Điểm sàn riêng cho khối ngành sức khỏe

Để bảo đảm chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành y tế, từ mùa tuyển sinh năm 2019, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) sẽ quy định điểm sàn riêng đối với khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Đây là điểm mới của Luật Giáo dục đại học (GDĐH), chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2019.

Chất lượng đội ngũ làm việc trong ngành y tế phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là khâu đào tạo.
Chất lượng đội ngũ làm việc trong ngành y tế phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là khâu đào tạo.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng ngành y, đào tạo các bác sĩ sau khi ra trường nhằm phục vụ tốt nhất công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân là yêu cầu không chỉ đối với riêng ngành y tế mà cả Bộ GD&ĐT. Vì vậy, tại Điều 34 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐT ghi rõ: “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh, quy định nguồn tuyển sinh trình độ đại học từ học sinh tốt nghiệp THPT, người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp. Quy định tiêu chí, nguyên tắc, quy trình xác định chỉ tiêu tuyển sinh; quy định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo giáo viên và chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục ĐH vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh; quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề...”. Như vậy, khi Luật GDĐH mới có hiệu lực, khối ngành sức khỏe sẽ có điểm sàn riêng. Điều này sẽ tác động trực tiếp công tác tuyển sinh của nhiều trường đại học, cao đẳng trong thời gian tới.

Quy định trên được đưa ra trong bối cảnh năm 2018, ngoài một số trường danh tiếng, có truyền thống về đào tạo ngành y, dược vẫn giữ được điểm chuẩn ở mức cao thì không ít trường lại có điểm chuẩn khá thấp. Có trường, ngành Y đa khoa và Răng hàm mặt chỉ lấy 18 điểm, Điều dưỡng và Dược học chỉ 16 điểm... Điều này khiến dư luận lo ngại về chất lượng đội ngũ y, bác sĩ tương lai và kiến nghị cơ quan quản lý cần có giải pháp để siết chặt chất lượng đào tạo với khối ngành này.

Nói về những thay đổi mới nhất của mùa tuyển sinh 2019, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng GDĐH cho biết, việc đổi mới tuyển sinh những năm gần đây chủ yếu về kỹ thuật giúp các trường và thí sinh chủ động hơn. Năm 2018 chỉ có đổi mới trong tuyển sinh các ngành sư phạm. “Phương án tuyển sinh 2019 sẽ cơ bản giữ ổn định như hai năm qua, những thay đổi nếu có sẽ không làm thay đổi quy trình tuyển sinh. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, các ngành sức khỏe cần phải có điểm sàn để bảo đảm đầu vào cho khối ngành quan trọng này. Theo đó, điểm sàn với khối ngành sức khỏe trong luật ghi rõ chỉ áp dụng với những ngành có cấp chứng chỉ hành nghề như Bác sĩ đa khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền, Dược sĩ…; còn các ngành như Kỹ thuật y học, Quản lý y tế... vẫn sẽ do các trường tự đưa ra ngưỡng điểm bảo đảm chất lượng”, bà Phụng nói.

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2017, trên cả nước có gần 200 cơ sở đào tạo về lĩnh vực y tế, riêng ngành Y đa khoa có 24 trường. Theo số liệu, trung bình mỗi năm các bệnh viện cần khoảng hơn 5.000 bác sĩ, hơn 1.400 dược sĩ, hơn 10.000 điều dưỡng và hơn 5.000 chuyên viên y tế, sức khỏe khác. Đối với các chuyên môn về y tế dự phòng, các bệnh viện cần khoảng hơn 2.000 ứng viên có tay nghề và trình độ chuyên môn. Tính đến hết năm 2017 cả nước có 8 bác sĩ/10 nghìn dân. Theo Kế hoạch phát triển nhân lực ngành y tế giai đoạn 2015 - 2020, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 9 bác sĩ, 2 dược sĩ đại học và 16 điều dưỡng/10 nghìn dân. Bộ Y tế dự báo đến năm 2020, hệ thống cần bổ sung 55.254 bác sĩ, 10.887 dược sĩ đại học, 83.851 điều dưỡng.

Theo đánh giá chung, số lượng cán bộ y tế những năm tới có tăng lên để bù đắp số lượng cán bộ thiếu hụt, tuy nhiên chất lượng ít nhiều bị ảnh hưởng. Chất lượng đội ngũ làm việc trong ngành y tế phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là khâu đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng đào tạo chưa đồng đều, năng lực nghề nghiệp vẫn chưa gắn liền thực tế. Hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh và các trường đào tạo thường chưa có sự thống nhất về mặt con người. Vì vậy, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ cùng Bộ Y tế và các trường đang đào tạo các ngành y, dược tính toán để có mức điểm sàn được các vùng miền và xã hội chấp nhận. Việc làm này cũng là để bảo đảm chất lượng đào tạo nhân lực cho lĩnh vực y tế.