Hướng đến cuộc sống xanh

Tại phiên chợ trao đổi đồ, Lê Thị Thu Thảo và nhóm bạn đang tất bật nhận rác từ người dân đem đến quầy Trạm Xanh để “gửi”. Tuy mới vận hành nhưng Trạm Xanh Green Da Nang do Thảo lập ra đã thu hút người dân quanh đây mang rác thải có thể tái chế tới để đổi lấy hạt giống, cây xanh hay những vật dụng có ích khác.

Thu Thảo đang giới thiệu với một người nước ngoài sinh sống trên địa bàn các sản phẩm làm từ rác tái chế.
Thu Thảo đang giới thiệu với một người nước ngoài sinh sống trên địa bàn các sản phẩm làm từ rác tái chế.

1/ Là nhân viên hành chính, ngoài công việc, Thảo luôn quan tâm tới vấn đề môi trường. Tuy nhiên, cô nhận thấy nếu chỉ mình thực hiện thì rất khó để thay đổi được nhiều người và hiệu quả không cao. Vì vậy, Thảo quyết định xây dựng Trạm Xanh Green Da Nang vào tháng 9-2020, với mong muốn tạo thành một “kênh” thu hút người dân cùng làm để tạo hiệu ứng tốt hơn. Lúc đầu, Thảo thông tin trên trang Facebook cá nhân về việc sẽ nhận rác thải tái chế (đã được rửa sạch) tại Trạm Xanh đặt ở phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu, Đà Nẵng) và kêu gọi nhiều bạn trẻ có chung ý tưởng để cùng hỗ trợ. Cùng với đó, Thảo còn phối hợp với ứng dụng di động Green Points để tích hợp “điểm xanh” qua điện thoại. Mỗi người sẽ có điểm Green Points (GP) từ lượng rác mang đến, sau đó, từ số điểm tương ứng để đổi lấy món quà phù hợp, hoặc dùng điểm GP để đóng góp vào các dự án cộng đồng như “Tủ sách nhân ái”, “Ủng hộ trồng rừng” hay “Trồng một vườn cây tại trường học”. Dần dần, cô gái nhỏ nhận được sự hưởng ứng từ nhiều người dân, các bạn trẻ và nhiều tổ chức cộng đồng khác.

Sau giờ làm, hằng ngày, cô chủ nhỏ lại mở cửa Trạm Xanh để nhận rác từ mọi người mang tới. Tại đây, mọi người mang rác tới đổi quà trực tiếp và tham gia các hoạt động “xanh” của chương trình. Các loại rác gồm giấy, bìa các-tông, vỏ hộp sữa, nhựa, nylon, vỏ lon, pin cũ, thiết bị điện tử cũ… sẽ được đổi lấy cây sen đá, chậu cây, hạt giống rau mầm, hộp quà trải nghiệm lối sống mới (chứa các sản phẩm thân thiện môi trường) hoặc sách dạy sống xanh, dạy làm sản phẩm tái chế từ vải… Hoạt động cũng tạo được hiệu ứng mạnh hơn đến với các gia đình, trẻ em và lượng rác tái chế thu gom được cũng nhiều hơn.

2/ Dẫn các em học sinh đến “gửi” rác, thầy giáo chủ nhiệm Lê Văn Tuấn Anh, giáo viên Trường tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu) chia sẻ: “Ở trường vỏ hộp sữa rất nhiều, nhưng phần lớn chỉ bỏ vào thùng rác để dọn đi. Qua nhiều lần tìm kiếm thông tin, tôi thấy thích chương trình của Trạm Xanh nên đã hướng dẫn học trò thu gom vỏ sữa và rửa sạch. Chỉ trong hai tuần, các em mang tới 35 kg rác và đổi được 105 điểm. Với số điểm này, các em đã được tô mầu nước cho bình hoa, tự tay trồng cây, một số em khác còn mang hạt giống rau mầm để về nhà gieo. Hoạt động này không chỉ giúp học sinh có thêm một buổi sinh hoạt ngoại khóa thú vị, mà còn tạo thói quen tốt hơn về ý thức tái chế và bảo vệ môi trường sống”.

Tiếng lành vang xa, hoạt động thu gom rác tái chế đã nhận được sự tham gia hỗ trợ của nhiều bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn. Đỗ Viết Lãm (1994) là tình nguyện viên tham gia nhóm đã hai tháng và tham gia thực hiện hai hoạt động “Chủ nhật xanh” cho biết: “Em đăng ký làm thành viên ngay từ khi đọc tin trên mạng với mong muốn mỗi việc làm của mình có thể đóng góp một phần nhỏ, giúp cho thành phố được xanh hơn”.

Với những hoạt động ban đầu, đến nay Thảo và các bạn trẻ ở Trạm Xanh đã thu gom được hơn 1.000 kg rác thải các loại. Số rác đó đều được vận chuyển vào một công ty tái chế rác trong miền nam để tái sử dụng. Trạm Xanh Green Da Nang cũng được mở rộng với 27 tình nguyện viên tham gia. Hoạt động của các bạn cũng đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ một số đơn vị, nhà hảo tâm để có thêm kinh phí mua quà và tổ chức các sự kiện, hoạt động xã hội.

Gặp chúng tôi, người sáng lập Trạm Xanh tâm sự: “Sự hưởng ứng của nhiều người đến “gửi” rác chỉ sau hơn nửa năm trạm thành lập làm em rất vui. Em mong muốn thông qua đây có thể tác động đến nhận thức và hành vi của cộng đồng để mọi người bớt sử dụng túi nylon và nhựa dùng một lần để giảm lượng rác thải ra môi trường, từ đó hướng tới sự bền vững hơn. Với cá nhân, em mong muốn có được một đơn vị tái chế rác gần đây để có thể thu nhận số rác thải nhanh hơn thay vì phải chuyển đi xa”.