Đi đầu làm giàu trên quê hương

Thời gian qua, phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” đã được triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo các thành phần tham gia, góp phần quan trọng thay đổi nhận thức của đoàn viên, thanh niên. Thông qua chương trình, nhiều thanh niên nông thôn đã xung kích đi đầu làm giàu trên quê hương. Đó là nhận xét được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm phong trào, vừa diễn ra tại Hà Nội.

Giúp thanh niên xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu của chương trình “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Giúp thanh niên xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu của chương trình “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xây dựng nông thôn mới được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó đoàn viên, thanh niên là lực lượng xung kích đi đầu.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã ban hành kế hoạch về việc triển khai phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” với các nội dung trọng tâm như: tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò thanh niên tham gia xây dựng hạ tầng, cảnh quan môi trường nông thôn; phát huy thanh niên tham gia phát triển kinh tế; tham gia xây dựng đời sống văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc; giữ gìn an ninh - trật tự; xây dựng đoàn, hội vững mạnh. Từ việc triển khai thí điểm tại ba xã ở ba miền bắc, trung, nam, sau gần 10 năm, phong trào đã được triển khai rộng khắp, trở thành hoạt động sôi động của tuổi trẻ cả nước.

Số liệu thống kê cho thấy, trong gần 10 năm qua, phong trào đã huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các đoàn trực thuộc tham gia. Trong đó, tập trung xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, triển khai thực hiện 12 dự án Làng Thanh niên lập nghiệp khu vực biên giới và xã đặc biệt khó khăn; xây mới gần 11.000 km đường, hơn 2.100 cầu giao thông nông thôn, trồng gần 45 triệu cây xanh, thắp sáng gần 95.000 km đường giao thông nông thôn, xóa hơn 12.500 nhà tạm, nhà dột nát, trồng hoa, cây xanh tại hơn 4.400 tuyến đường với nhiều mô hình tiêu biểu ở cấp thôn, xã. Nhiều chương trình sau này đã được lan tỏa, triển khai trên diện rộng như “Con đường bích họa”, “Đường hoa thanh niên”, “Giữ sạch cánh đồng quê hương”... Tính đến hết tháng 6-2019, hơn hai triệu đoàn viên, thanh niên đã được vay vốn để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đi học.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho rằng, cùng với sự phát triển lớn mạnh của nền kinh tế, 10 năm qua, phong trào đã hướng dẫn thanh niên thay đổi phương thức sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh. “Một trong số các hoạt động tiêu biểu có thể kể ra là việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), chương trình phát triển kinh tế gắn với du lịch cộng đồng... qua đó góp phần tích cực phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới với 890 hợp tác xã, 2.091 tổ hợp tác thanh niên, 17.128 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế được hình thành. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đã nâng cao thu nhập cho thanh niên cả về vật chất, tinh thần. Nhờ đó, vị thế của tổ chức đoàn cũng được phát huy và nâng lên về chất, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam theo hướng tích cực”, đồng chí Tuấn cho biết.

Bên cạnh những mặt đã làm được, tại hội nghị, các đại biểu cũng đã chỉ ra những hạn chế cần khắc phục và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phong trào trong giai đoạn 2019 - 2020. Theo đó, cần tập trung tuyên truyền các cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ đó tạo tiền đề cho thanh niên vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Cùng với đó, tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tập trung nguồn lực vào những địa bàn khó khăn, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn. Vận động, hướng dẫn thanh niên nông thôn tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới, đi đầu trong công tác đấu tranh, phòng chống, ngăn ngừa, đẩy lùi các biểu hiện vi phạm trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, tổ chức đoàn cần củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ trình độ, kỹ năng, nhiệt tình, tâm huyết, đáp ứng được yêu cầu công việc để phong trào đạt hiệu quả cao nhất.