Độc đáo các ý tưởng khởi nghiệp

Tại vòng chung kết Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp mở rộng năm 2019 do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh) đăng cai tổ chức mới đây, nhiều dự án của sinh viên (SV) đã khiến Ban giám khảo bất ngờ vì tính đột phá và sự tác động đến cộng đồng.

Quán quân cuộc thi với dự án Bột tảo nguyên liệu được đánh giá cao về tính ứng dụng.
Quán quân cuộc thi với dự án Bột tảo nguyên liệu được đánh giá cao về tính ứng dụng.

Ý tưởng đến từ nhu cầu thực tế

Cách đây tròn một năm, khi “chân ướt, chân ráo” lên TP Hồ Chí Minh nhập học, Võ Thị Kim Phụng (SV Trường CĐ Kinh tế - Đối ngoại TP Hồ Chí Minh) chật vật mãi không tìm được phòng trọ ưng ý. Số tiền bố mẹ cho vơi dần, cùng niềm tin sau nhiều lần bị lừa tiền cọc nhà, môi giới “nói láo ăn tiền”… Ngay khi tìm được chỗ ở ổn định, Phụng dành mấy tháng liền nghiên cứu để hiện thực hóa ý tưởng ứng dụng tìm kiếm nơi ở cho sinh viên. Đến nay, PlaceBe App của Phụng và nhóm bạn đang trong bước hoàn thiện bản mẫu trước khi đưa ra thị trường. “Ứng dụng này sẽ giúp các bạn tân SV dễ dàng tìm được phòng trọ, ở ghép với mức tiền theo nhu cầu thông qua bộ lọc. SV sẽ thoải mái sử dụng các tiện ích trên ứng dụng mà không phải bỏ tiền. Ngoài ra, chúng em còn có phần giảm giá giúp các bạn tiết kiệm đến 20% chi phí trong tháng thuê đầu tiên. Mục phản hồi sẽ giúp các bạn tìm hiểu sâu hơn về thị trường cho thuê tại khu vực mình quan tâm nhằm tránh tình trạng lừa đảo, cò mồi phổ biến hiện nay”, Phụng phân tích.

Có quy mô lớn hơn, dự án Healthcare House của nhóm SV ba trường ĐH Y Dược, ĐH Bách khoa và ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) khiến Ban giám khảo cuộc thi bất ngờ về tính thiết thực và mức độ đầu tư. Đăng Khoa, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm cho biết, ứng dụng mang tính công nghệ tích hợp này sẽ từng bước góp phần thay đổi lối sống, hành vi và sức khỏe của người Việt. Healthcare House hiện đã hoàn thiện bản chạy thử và hoạt động khá mượt trên ba hệ thống tính năng. Theo đó, ứng dụng này giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm các nhà cung cấp dịch vụ y tế thông qua khu vực địa lý, các loại hình dịch vụ hoặc khoảng thời gian mà họ yêu cầu. Ngoài ra, thông qua ứng dụng này, người dùng được theo dõi các chỉ số, tình trạng sức khỏe giống như có người chăm sóc mỗi ngày. Hệ thống còn kết nối mạng lưới giúp người dùng thực hiện các giao dịch về dịch vụ y tế đối với bên cung cấp dịch vụ y tế.

Đại diện nhóm ý tưởng khởi nghiệp cho biết: “Điểm hay là Healthcare House chủ động tạo ra lịch sử thay đổi hành vi của người sử dụng. Điều này khác với việc phần mềm quản lý dựa trên chỉ số, thông số của khách hàng rồi đưa ra các gợi ý một cách đơn thuần, giúp thị trường chăm sóc dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn”.

Hướng tới cộng đồng

Các ý tưởng khởi nghiệp tại vòng chung kết cuộc thi đều được đánh giá cao về tình khả thi, nhưng nổi bật nhất vẫn là dự án đề xuất giải pháp cứu tình trạng rớt giá, thua lỗ cho thủy sản Việt Nam bằng bột tảo nguyên liệu của nhóm sinh viên đến từ Khoa Kỹ thuật Thực phẩm & Môi trường, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Nhận thấy những khó khăn trong việc nuôi và xuất khẩu thủy sản hiện nay, đặc biệt là tôm, các bạn trẻ thuộc dự án đã cùng nhau mày mò tìm ra sản phẩm giúp cân bằng môi trường sống, qua đó hạn chế sử dụng kháng sinh liều lượng cao trong nuôi trồng thủy sản.

Để sản xuất được thức ăn từ tảo, nhóm đã trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu đến khi hoàn toàn kiểm soát được môi trường sống của chúng. Thực tế cho thấy, thức ăn từ tảo hiện đã đáp ứng được yêu cầu xanh - sạch với nguồn dinh dưỡng rất cao, góp phần xử lý tốt nguồn nước tại các hồ nuôi. Điều đáng nói là hiện nay tại nước ta, có rất ít người nuôi thành công giống tảo Chlorella mà nguyên liệu chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài dẫn đến giá thành cao. “Nhóm hướng đến sản xuất bột tảo nguyên liệu để giải quyết nhu cầu bức thiết này. Về sau sẽ hướng đến nhiều ứng dụng khác nhau, trong đó hướng chính là sản xuất thức ăn hữu cơ”, Lê Thị Ngọc Dung, một thành viên trong nhóm chia sẻ.