Hiến kế góp phần xây dựng đất nước

Với chủ đề “Việt Nam 2045”, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam năm 2020 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức đã tập hợp được nhiều kiến nghị từ người trẻ cùng thể hiện mong muốn đưa đất nước phát triển thịnh vượng, bền vững trong giai đoạn mới. 

Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.

1/ Tại Diễn đàn, các thanh niên, trí thức trẻ đã đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm góp phần cùng Đảng, Nhà nước đưa Việt Nam đạt những mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vào năm 2045, cột mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Hơn 160 trí thức trẻ trong nước và 42 đại biểu đang học tập tại 14 vùng, lãnh thổ trên thế giới đã tập trung thảo luận xoay quanh bốn nhóm chủ đề trọng tâm, gồm: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; Vai trò của khoa học - công nghệ trong phục vụ phát triển đất nước; Vai trò của thanh niên và trí thức trẻ trong tham gia phát triển đất nước đến năm 2045. 

Khẳng định mỗi đại biểu tham dự đều xứng đáng là đại diện cho đội ngũ trí thức trẻ trong lĩnh vực chuyên môn, học tập, nghiên cứu và nơi công tác, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nhấn mạnh: “Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng quan trọng là chia sẻ với nhau khát vọng. Do đó, chúng tôi rất mong muốn cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam trên toàn cầu hợp tác, chia sẻ, cùng đưa những giải pháp để cùng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2045”.

Tại buổi thảo luận có chuyên đề “Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”, các đại biểu đã đưa ra ba kiến nghị quan trọng, đó là đề xuất xây dựng chiến lược “Made by Vietnam” nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp được sở hữu bởi người Việt tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Để phát triển bền vững rất cần những chiến lược, chính sách thúc đẩy khả năng chống chịu, thích ứng của đất nước trước những cú sốc, khủng hoảng hay các trường hợp khẩn cấp khác. “Dịch Covid-19 hay thảm họa thiên tai là những cú sốc, khủng hoảng lớn trong thời gian vừa qua và sẽ còn tiếp tục gây ra nhiều khủng hoảng trong thời gian tới. Để nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng của mọi lĩnh vực, theo tôi muốn làm được điều này thì trong quy hoạch về hạ tầng nên từng bước phát triển về hạ tầng xanh đô thị, bao gồm giải pháp dựa vào tự nhiên để trước hết phục hồi khả năng chống chịu và thích ứng của môi trường tự nhiên, qua đó nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của đô thị trước các loại hình thiên tai như lũ lụt, hạn hán. Kế tiếp là chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, thay đổi phương thức giáo dục - đào tạo tương ứng để phục hồi và phát triển nền kinh tế”, đại biểu Lê Thu Trang, nghiên cứu sinh tại Mỹ cho hay.

Phát triển khoa học - công nghệ dựa trên nội lực thực tại và kinh nghiệm quốc tế cũng là nội dung được nhiều đại biểu thảo luận sôi nổi. Điều các trí thức trẻ quan tâm là phải có những giải pháp đồng bộ để đất nước phát triển bền vững, không đánh đổi kinh tế với môi trường sống nhằm hạn chế những mối nguy đang tiềm ẩn. Nhiều đại biểu đề xuất việc xây dựng Ban Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để đẩy mạnh quá trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn cuộc sống, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, cần chú trọng văn hóa sở hữu trí tuệ để bảo vệ “chất xám” của những trí thức trẻ. 

2/ Bàn về “Vai trò của thanh niên và trí thức trẻ trong tham gia phát triển đất nước đến năm 2045”, các đại biểu khẳng định, dù lĩnh vực khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội thì đều cần có sự đóng góp của thanh niên. Giữ cùng lúc ba vai trò quan trọng là tiếp nối tri thức, kết nối các mạng lưới và trở thành những lãnh đạo trong tương lai, việc tận dụng các quyền quan trọng như được lắng nghe, được cống hiến, được bày tỏ quan điểm thôi chưa đủ, mà theo đại biểu Trần Thị Thanh Mai (Trường ĐH Luật Hà Nội), trí thức trẻ cần biết cách vượt qua được những thử thách trong quá trình nghiên cứu, học tập và giảng dạy ở trong cũng như ngoài nước. “Chúng tôi mong muốn có thể thành lập những ban chuyên môn có vai trò, nhiệm vụ đào tạo phát triển tầng lớp trí thức trẻ kế cận để phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời quảng bá hình ảnh của trí thức trẻ Việt Nam trên toàn thế giới”.