Hậu quả từ trò chơi trực tuyến

Ngày ôm máy tính 8 - 10 giờ đồng hồ, thậm chí thâu đêm suốt sáng khiến cơ thể kiệt quệ, tinh thần xuống cấp tới mức khó kiểm soát hành vi, dễ phát sinh ảo giác là thực trạng đáng buồn mà nhiều bạn trẻ “nghiện” game online đã và đang nếm trải.

Việc nghiện chơi game ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của giới trẻ sau này.
Việc nghiện chơi game ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của giới trẻ sau này.

Quên tuổi trẻ vì... chơi game

Tại buổi tọa đàm “Nghiện game online - Hậu quả khôn lường” vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, câu chuyện mà B.N, một bạn trẻ tại TP Hồ Chí Minh kể lại trong chất giọng trầm buồn, đôi quãng nghẹn ngào khiến nhiều người nghe thảng thốt. Tin lời nhiều người trên mạng xã hội khoe luyện game online lâu ngày sẽ trở thành cao thủ, có cả tiền và danh tiếng, N. cùng vài người bạn liền thử cho biết. Chỉ sau một thời gian ngắn, N. “nghiện” game lúc nào không hay. “Ban đầu em chơi 8 giờ/ngày, dần dần chơi quên ăn, quên ngủ. Em bỏ nhà đi, bố mẹ tìm về nhốt lại nhưng vẫn tiếp tục tìm cách trốn ra ngoài...”, N. nhớ lại.

Trước khi được gia đình tìm thấy và đưa đi “cai nghiện” tại một cơ sở uy tín, N. đã dang dở việc học. Tương tự N., câu chuyện vì tò mò mà mê game online của Mai Quốc Bảo (HS lớp 12C3, Trường THPT Thành Nhân, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cũng phảng phất màu buồn. Mới đầu chơi cho vui, rồi tăng dần sự hiếu thắng, cường độ và thời gian. “Sau đó là khoảng thời gian dài em đắm chìm trong thế giới game, dường như không có nhu cầu giao tiếp với gia đình, bạn bè. Mãi đến năm lớp 11, em mới “cai nghiện” được”, Bảo chia sẻ.

Không may mắn như N. hay Bảo, nhiều thanh, thiếu niên lỡ “nghiện” game online mãi chẳng tìm được lối thoát. Theo thống kê của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, mỗi ngày đơn vị này đón nhận hàng trăm lượt khám và điều trị các bệnh lý từ mất ngủ, rối loạn trí nhớ tới trầm cảm mà nguyên nhân chính là do “nghiện” game online. Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức bổ sung chứng nghiện trò chơi điện tử vào danh sách bệnh lý về tâm thần và thuộc nhóm những rối loạn do những hành vi có tính nghiện ngập cần được giám sát.

Đừng đánh mất tuổi xanh xuân

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 175, “nghiện” game sẽ dẫn đến nhiều bệnh, trong đó các tác hại về mặt tinh thần là vô cùng lớn. “Người chơi dễ bị giảm trí nhớ, cảm xúc bị biến đổi, thậm chí dần thay đổi cả nhân cách. Game online tạo cho người chơi cảm giác chiến thắng ảo, đến khi quay về cuộc sống thật phần lớn rất dễ cảm thấy cô đơn và buộc họ “tái nghiện” với game. Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có nhiều cơ sở điều trị bệnh phù hợp, do vậy tùy từng trường hợp khác nhau mà áp dụng biện pháp trị liệu khác nhau”.

Phân tích các tác nhân dẫn đến thực trạng “nghiện” game online ở không ít bạn trẻ hiện nay, TS, Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường ĐH An ninh Nhân dân cho rằng lỗi từ phía gia đình là không hề nhỏ. Từ cách lý giải này, TS Lâm cho rằng, muốn thay đổi thực trạng đáng buồn liên quan đến “nghiện” game online, từ khi con cái còn nhỏ, các bậc cha mẹ cần có cách giáo dục khoa học, kiểm soát hợp lý cách con sử dụng điện thoại cũng như trải nghiệm trò chơi trực tuyến. Quan trọng nhất là phải giới hạn thời gian. Việc giáo dục kiểu “người thật việc thật” thông qua các phương tiện truyền thông cũng là phương pháp mà phụ huynh có thể áp dụng để cảnh tỉnh con cái.

Đồng hành cùng hàng nghìn bạn trẻ “nghiện” game online suốt nhiều năm nay, chuyên gia giáo dục trị liệu Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao cho biết, việc “cai nghiện” trò chơi này là không hề đơn giản. Khi đứa con “nghiện” trò chơi trực tuyến thì ông bà, cha mẹ dù có nói gì cũng như “nước đổ lá khoai”, còn tại trường, các thầy, cô giáo dùng hình phạt nặng để xử lý học sinh “nghiện” game thì chỉ càng làm các em chán nản, dễ dẫn tới bỏ học. “Một người “nghiện” game online nếu gia đình, nhà trường không quan tâm, không sớm tìm ra phương pháp chữa trị thì rất khó xử lý. Vì vậy, ngay từ lúc này, mỗi nhà, mỗi gia đình cần phải nhấn mạnh để con trẻ hiểu đó là những trò chơi vô bổ và tổn hao sức khỏe nên cần phải tuyệt đối tránh xa. Tôi mong các em học sinh nếu có thời gian lướt web chỉ nên giải trí trong khoảng thời gian tối đa 30 phút với những trò chơi nhẹ nhàng, vui nhộn, khai thông trí lực. Đặc biệt, cần phải tránh xa những game bạo lực”, ông Đặng Lê Anh đưa ra lời khuyên.