Tự tin xin ra khỏi diện hộ nghèo

Những năm gần đây, đã xuất hiện ngày một nhiều những lá đơn xin thoát nghèo, phần nào nói lên ý thức rũ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của bà con ở những vùng khó.

Bộ đội Biên phòng Nghệ An tặng lợn giống cho bà con dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo.
Bộ đội Biên phòng Nghệ An tặng lợn giống cho bà con dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo.

Khi các cụ thực tâm viết đơn

Mới đây, dư luận “dậy sóng”, chuyện một cụ bà tóc bạc phơ, lên UBND xã đề nghị chính quyền địa phương giải quyết cho cụ ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đó là cụ bà Đỗ Thị Mơ, năm nay đã 83 tuổi, trú tại thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Cách đây hơn một năm, cụ Mơ quyết định làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo vì cảm thấy bản thân mình đang có thể làm việc, sản xuất, kiếm ra đồng tiền tự trang trải cuộc sống. Bản thân cụ cũng đang giúp cho những hoàn cảnh khó khăn khác. Ngoài ra, cụ Mơ mong muốn thoát khỏi hộ nghèo để làm gương cho một số trường hợp, chưa xứng đáng được hưởng chế độ hộ nghèo, noi theo.

Được biết, năm 1987 chồng cụ qua đời, một mình cụ ở vậy nuôi các con. Từ khi các con “yên bề gia thất”, cụ Mơ ở riêng một mình trong ngôi nhà cấp bốn và không nhờ cậy đến các con vì đang tự lo cho bản thân được. Hằng ngày, cụ nuôi đàn gà, chăm sóc vườn tược và bán rau ở ngoài chợ để kiếm tiền chi tiêu, sinh hoạt… Lãnh đạo UBND xã Lương Sơn còn cho biết, địa phương cũng đang rà soát lại các điều kiện. Nếu trường hợp thu nhập của cụ Đỗ Thị Mơ đáp ứng được tiêu chuẩn để thoát nghèo, địa phương sẽ đưa cụ vào danh sách thoát nghèo.

Về xã Lục Dạ, huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) ai cũng hay biết chuyện cụ Lang Văn Tần cũng hơn 80 tuổi, trú tại bản Liên Sơn, đã viết đơn xin thoát nghèo, mặc dù cụ đau ốm liên miên, con cái đi biền biệt, sống bằng số tiền trợ cấp ít ỏi mấy trăm nghìn đồng mỗi tháng. Trong các buổi rà soát hộ nghèo, chứng kiến việc người thì thắc mắc cái này, người thì so sánh cái kia, thậm chí nhiều người còn khỏe mạnh, nhưng cứ tranh nhau hộ nghèo cho bằng được, họ còn cãi vã nhau, vả lại nghĩ mình được Nhà nước quan tâm nhiều năm, đây là lý do chính để cụ nhờ người viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Lãnh đạo xã cho biết, cụ Tần từng tâm sự, cứ tranh nhau hộ nghèo để hưởng sự ưu tiên của chính sách, sẽ làm nhụt chí và không còn ý chí để vươn lên. Nên ông cụ đã tự nguyện rút khỏi hộ nghèo để làm gương cho con cháu và giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước.

Bằng lòng tự trọng của mình, các cụ cao niên đã tự nguyện viết đơn thoát nghèo để làm gương cho con cháu cũng như giảm gánh nặng cho xã hội được dư luận xã ghi nhận. Tại nhiều địa phương ở các vùng khó miền trung này, hiện đang còn nhiều cụ cao niên khác cũng có hành động đáng trân trọng như cụ bà Đỗ Thị Mơ, cụ ông Lang Văn Tần.

Tiếp tục phấn đấu vươn lên

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) Nguyễn Lê Lợi cho biết, trong mấy năm gần đây, cùng với sự vận động của các tổ chức mặt trận, đồng bào các dân tộc ở đây đã có sự thay đổi về nhận thức, cho rằng đói nghèo là điều đáng hổ thẹn, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Từ chỗ đó, nhiều hộ dân đã có ý thức vươn lên thoát nghèo bằng việc trăn trở nuôi con gì, trồng cây gì... Trên cơ sở đó đã có gần 400 hộ dân chủ yếu là bà con các dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Con Cuông này viết đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo.

Về bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông), Ban quản lý (BQL) bản cho biết, đã có 19 hộ dân viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Trong đó phải kể đến bà La Thị Tín (62 tuổi). Hơn 10 năm liên tục được BQL và bà con dân bản bình xét hộ nghèo để được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước, bởi gia đình bà thuộc diện khó khăn nhất bản. Bên cạnh sự tiếp sức của cộng đồng, các thành viên gia đình động viên nhau chăm chỉ cũng như có kế hoạch làm ăn, nên hiện tại cuộc sống gia đình đã tạm ổn. Gia đình còn được địa phương hỗ trợ xây nhà tình thương. Nên tại cuộc họp bình xét hộ nghèo năm 2019, bà Tín quyết định xin rút khỏi diện hộ nghèo.

Cùng bà La Thị Tín có chị Hà Thị Nhàn cùng nhiều người dân khác trong bản. Chị Nhàn cho biết, do điều kiện sức khỏe của vợ chồng chị không được tốt, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nên suốt tám năm qua luôn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Vợ chồng dần gây dựng được đàn gà, có kinh nghiệm chăn nuôi lợn và trồng rau màu để có thêm thu nhập nên cuộc sống đã đỡ vất vả. Đặc biệt, năm 2018, gia đình được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa thay thế ngôi nhà tạm trước đó… Chị Nhàn đã bàn với chồng xin ra khỏi diện hộ nghèo, nhường lại sự hỗ trợ cho những gia đình khó khăn hơn. Ban đầu chồng chị còn đắn đo, nhưng cuối cùng chị đã thuyết phục và đi đến thống nhất viết đơn xin thoát nghèo. Thấy bà Tín và chị Nhàn làm đơn, ông Thuyền trong bản Xiềng cũng quyết định xin ra khỏi diện hộ nghèo. Ông chia sẻ: “Cứ mỗi lúc nhận trợ cấp tôi đều cảm thấy xấu hổ, nên khi kinh tế từng bước ổn định, tôi xin ra khỏi diện hộ nghèo để tiếp tục phấn đấu vươn lên”.

Từ Môn Sơn, chúng tôi tìm đến Thạch Ngàn, Lục Dạ, Bồng Khê, Mậu Đức... là những xã miền núi thuộc diện 135 khó khăn ở Con Cuông để tiếp tục được nghe những câu chuyện vượt khó vươn lên cuộc sống, hay cảm động được đọc những lá đơn xin thoát nghèo với nét chữ thô ráp nhưng đầy lòng tự trọng. Theo con số báo cáo của UBND huyện Con Cuông, chỉ trong vòng ba năm lại nay, toàn huyện đã có 383 hộ xin ra khỏi diện hộ nghèo, góp phần giảm từ 3 - 4 % tỷ lệ hộ nghèo hằng năm ở địa phương, tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định và bền vững.

Không chỉ Con Cuông mà nhiều gia đình ở huyện miền núi Tân Kỳ cũng đã viết đơn xin thoát nghèo. Tại khối 7, thị trấn Lạt, gia đình chị Nguyễn Thị Nhi khánh kiệt sau khi chồng qua đời, với gánh nặng nuôi ba người con ăn học. Một điều may mắn là những lúc khốn khó chị luôn được hàng xóm láng giềng giúp đỡ cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ mở quầy tạp hóa nhỏ kết hợp chăn nuôi. Đặc biệt, việc có “tấm bài” hộ nghèo gần chục năm nay đã giúp các con của chị được miễn tiền học, chị đi khám không mất tiền, cuối năm còn có thêm vài trăm nghìn cùng cân gạo… Tất cả cùng với nghị lực phi thường của người mẹ xứ Nghệ đã giúp chị nuôi ba người con dần trưởng thành. Khi người con gái đầu đã lập gia đình riêng, và người con thứ hai bước chân lên lớp 12 thì cũng là lúc chị Nhi nghĩ đến việc trao “món quà” này cho những người khốn khó hơn mình khi quyết định viết đơn xin được rút ra khỏi hộ nghèo, để nhường cơ hội cho các gia đình khác. Chị Nhi là một trong số tám hộ nghèo ở thị trấn Lạt (Tân Kỳ) đã viết đơn ra khỏi hộ nghèo năm 2018…

Giờ đây, các địa phương trong tỉnh Nghệ An, trong đó có các huyện miền núi, người dân đều có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Với lòng tự trọng của mình, họ không còn cam chịu đói nghèo và không còn tư tưởng “há miệng chờ sung”. Bên cạnh đó, các chính sách xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đang dần phát huy hiệu quả. Cùng với đó, sự giúp sức của cộng đồng, giúp “cần câu” của các hội, đoàn thể đã tạo nên làn gió mới làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của người dân ở các vùng khó. Và chuyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo không còn xa lạ đối với người dân nói chung trong đó có bà con các dân tộc thiểu số ở miền tây Nghệ An nói riêng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Kha Thị Tím: “Những năm gần đây, trên địa bàn huyện xuất hiện phong trào người dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Có thể xem đây là một tín hiệu tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chứng tỏ bà con bắt đầu có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình, lòng tự trọng được khơi dậy và tư tưởng trông chờ, ỷ lại đang dần được xóa bỏ”.