Thổ cẩm kể chuyện

“Đây là ký hiệu phụ nữ đơn thân nuôi con một mình, đây là ký hiệu gia đình hạnh phúc, đây là ký hiệu hai vợ chồng”, bà Vàng Thị Mai chỉ từng họa tiết trên những sản phẩm thổ cẩm của mình giải thích. Thổ cẩm khi gắn liền với những câu chuyện đã trở nên mới mẻ hơn nhiều. 

Bà Vàng Thị Mai đang phơi vải lanh ở Hợp tác xã Hợp Tiến.
Bà Vàng Thị Mai đang phơi vải lanh ở Hợp tác xã Hợp Tiến.

Phía sau những hình vẽ

Vẫn những chiếc túi ví thổ cẩm, váy áo mầu sắc của người H’Mông, nhưng trong câu chuyện của bà Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm HTX dệt lanh thổ cẩm Hợp Tiến ở xã Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang), dường như có một dòng chảy văn hóa người H’Mông sống động. Hình xoắn ốc là chỉ người mẹ đơn thân, bà Mai hay cho thêu trên những chiếc ví tiền. Hình hoa đối xứng là chỉ gia đình hạnh phúc, thường thêu trên vỏ chăn gối. Nhờ vậy, sản phẩm của đồng bào dân tộc hấp dẫn hơn. Thực tế, HTX của bà Mai từ lâu đã là địa chỉ thổ cẩm có tiếng trong và ngoài nước. Nhiều người tò mò và hứng thú với ý nghĩa lạ lùng của những hình thêu.

Trước kia, những mảnh vải thổ cẩm có tính ứng dụng rất ít. Thậm chí, ở những điểm du lịch như ở Lào Cai, Hà Giang những móc chìa khóa, vòng tay còn là sản phẩm làm vội vàng và rẻ tiền, kém hấp dẫn. Sẽ rất khó để người ta mang về một sản phẩm đặc trưng bởi không biết nên dùng vào việc gì. Nhưng càng ngày, những mảng mầu thổ cẩm càng có tính ứng dụng cao hơn. Hơn thế nữa, nó được sáng tạo từ chính những người sống và yêu những mảnh đất vùng cao. Sẽ không có những tranh cãi hay nhầm lẫn như mang khăn piêu làm khố giống nhóm nhạc miền xuôi dạo nào, không phải ồn ào khăn Việt Nam hay khăn nước ngoài trên nếp áo người Việt, chính những người dân bản địa hiểu rõ cần phải tiếp thị điều gì cho sản phẩm mình. Bà Vàng Thị Mai thấm thía câu chuyện từ những hình vẽ, khi trải qua những tháng ngày vất vả để giữ gìn HTX - nơi mà những ngày đầu tiên có những người phụ nữ đơn thân nuôi con cần một nguồn sống, nơi vẫn bị những người đàn ông say rượu đến đập phá khung cửi vì vợ không cho tiền mua rượu. Những hình vẽ ấy không chỉ là một sản phẩm, đó còn là câu chuyện thăng trầm trong cuộc đời những người đàn bà dân tộc thiểu số trên cổng trời cao nguyên đá. 

HTX của bà Mai bây giờ đã có nhiều sản phẩm hơn. Cô con dâu bà Mai khoe mới làm cả hoa từ vải lanh, những bộ quần áo bắt kịp xu hướng thời đại. “Hàng ở đây chả mấy khi tồn kho, làm đến đâu hết đến đấy”, cô gái sinh năm 1990 hào hứng. Kể cả khi Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, HTX cách đường Hạnh phúc gần bốn cây số vẫn đều đặn sản xuất, đều đặn đón những đợt khách tới mua hàng. 

Ở thôn Lủ Khấu, Tả Phìn (thị xã Sa Pa, Lào Cai), người phụ nữ dân tộc Dao Lý Tả Mẩy có con đường khác. Bà vốn chỉ chăm chỉ dệt áo mặc cho mình, cho đến ngày một người phụ nữ Pháp tìm đến và nói rằng, những chiếc áo của bà rất “hợp gu” châu Âu. Cô lập giúp Tả Mẩy hẳn một trang Instagram, đầu tư chụp ảnh thật đẹp. Vẫn chiếc áo cánh người Dao, hóa ra lại có thể khiến người ta trở nên hiện đại như thế. Bà đã biết cách cải tiến đi một chút, cái áo truyền thống tà kéo lại, hoa văn vẽ lại một chút, bà gọi đó là áo cải biên. Những cái áo đó đã mở ra thị trường tiêu thụ cho bà. Tả Mẩy nói năm nay, bà vẫn gửi hàng đều đặn đi châu Âu, doanh số không kém so với trước Covid-19 là bao nhiêu.

Thổ cẩm kể chuyện -0
Anh Võ Văn Tài giới thiệu bức tranh ruộng bậc thang dệt thổ cẩm. 

Không chỉ những mảnh vải

Hôm chúng tôi tới khu trưng bày giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH thương mại tổng hợp Lan Rừng (thị xã Sa Pa, Lào Cai), anh Võ Văn Tài, Giám đốc công ty - đang hướng dẫn một nhóm chị em người Dao tách những mảnh vải nguyên bản thành những miếng vải nhỏ và có tính ứng dụng cao hơn: “Mình giữ nguyên hoa văn đó nhưng mảnh vải nhỏ có thể dùng làm nhiều việc, thời gian làm nhanh hơn mà giá thành cũng hợp lý hơn”. 

Lan Rừng không chỉ làm những mảnh vải thổ cẩm đơn giản. Người đàn ông Quy Nhơn tự nhận “nông dân 100%”, chỉ học hết lớp 12 Võ Văn Tài đã nghiền ngẫm, cải biên để cho ra những thứ hấp dẫn thị trường nhất.  Lan Rừng làm mọi thứ để thổ cẩm sống, từ nhận thiết kế cho các khách sạn, nhà hàng, làm các sản phẩm thổ cẩm đại trà, thiết kế áo dài thổ cẩm: “Trước kia thổ cẩm chỉ có ba mầu, giờ mình phối hợp với nhiều mầu hơn, hợp gu khách hàng hơn”. Anh Tài có hơn 100 thợ, hầu hết là những người phụ nữ dân tộc thiểu số đã quen với việc dệt vải, thêu thùa. “Nhưng họ đều có tuổi và chỉ quen với một phong cách truyền thống,  đôi lúc mình tìm thợ cũng khó”, anh Tài thừa nhận. Nhưng điều đó cùng với sự chững lại của thị trường năm Covid-19, Lan Rừng vẫn đang xoay xở để thổ cẩm được giới thiệu rộng hơn. Anh Tài nói, anh còn muốn tận dụng cả thêu cườm của người Xa Phó, vẽ sáp ong của người H’Mông… Ở gian trưng bày, anh Tài khoe một bức tranh ruộng bậc thang làm hoàn toàn từ họa tiết những chiếc váy người H’Mông, người Dao. Bức tranh thật sự tốn rất nhiều công sức, chỉ riêng dựng khung gỗ cơ bản đã mất ba ngày. Những bức tranh của anh Tài có phong cách rất riêng, bởi vẫn từ những mảnh vải thêu, dệt thổ cẩm, có cả thế giới vùng cao hiện ra trước mắt. Anh Tài đang ấp ủ dự định sẽ làm một bản đồ du lịch Sa Pa với những con đường trekking, những địa danh nổi tiếng, cũng bằng phong cách thổ cẩm này. 

Không có ai trong số bà Mai, bà Tả Mẩy hay anh Tài học thiết kế chuyên nghiệp. Những sản phẩm của họ cũng không phải là những bộ sưu tập cầu kỳ, thậm chí anh Tài nói anh chưa từng nghĩ sẽ đăng ký độc quyền những gì mình làm ra. “Có lần làm bức tranh xong mấy hôm sau thấy ngoài chợ người ta làm y hệt rồi. Nhưng mà mình lại nghĩ thế là họ làm sau mình, mình lại có động lực nghĩ ra cái mới’, anh Tài nói vậy. Cái độc đáo của họ là không có sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Tôi đã lục tìm trong số những chiếc áo lanh của bà Mai, không bao giờ tìm thấy hai chiếc giống hệt nhau dù cố gắng tìm cùng mầu sắc, họa tiết. Nó ngẫu hứng và tự do y như tính cách của những người đàn bà bên khung cửi. Anh Tài cũng bảo không thể làm ra hai bức tranh giống nhau đâu.

Những mảnh vải đậm mầu sắc núi rừng sẽ xuống phố, sẽ ra biển, sẽ đi nhiều nơi, rực rỡ như chính cách những người dân ở đây tạo ra nó. Vậy là đủ để thổ cẩm sống rồi.