Điểm đến mới của sinh viên quốc tế

Nếu như trước đây, số lượng sinh viên (SV) quốc tế đến Việt Nam du học còn rất hạn chế và tập trung chủ yếu từ các “nước láng giềng” như Lào, Campuchia, Trung Quốc… thì trong vài năm trở lại đây, lượng SV tới từ các nước phát triển theo học tại các trường đại học (ĐH) của Việt Nam không ngừng tăng. Kỳ tuyển sinh năm 2020, bên cạnh các chuyên ngành mới, một số trường còn mở các khóa đào tạo ngắn và dài hạn nhằm thu hút SV nước ngoài đến học tập.

Ngày càng có nhiều sinh viên nước ngoài đăng ký học tập tại Việt Nam.
Ngày càng có nhiều sinh viên nước ngoài đăng ký học tập tại Việt Nam.

Theo Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã tạo điều kiện cho các trường ĐH có uy tín nước ngoài thành lập phân hiệu tại Việt Nam cũng như tổ chức các hoạt động thúc đẩy, kết nối các nhà đầu tư, cơ sở giáo dục nhằm chia sẻ cơ hội đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục.

Số liệu thống kê cho thấy, cả nước hiện có tổng số 455 dự án FDI thuộc lĩnh vực GD&ĐT trên tổng số 27.353 dự án đầu tư nước ngoài của 19 ngành kinh tế, trong đó có 21.000 du học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam (trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ và thực tập sinh). Trong số này, khoảng 4.000 người học tập theo diện Hiệp định Chính phủ. Cả nước hiện có gần 550 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài giữa 85 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam và 258 cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc 34 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm học 2019 vừa qua, một số địa phương cũng đã mở rộng dạy chương trình song ngữ tại các trường phổ thông. Nhiều cơ sở giáo dục ĐH trong nước đã tăng cường trao đổi giảng viên, chuyên gia, SV quốc tế, phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc đào tạo nghề cho học sinh, chủ động thúc đẩy quá trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về dạy, học, góp phần tích cực hội nhập với các nước trong vùng và trên thế giới.

Trong năm học 2020, để tăng cường thu hút SV quốc tế đến học tập, trao đổi, tại các đơn vị đào tạo trực thuộc, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội vừa phát triển một phần mềm tuyển sinh SV quốc tế trực tuyến. Bên cạnh đó, nhiều khoa, trường thành viên hai năm trở lại đây cũng đã chú trọng hơn trong việc quảng bá cũng như đào tạo SV quốc tế theo học tại Việt Nam. Cụ thể, trong vài năm qua, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng đã thu hút được các SV từ các nước như Ukraine, Lào, Nhật Bản… đến theo họ. Còn năm học 2020, Khoa Quốc tế sẽ có các chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH liên kết với các trường quốc tế (học bằng tiếng Anh, trường nước ngoài cấp bằng) dành cho SV trong và ngoài nước.

Từ năm 2013, Trường ĐH FPT có lứa SV quốc tế đầu tiên do trường cấp bằng. Năm nay, trường tiếp tục mở các khóa dài hạn đào tạo về lập trình viên quốc tế, kỹ thuật phần mềm, quản trị kinh doanh, thạc sĩ kỹ thuật phần mềm và các khóa ngắn hạn khác với mục tiêu đưa tỷ lệ SV quốc tế chiếm khoảng 20% tổng số SV của trường.

Việc tăng cường tuyển sinh SV nước ngoài trở thành một động lực để các trường ĐH không ngừng nâng cao chất lượng, hướng tới các chuẩn mực của một trường quốc tế. Không thể phủ nhận một trong những lý do chủ yếu để SV quốc tế theo học tại Việt Nam là chi phí học tập, sinh hoạt tiết kiệm hơn rất nhiều so việc sống và học tập tại các quốc gia khác. Safiq Rahim, SV người Malaysia đang học ngành kỹ thuật phần mềm cho biết, khi lựa chọn trường đã rất ấn tượng với ĐH FPT bởi đây là trường Việt Nam đầu tiên được công nhận xếp hạng quốc tế ba sao theo chuẩn QS Stars (một trong các chuẩn xếp hạng hàng đầu dành cho trường ĐH trên toàn thế giới).

Không chỉ khẳng định thương hiệu, chất lượng đào tạo cũng như uy tín của các trường ĐH Việt Nam trong cộng đồng ĐH quốc tế, việc thu hút SV nước ngoài đến học tập còn tạo nguồn lực để các trường phát triển. So số lượng SV trong nước du học nước ngoài thì việc SV nước ngoài đến Việt Nam vẫn là một con số khá khiêm tốn. Tuy nhiên, TS Nguyễn Khắc Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT tỏ ra lạc quan: “Nếu chúng ta tuyển sinh SV quốc tế ở những ngành học hiện đại, ít lạc hậu, chương trình đào tạo tương thích với quốc tế và họ, khi khẳng định được việc du học ở Việt Nam chất lượng không kém so các nước khác mà học phí lại thấp hơn rất nhiều lần, thì dần dần SV nước ngoài sẽ lựa chọn du học tại đây”.