Trăn trở giúp dân thoát nghèo

Đến giờ, khi nhắc lại, nhiều người dân Quế Phong, Nghệ An vẫn còn nhớ như in hình ảnh người Bí thư Huyện ủy luôn cần mẫn với công việc, say mê tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán. Trên hết là những trăn trở giúp người dân tìm lối thoát nghèo.

Kiểm tra mô hình trồng dâu tây trong nhà lưới ở Mường Lống (Kỳ Sơn) (ông Thành đứng thứ ba từ trái sang).
Kiểm tra mô hình trồng dâu tây trong nhà lưới ở Mường Lống (Kỳ Sơn) (ông Thành đứng thứ ba từ trái sang).

Bí thư nông dân

Con đường từ thị trấn Mường Xén, thủ phủ của huyện 30a Kỳ Sơn (Nghệ An) lên xã Mường Lống, dốc vừa gắt vừa dài, những khúc “cua tay áo” liên tục như muốn làm nản lòng những “tay lái lụa”. Sương mù đặc quánh bưng mắt người. Chúng tôi được “bám càng” chuyến công tác ngược ngàn lên Mường Lống của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Nghệ An Trần Quốc Thành để kiểm tra các dự án khoa học công nghệ triển khai ở Kỳ Sơn. Qua những câu chuyện trên xe, chúng tôi cảm phục sự lăn lộn, hiểu biết sâu rộng của anh.

Anh Thành có tiếng là thông minh và bản lĩnh từ hồi còn công tác ở ngành thủy sản. Khi còn là Phó Giám đốc Sở Thủy sản, anh đã đưa mô hình nuôi con ngao Bến Tre, hàu, cá rô phi đơn tính, nuôi cá trong ruộng lúa và đặc biệt là con tôm thẻ chân trắng về tỉnh Nghệ An. Nên nhiều người gọi đùa anh Thành bằng cái tên “Thành Tôm”. Đến năm 2010, khi làm Bí thư Huyện ủy Quế Phong, người dân gán cho anh biệt danh “Bí thư nông dân”, bởi nhiệt tình lăn lộn khắp các thôn, bản để tìm hiểu các vần đề ngóc ngách cuộc sống của bà con các dân tộc thiểu số ở huyện 30a vùng cao này. Nhiều dự án nhờ đó đến nay vẫn còn được duy trì, đó là trồng cây chanh leo, chè hoa vàng, nuôi cá lồng và phong trào trồng giống lúa Japonica...

Khoảng những năm 2005, 2006, cây chanh leo được Tổng công ty Nafoods trồng thử nghiệm ở các huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn nhưng không thành công. Một lần đi công tác ở xã biên giới Tri Lễ, thấy một loại cây na ná như cây chanh leo, quả lại chi chít, anh hỏi: “Cây chi đó hè?”. Bà con trả lời: “Đó là cây Lọt Tây” (Nghĩa là cây này có từ thời tây). Anh xem kỹ quả thì té ra đúng là chanh leo. Anh nghĩ rất nhanh, vậy là loài cây này đã sống ở đây rất lâu và đã trở thành cây bản địa, như vậy nghĩa là cây chanh leo có thể sống ngay trên đất Nghệ An! Mừng quá anh gọi điện ngay cho Tổng Giám đốc Công ty Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng báo tin vui: Cây chanh leo có thể trồng trên đất Quế Phong. Và đề nghị công ty giúp huyện trồng thử nghiệm ngay. Ở đây nảy sinh ra một vấn đề đó là kinh phí, đất cho công ty đứng chân? Anh liền đề nghị Chủ tịch huyện tìm nguồn kinh phí, tìm giải pháp giao ngay đất cho công ty đặt điểm trụ sở, điểm thu mua, làm giống. Việc này không thể chậm trễ, mất thời cơ. Về phía người dân, việc thuyết phục trồng cây chanh leo, loài cây mà bà con xưa nay vẫn coi là một thứ cây dại cũng không dễ. Anh phải vừa giao, vừa động viên đồng chí Phó Bí thư thường trực Huyện ủy lúc đó là anh Lê Quốc Khánh thành lập các tổ công tác lên tận bản “lập chốt, ốp dân”. Hai người hẹn nhau: “Đến khi nào có quả thì mới về”.

Chuyện làm “phân dúi” cũng thể hiện bản lĩnh của người Bí thư huyện này. Số là, ở Quế Phong có nhiều xã được hưởng chế độ theo Chương trình 102, mỗi hộ nghèo được 100 nghìn đồng/tháng mua muối I ốt, dầu hỏa, giống... nhưng trong văn bản hướng dẫn không có mua phân bón. Bí thư “quyết hộ”: Lấy “phân dúi”! Duyên do từ những lần đi thực tế, anh phát hiện ra đất canh tác của đồng bào là ruộng bậc thang, thủy lợi chưa đồng bộ mà theo kiểu tháo chuyền. Khi dân bón phân trên mặt ruộng thì nước chảy trôi phân. Thành ra mới có cái cảnh, đầu bờ thì lúa thiếu chất còn dưới dốc cỏ mọc xanh um. Nghe cán bộ khuyến nông huyện báo cáo về mô hình sử dụng phân dúi kết hợp cấy thẳng hàng rất hợp lý, anh lập tức đề nghị UBND huyện xây dựng đề án triển khai. Vụ lúa đầu thắng lớn. Dân rất phấn khởi. Bà con đã có một cách làm hiệu quả, năng suất lúa ở đây nhảy vọt lên 6 - 7 tấn/ha, điều chưa từng có ở Quế Phong.

Cái hay và cũng là nỗi khổ của “Bí thư nông dân” là luôn phải “cầm tay chỉ việc”. Bởi thực lực cán bộ huyện, xã thời điểm đó còn hạn chế. Trong suốt hai phần ba nhiệm kỳ, không ngày nào anh được ngơi nghỉ. Một mặt luân chuyển, đưa đi đào tạo, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ; một mặt kiểm tra, bám nắm dân để giữ phong trào, giữ mô hình. Đồng chí Lê Quốc Khánh nay là Phó Ban tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An nhận xét: “Chỉ mấy năm anh Thành làm Bí thư Huyện ủy, Quế Phong đã thay đổi được tư duy, cách nghĩ, cách làm từ cán bộ đến người dân”.

Nhà khoa học cần mẫn

Mặc dù các phong trào Quế Phong đang lên, nhưng do hết “nhiệm kỳ” đi cơ sở, anh Thành được tổ chức điều về xuôi. Anh mạnh dạn xin về Sở KH&CN vì: “thích cái mới”. Luôn đau đáu hướng về miền Tây, xứ Nghệ anh nghĩ phải dùng khoa học kỹ thuật để giúp nơi đây phát triển hơn nữa.

Vừa hay lúc đó Chính phủ ra Quyết định số 2355/QĐ-TTg, tạo điều kiện để Nghệ An lập “Đề án phát triển kinh tế xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020”. Với cương vị là Giám đốc Sở KH&CN, anh đã tham mưu cho tỉnh cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ. Trong đó có Đề án khung về bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh (năm 2014 - 2020). Chính vì thế nhiều nguồn gen cây dược liệu quý hiếm hầu hết ở miền Tây Nghệ An đã được tìm kiếm và bảo tồn thành công. Trong đó phải kể đến giống sâm Puxailaileng, trà Hoa vàng Quế Phong, đẳng sâm, hà thủ ô đỏ, tam thất hoang…

Tiếp đó là đề án “KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội bốn huyện 30a vùng miền Tây Nghệ An” và “Chương trình phát triển 100 sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương giai đoạn 2015 - 2020”. Anh tâm niệm: Phải nghiên cứu kỹ, làm đến cùng và có kết quả mới thôi! Lửa nhiệt huyết đã bén sang đồng nghiệp trong Sở KH&CN. Vậy là thầy trò cùng nhau lặn lội đi thực tế, bất cứ nơi đâu có sản phẩm hay, giống lạ. Những chuyến đi vùng sâu, vùng xa ấy là trải nghiệm kỳ lạ cho không ít nhà báo từng “đòi” đi theo đoàn. Từ xuyên rừng, lội suối, cho tới xắn tay giúp dân kiểm tra độ ẩm trong đất, đánh giá lượng phân có đủ dinh dưỡng cho cây trồng…

Sau những chuyến công tác vất vả nhưng đầy ý nghĩa ấy, những mô hình trồng dược liệu, gừng, bưởi, bơ, trám, gà, bò, lúa Japonica… cứ rộng mãi ra cùng nụ cười rạng rỡ trên gương mặt người dân vùng cao. Bằng nhãn quan sắc sảo của cán bộ quản lý kinh tế và là nhà khoa học, anh đã có nhiều ý kiến chỉ đạo, đóng góp kịp thời cho định hướng phát triển của địa phương, hay của từng dự án, từng mô hình cụ thể. Lãnh đạo các huyện 30a miền Tây Nghệ An đều chung nhận xét: Anh Thành cùng với Sở KH&CN đã giúp các huyện nghèo khó chúng tôi triển khai thành công nhiều chương trình dự án cây, con chủ lực tạo thành chuỗi sản phẩm hàng hóa.

Sau 5 năm triển khai Chương trình phát triển 100 sản phẩm truyền thống, các huyện miền núi miền Tây Nghệ An có những mô hình rất hiệu quả như: trồng cây dược liệu gắn với chế biến; tưới nhỏ giọt cho cây cam, cây mía; nuôi cá lồng trên hồ; chế biến thức ăn cho gia súc từ cây ngô, sản xuất giống chanh leo; trồng cây hương bài và sản xuất hương trầm; phục hồi và phát triển đàn bò gen quý… Nhiều sản phẩm mới được hình thành, xây dựng nhiều nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Trong đó không ít sản phẩm được Sở KH&CN phân tích, công bố chất lượng, truy xuất được nguồn gốc đã nâng tầm thương hiệu địa phương, thương hiệu Nghệ An như cây dược liệu Con Cuông, hương trầm Quỳ Châu, gừng Kỳ Sơn, bơ Nghĩa Đàn, gà Thanh Chương, bưởi hồng Quang Tiến, chè Shan tuyết, mật ong Tây Hiếu, bò giằng Tương Dương… Các sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương phát triển đã thu hút ngày một đông khách du lịch đến mua sắm, tham quan và trải nghiệm.