành công khi mang đến cho mọi người một khoảng lặng để nhìn lại những gì mình đã trải qua, trân quý hiện tại và sống cho tương lai.