“Thầy bảo mẫu” trên đỉnh Pú Nhi

Bà con dân tộc Mông nơi đỉnh núi Pú Nhi, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên vẫn nói với nhau, nhiều bản Mông nào cũng có người tên Chống, song thầy Chống ở Pú Nhi chỉ có một mà thôi…

Bữa ăn, giấc ngủ của các cháu đều có thầy Chống chăm sóc, nâng niu.
Bữa ăn, giấc ngủ của các cháu đều có thầy Chống chăm sóc, nâng niu.

“Không phải thầy chính thức đâu!”

Nghe Thượng tá Lê Thành Minh - Phó Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Tổ trưởng Tổ công tác tăng cường cơ sở cụm Pú Nhi - gọi thân mật “thầy Chống”, thì Hạng A Chống bẽn lẽn cười rồi giải thích: “Không. Em chỉ đưa đón các cháu từ nhà đến trường; hỗ trợ cô giáo chủ nhiệm giảng dạy, chăm sóc các cháu khi ăn khi ngủ và thông tin đến phụ huynh về tình hình học tập, sức khỏe của các cháu. Em không phải thầy chính thức đâu!”.

Chỉ tay về mấy nếp nhà nương mình vào sườn núi phía xa, Hạng A Chống nói giọng thuyết phục: “Trên ấy là bản Pú Nhi D, từ đây đến đấy hơn hai cây số đi một tí đến ngay mà!”. Quả đúng “đi có một tí” mà cái “một tí” trên đoạn đường đến bản Pú Nhi D không đơn giản. Đường mòn nhỏ hẹp, dốc tức ngực lại dốc lên dốc xuống làm tôi ngồi phía sau xe Chống cứ chực rơi xuống đường.

Dừng xe trước ngôi nhà tranh đầu bản, Chống đi thẳng vào trong và gọi: “Su à, mùng lớp học, mùng lớp học” (“mùng” nghĩa là đi - tiếng của dân tộc Mông). Trong nhà trở ra, Chống phải cúi gập người xuống mới bước qua được bậc cửa vì trên lưng Chống, cậu bé Su vẫn ngủ gật gà. Đặt Su ngồi trên yên xe, Chống nhờ tôi giữ Su cho khỏi ngã để Chống chạy sang đón cháu Nếnh đi cùng. Nhanh như con sóc, nói chưa hết lời mà bóng Chống đã khuất phía xa. Khoảng chục phút sau trở lại, Chống cười rất tươi còn cô bé Nếnh ỉu xìu vì… ngủ dở. Chừng biết tôi ái ngại cho đoạn đường về trường nên Chống chủ động sắp xếp: “Không sao đâu. Su ngồi trước ôm bụng em, Nếnh ngồi sau ôm lưng, chị ngồi sau cùng ôm Nếnh cho em”. Một chiếc xe máy chở bốn người cả lớn và bé cứ lặc lè leo dốc làm tóc tôi cứ dựng ngược. Vậy mà Chống vẫn vững tay lái ngược đường.

Đến đoạn đường bê-tông gần Trường mầm non Pú Nhi, Chống mới cười khì khì và kể tôi nghe về những lần đi đón trẻ trong mưa sương gió tuyết. Chống bảo, người Mông đi làm từ khi con gà chưa gáy sáng nên trẻ con ở nhà cứ ngủ tùy thích, không có người gọi người đón, chúng ở nhà cả ngày. Hai năm nay Chống kiêm thêm việc đón, đưa trẻ ở bốn bản đến trường. Ngày ít hai chuyến, ngày nhiều năm, sáu chuyến. Chống đi vòng quanh các bản Pú Nhi A, B, C, D đón cho kỳ hết trẻ của lớp mẫu giáo nhỡ đến trường. Nhiều sáng Chống phải đi gần chục chuyến mới đón đủ trẻ. Cháu nào cũng ngủ dở nên Chống phải bế và cõng từng cháu về trường.

Trưởng bản “nhiều trong một”

Vừa kể vừa cười, tôi biết Chống không ngại việc đưa đón trẻ nhưng tôi vẫn muốn hiểu ngọn nguồn việc của người trợ giảng mà Chống đã làm trong suốt hai năm qua.

Thoáng chút suy tư khi nhớ lại những ngày đầu chính thức làm trợ giảng cho lớp mẫu giáo bé Trường mầm non Pú Nhi, Hạng A Chống đã trải lòng về những tháng năm qua. Mùa hè năm 2014, cầm tấm bằng tốt nghiệp cao đẳng tiểu học mầm non do Trường cao đẳng Sư phạm Điện Biên cấp, chàng trai 32 tuổi Hạng A Chống mạnh dạn làm hồ sơ gửi mấy nơi với hy vọng có việc làm nuôi thân, nuôi vợ và cô con gái nhỏ tuổi lên ba. Ngày trôi qua, tháng trôi qua, hy vọng của Chống cũng trôi dần trong im lặng. Bố mẹ Chống buồn một, vợ Chống buồn hai, còn Chống thì buồn những chín, mười lần... Năm sau, 2015, cất tấm bằng cao đẳng tiểu học mầm non vào đáy hòm, Chống tự nhủ thôi thì mình sinh ra từ núi nên giờ trở về với núi, bằng lòng với chuyện nương rẫy cuốc cày. Vậy là mấy năm theo đòi đèn sách ở trường chuyên nghiệp sư phạm, chỉ như một “kỷ niệm” mà thôi...

Nghĩ như thế, bắt tay làm như thế. Mùa tra hạt năm đó, vợ chồng Chống ở tại lán nương mấy tháng liền. Đất cằn, đất bỏ hoang Chống bỏ sức san cuốc và bón phân, lúa tốt bời bời, nương của Chống cho bông lúa to hạt chắc. Thu về 100 bao thóc, Chống lại tính bán bao nhiêu, để lại bao nhiêu cho người ăn rồi cả chăn nuôi. Mùa gieo hạt năm sau, Chống cùng vợ lại khăn gói lên ở trên nương như mùa trước. Thế rồi, đùng một cái bố Chống nằng nặc gọi Chống về có việc quan trọng, vì dân bản đã bầu Chống làm trưởng bản Pú Nhi A cho dù cả gia đình Chống không có ai dự họp hôm đó. Nhận làm thì lo lắng quá mà không làm lại phụ sự tin yêu của bà con, hai dòng suy nghĩ ấy khiến Chống mất ăn mất ngủ cả tuần. Hiểu tâm trạng con trai, bố Chống đã động viên: “Con làm việc bản đi, việc nhà đã có bố”. Chống nhận làm trưởng bản Pú Nhi A từ khi đó.

Họp hành đầy đủ, Chống còn ghi chép chi tiết từng nội dung việc xã triển khai để thông tin đến bà con. Nhà ai có việc gì, Chống đến sớm nhất rồi tìm cách hỗ trợ bằng việc, bằng công. Nhà nào có người già đau yếu, Chống đều nắm rõ và thuộc như lòng bàn tay. Trẻ con không đi học Chống tìm gặp, lựa lời khuyên bảo và đến tận nhà đưa đón. Cứ như thế, từ khi làm trưởng bản thì Chống làm luôn cả việc đưa đón trẻ mầm non mà chẳng nề hà tiền công. Rồi một chiều đầu năm học 2016-2017, Chống nhận điện thoại từ cô Cao Thị Thế, Hiệu trưởng Trường mầm non Pú Nhi, với lời đề nghị chính thức: “Chống suy nghĩ có làm trợ giảng cho nhà trường được không? Công việc chính là hỗ trợ giáo viên khi giảng dạy, chăm sóc các cháu, thông tin chủ trương, chế độ, chính sách đến phụ huynh và kiêm cả đón, đưa trẻ để duy trì sĩ số. Tiền công hỗ trợ 80.000 nghìn đồng/ngày”.

Dừng cuộc điện thoại với cô Cao Thị Thế, Chống lại miên man trong dòng suy nghĩ với bao nhiêu câu hỏi: Việc nhà, việc bản giờ thêm việc trường, liệu có làm nổi? Làm thì có chắc hoàn thành việc không?... Tự hỏi tự nghĩ, Chống như trôi ngược về những tháng ngày ấp ủ ước mơ được làm thầy dạy trẻ ở trên đỉnh núi cao, được nghe tiếng hát, tiếng cười con trẻ, được đón đưa và chăm sóc các em khi ở trường. Ngay ngày hôm sau, Chống nói với người trong nhà là ra xã họp nhưng lại vượt quãng đường gần 50 cây số mua hồ sơ làm đơn xin việc. Nắn nót từng chữ, viết từng câu trong đơn, cuối đơn Chống thiết tha đề nghị: “Được góp sức mình cho con trẻ Pú Nhi”.

Bấm từng đốt ngón tay đếm thời gian trôi, Chống nói thật khẽ để trẻ không thức giấc trưa ở trường: “Mới đó đã gần hai năm, mỗi năm em làm chín tháng, mỗi tháng có 22 ngày em đón, đưa trẻ, đứng giảng và múa cùng cô chủ nhiệm lớp mầm non”. Ngần ấy việc Chống kể loáng đã xong nhưng với cô giáo chủ nhiệm lớp mẫu giáo nhỡ Lò Thị Lả là sự biết ơn không kể hết. Là người dân tộc Thái chủ nhiệm lớp học có 36 cháu là con em dân tộc Mông, cô giáo Lò Thị Lả lo lắng trước “rào cản” ngôn ngữ. Trẻ nhỏ chưa quen nền nếp, kỷ luật nhà trường nên việc dạy học, dạy ăn càng khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của thầy Chống, cô Lả đã không chỉ bớt lo mà còn giảng dạy tốt hơn. Còn với các cháu: Hạng Thị So ở bản Pú Nhi C, Hạng Thị Liên ở bản Pú Nhi A... thì thầy Chống đã như người cha thứ hai vậy. Hoàn cảnh hai cháu rất khó khăn, bố đi cải tạo tập trung vì mang án, mẹ bỏ nhà đi đâu không ai biết cho nên việc đón, đưa hai cháu đi học đều một tay thầy Chống làm. Nhiều hôm hai cháu ốm sốt thầy vẫn đón đưa về trường để vừa chăm sóc vừa lo việc của lớp. Trong lớp học này, nhiều cháu coi thầy Chống như cha!

Một ngày ở Pú Nhi trôi vèo theo núi việc của Chống. Riêng việc đón trẻ về trường, đưa trẻ về nhà đã ngốn hơn 20 cây số. Các việc dạy hát, dạy múa, dạy chữ và chăm ăn, lo ngủ cho các cháu cứ vùn vụt thời gian trôi. Hỏi Chống có mệt không khi việc nhiều mà tiền công không bao nhiêu thì Chống cười và nói vô tư: “Phải thuyết phục nhiều lần vợ em mới đồng ý cho làm trợ giảng, vì vợ bảo đi suốt ngày không có người làm nương. Với em, được đưa đón, chăm sóc và dạy các cháu hát múa là vui rồi! Vui mà làm thêm việc cũng không mệt nữa đâu!”.

Nói rồi, Chống ngước mắt nhìn về những ngọn núi sừng sững ở đầu bản Pú Nhi. Những ngọn núi đã bao ngày ngăn mưa chống nắng, chở che, bao bọc cho người Mông nơi này. Và hôm nay, núi nghe cả chuyện người thầy bảo mẫu Hạng A Chống đã ngày ngày ngược dốc đón các em thơ…

Trò chuyện với chúng tôi, cô Lò Thị Lả còn nói: “Lớp mà vắng thầy Chống thì sẽ rất khó khăn. Thầy Chống nói tiếng Mông, hát tiếng Mông và vỗ về trẻ cũng bằng tiếng Mông. Chăm ăn, lo ngủ cho các cháu, thầy Chống rất tận tình”.