Dạy học sinh từ “tiếng dạ, tiếng thưa”

Không phải ngẫu nhiên mà Trường THPT Hai Bà Trưng - Huế được chọn thí điểm để khôi phục lại môn học nữ công gia chánh. Ngôi trường này từng nổi tiếng với tên gọi Trường nữ sinh Đồng Khánh, biểu tượng của thiếu nữ Huế xưa với vẻ đẹp công dung ngôn hạnh. Đây là hoạt động nhằm góp phần xây dựng một thế hệ học sinh mới mang vẻ đẹp của “cốt cách Huế”.

Sắp tới, học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng sẽ được học môn nữ công gia chánh.
Sắp tới, học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng sẽ được học môn nữ công gia chánh.

Thương hiệu nữ sinh Đồng Khánh

Những ngày giữa tháng 3 vừa qua, rất nhiều người dân Huế tỏ ra bất ngờ nhưng phần đông ủng hộ khi người đứng đầu tỉnh cho thí điểm lại môn học nữ công gia chánh ở ngôi trường Đồng Khánh xưa mà nay là Trường THPT Hai Bà Trưng. Để làm được việc đó, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị cấp tốc sưu tầm các tài liệu, phối hợp với chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực tiến hành biên tập, bổ sung và hoàn chỉnh giáo án sao cho phù hợp với môn vừa chơi, vừa học của các em học sinh.

Theo đó, yêu cầu của giáo án phải hướng đến làm sao khi kết thúc môn học, học sinh sẽ biết chế biến một số món ăn cơ bản của Huế, hiểu biết thêm văn hóa, giữ gìn nét đẹp ẩm thực vùng đất Cố đô. Từ đó, các em có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để hỗ trợ cho chính cuộc sống của bản thân và gia đình.

Nghệ nhân Mai Thị Trà, cựu nữ sinh trường Đồng Khánh kể rằng, ngày trước, trường có thế mạnh về đào tạo nữ công gia chánh. Hầu hết ai cũng yêu thích, bởi được học những kỹ năng từ dưỡng nhi, chi tiêu gia đình, thêu thùa may vá, chế biến món ăn truyền thống… Tuy nhiên, trải qua thời gian, môn học này dần bị quên lãng.

Cô Nguyễn Khoa Diệu Huyền, Trưởng ban liên lạc cựu nữ sinh Đồng Khánh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng cho rằng, ngày đó ngoài học môn nữ công gia chánh, học sinh còn được dạy nét văn hóa ứng xử, tác phong của người con gái Huế, từ “tiếng dạ, tiếng thưa” cho đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp với mọi người chung quanh. Ngày nay, do xu thế cũng như thay đổi về dạy nghề trong các trường phổ thông nên môn học này không còn như trước, nhiều nữ sinh trưởng thành, ra trường nhưng lại hạn chế những kiến thức, kỹ năng liên quan. “Do vậy, việc phục hồi môn học này rất cần thiết”, cô Diệu Huyền mong muốn.

Để “cốt cách Huế” thấm vào học sinh

Sau khi làm việc với các chuyên gia ngành giáo dục, người đứng đầu chính quyền tỉnh đã thống nhất cho Trường THPT Hai Bà Trưng thí điểm khôi phục lại việc dạy môn nữ công gia chánh từ năm học 2021 - 2022. Theo đó, để bảo đảm mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện, bên cạnh việc dạy kiến thức văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phải tập trung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lịch sử, văn hóa và con người Huế, để mỗi một học sinh có lòng tự hào về vùng đất mình đang sống. 

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngoài thí điểm môn nữ công gia chánh ở Trường THPT Hai Bà Trưng, thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu, triển khai môn học này ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Bên cạnh đó, sẽ rà soát chương trình dạy nghề phổ thông và hoạt động ngoại khóa để xây dựng chương trình học sát với thực tế ở nhà trường, gắn liền với văn hóa Huế. Để môn học này thật sự bổ ích, thú vị, Sở sẽ mời các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng là cựu học sinh, giáo viên Đồng Khánh - Hai Bà Trưng về hỗ trợ trong việc hướng dẫn thực hành, thuyết trình. “Mục tiêu chúng tôi nhằm giúp Trường THPT Hai Bà Trưng trở thành điểm sáng trong việc giáo dục kỹ năng sống và nữ công gia chánh để làm cơ sở nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh”.

Vào năm 1917, ngôi trường nữ trung học đầu tiên ở Trung Kỳ mang tên Vua Đồng Khánh đã được Vua Khải Định thành lập. Sau năm 1975, trường đổi tên là Trường cấp III Trưng Trắc, đến năm 1983 thì đổi thành Trường THPT Hai Bà Trưng. Từ khi thành lập cho đến năm 1975, Đồng Khánh là trường nữ duy nhất ở miền trung dạy đủ các môn văn - thể - mỹ - hạnh và lao động kỹ thuật. Cùng với việc học văn hóa, nữ sinh Đồng Khánh còn được dạy cách nuôi con, quản lý gia đình, phép tắc ứng xử và học cả cách cứu thương... Nhiều nữ sinh của trường này đã trở thành nhân tài trong nhiều lĩnh vực...