Hỏi & Đáp

Bạn đọc: 

Tôi được biết, năm nay bắt đầu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, xin hỏi Thời Nay chính sách hưởng lương hưu của lao động làm việc trong khu vực nhà nước sẽ thay đổi như thế nào? (Văn Luân, quận Ba Đình, Hà Nội).

Thời Nay:

Theo Bộ luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Từ năm 2021, tuổi được hưởng lương hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 03 tháng và nữ là 55 tuổi 04 tháng, trong điều kiện bình thường. Mỗi năm sau đó tăng thêm 03 tháng với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; thêm 04 tháng với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu của lao động nam sẽ được điều chỉnh. Với lao động nam, mức hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với 19 năm, tăng một năm so với người nghỉ hưu từ đầu năm 2020. Thêm một năm đóng, mức hưởng tăng 2%. Ngược lại, nghỉ hưu sớm trước tuổi một năm, người lao động bị trừ 2% mức hưởng. Sang năm 2022, lao động nam phải tham gia đủ 20 năm BHXH mới được hưởng mức trên; muốn hưởng lương hưu tối đa 75% thì phải đóng BHXH đủ 35 năm.

Thay đổi trên không tác động lên nữ. Như vậy, lao động nữ được hưởng lương hưu 45% là người có đủ 15 năm đóng BHXH trở lên và muốn hưởng tối đa 75% phải đóng đủ 30 năm BHXH.

Người về hưu trước tuổi, không bị trừ phần trăm là lao động có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, thấp hơn 5 năm so với tuổi nghỉ hưu quy định, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%; người nghỉ hưu thấp hơn 10 tuổi so với quy định, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Căn cứ tính mức hưởng lương hưu dành cho công chức, viên chức làm việc trong khu vực nhà nước là bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 20 năm cuối trước thời điểm nghỉ hưu, dựa trên mức lương cơ sở.