“Sống treo” giữa công trình nghìn tỷ

Từng được kỳ vọng là công trình làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp Đắk Lắk, nhưng dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng sau 10 năm với hơn 4.400 tỷ đồng đầu tư vẫn dở dang. Những tắc trách, thậm chí có dấu hiệu vi phạm khiến không chỉ tiến độ dự án sa lầy, mà còn đẩy cuộc sống người dân vào cảnh khó khăn. 

Người dân ứa nước mắt gặt lúa trong nước lũ.
Người dân ứa nước mắt gặt lúa trong nước lũ.

Kỳ 1: Phập phồng âu lo lũ dữ

Ngụp lặn trong nước lũ cắt từng nắm lúa non rồi bỏ vào bao, bà con thôn 10, xã Cư San, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk đang đứng trước hiện thực phải trải qua một mùa thất bát đầy ấm ức. Xót xa vì nước lũ đã cướp mất mùa thu hoạch và càng xót hơn khi nước lũ ấy xuất hiện là do hồ thủy lợi Krông Pách Thượng đắp đập, chặn dòng.

Gặt lúa non giữa dòng lũ

Một ngày tháng 8-2020, giữa lúc Tây Nguyên đang hứng đợt mưa lớn, thủy lợi Krông Pách Thượng chặn dòng, nước dâng lên trong vùng lòng hồ. Trong lúc ấy, hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu vẫn chưa được di dời. Hệ lụy của nó là nhiều diện tích cây trồng của thôn 10 đã ngập trong nước. Hầu hết bà con đều không kịp xoay xở. Lội bì bõm giữa dòng nước, nhìn ruộng lúa đã chìm trong nước hơn năm ngày, ông Sùng Seo Thề - một người dân thôn 10 chua xót: “Lúa còn non và cũng hỏng hết vì ngập mấy ngày rồi. Tiếc của thì bà con gặt vậy thôi”. 

Thông báo triển khai thủy lợi  Krông Pách Thượng đến nay đã 10 năm. Thế nhưng hơn 10 năm đó, bà con vẫn mắc kẹt ở nơi quy hoạch lòng hồ này, chưa biết bao giờ được dời đi. Toàn xã Cư San có khoảng 700 hộ dân với trên dưới 4.000 nhân khẩu nằm trong vùng lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng. Trong đợt lũ vừa qua, theo thống kê sơ bộ của các ngành chức năng huyện M’Đrắk, từ ngày 15-8 đến nay, đã có 40 ha cây trồng của các thôn 9, 10 và 11 của xã Cư San, nằm trong vùng lòng hồ Krông Pách Thượng bị nhấn chìm. Ngoài ra, 800 ha khác, dự kiến toàn bộ sẽ ngập nước trong thời gian tới. 

Hàng nghìn người dân vùng lòng hồ suốt mấy ngày cũng ở trong tình cảnh gần như bị cô lập vì nước ngập hết các đường đi. Thời điểm nước dâng, người dân phải dùng thuyền mảng tạm bợ để đi lại, trong khi ở đây hầu như không có kinh nghiệm chèo lái trước đó. Ông Hàu Seo Hòa ở thôn 11 cho hay: “Bây giờ chặn dòng thì ngập thế này, ở lại thì biết nguy hiểm tính mạng nhưng mà dự án chưa đền bù, chưa có kế hoạch di dời. Cứ thế này bà con khổ lắm”.

Ngày 17-8, nhiều người dân xã Cư San đã tập trung ở cụm đầu mối công trình (huyện Ea Kar), yêu cầu chính quyền, nhà đầu tư trả lời câu hỏi, có biện pháp bảo đảm an toàn cho dân cư. Cuộc gặp mặt giữa chính quyền hai huyện Ea Kar và M’Đrắk cùng với đại diện chủ đầu tư dự án, chủ đầu tư giải phóng mặt bằng  và đại diện người dân xã Cư San đã đưa ra ba giải pháp tạm thời, gồm: khơi thông cống dẫn dòng để hạ mực nước trong lòng hồ cho dân thu hoạch lúa, hoa màu; làm cầu tạm để người dân đi lại; và lập tổ phản ứng nhanh để ứng phó với mưa lũ. Ông Khương Văn Phong, Trưởng phòng TN&MT huyện M’Đrắk cũng cho biết, các bên liên quan đang thống kê thiệt hại để đền bù hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo ông Mai Quang Vượng, Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8, Bộ NN&PTNT, đại diện chủ đầu tư dự án, các giải pháp đưa ra trong tình hình hiện nay đều chỉ là tạm thời. Rủi ro với người dân vùng lòng hồ sẽ còn khó lường hơn nữa trong thời gian tới. Khi vào cao điểm mưa lũ, lượng nước có thể lên thêm 5 - 7 m, thậm chí cả chục mét nữa. Lo lắng này chính người dân xã Cư San cũng từng hiểu rõ. “Trong vòng một, hai tháng nữa, cao điểm mùa mưa tới, nếu không xử lý được, nơi đây nhiều nguy cơ trở thành biển nước”, ông Phạm Văn Thục - một người dân thôn 11 tâm sự với phóng viên khi đang dầm mình trong nước ngày cuối tháng 8.

Bản thân ông Vượng cũng cảnh báo đợt lũ giữa tháng 8 vừa qua chỉ là sự khởi đầu “nhẹ nhàng”, “Nếu mà mưa lũ bất thường, lúc bấy giờ chỉ có trời cứu”.

Điều đáng nói là ngay từ đầu tháng 3-2020, trước khi thủy lợi Krông Pách Thượng chuẩn bị chặn dòng, bà con ở vùng lòng hồ đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền các cấp về việc phải giải quyết một số vấn đề cấp bách trong khi chờ đền bù, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, những nguyện vọng, kiến nghị của bà con gửi đến các cấp chính quyền không hiểu vì lẽ gì không được giải quyết kịp thời. “Chúng tôi đã làm đơn đề nghị bảo đảm tính mạng, tài sản trước khi chặn dòng nhưng họ không nghe, cứ thế chặn dòng, đẩy dân chúng tôi vào chỗ nguy hiểm” - ông Thào Seo Pao, thôn 11, xã Cư San, huyện M’Đrắk gay gắt.

Vì sao dự án chậm trễ

Dự án thủy lợi Krông Pách Thượng thuộc dự án nhóm A, với nguồn vốn ban đầu là gần 3.000 tỷ đồng, thực hiện bằng vốn Trái phiếu Chính phủ, phê duyệt năm 2009 và kế hoạch hoàn thành vào năm 2015. Do tiến độ quá chậm trễ, đến năm 2018 dự án bị đội vốn lên hơn 4.400 tỷ đồng. Dự án được chia làm hai hợp phần: phần đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư do UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định và chịu trách nhiệm; phần xây lắp do Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8, Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư. Toàn bộ phần chênh lệch hơn 1.400 tỷ đồng đều dành cho đền bù, giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng mặt bằng còn thuận lợi hơn khi Chính phủ phê duyệt một khung chính sách riêng cho dự án. 

Trước tình hình “giậm chân tại chỗ” của thủy lợi Krông Pách Thượng, Bộ NN&PTNT cũng đã có nhiều cuộc làm việc với tỉnh Đắk Lắk và thống nhất dự án phải hoàn thành vào năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội. Ngày 9-3-2020, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt kế hoạch chặn dòng, thi công vượt lũ công trình đập chính của dự án, yêu cầu phải giải phóng mặt bằng trước khi chặn dòng để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân. Ngay sau đó, ngày 16-3-2020, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành Kế hoạch 2156/KH-UBND triển khai đền bù giải phóng mặt bằng để kịp tiến độ.

Thế nhưng cho đến nay, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa xử lý được một mét vuông nào trong hơn 1.100 ha dự tính giải tỏa vùng lòng hồ. Ông Mai Quang Vượng, Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8, Bộ NN&PTNT, nhận định nguyên nhân của vấn đề hiện nay là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vùng lòng hồ Krông Pách Thượng quá “đủng đỉnh”. Ông Vượng trần tình: “Bản thân chúng tôi cũng là nạn nhân của sự chậm trễ của tỉnh Đắk Lắk. Họ chậm giải tỏa thì chúng tôi chậm dự án, bị nhắc nhở, phê bình, thậm chí bị kỷ luật”. 

Ông Vượng khẳng định, Bộ NN&PTNT đã làm hết trách nhiệm khi đề xuất Quốc hội, Chính phủ phê duyệt bổ sung vốn, phê duyệt cả khung cơ chế, chính sách riêng cho đền bù, giải phóng mặt bằng dự án. Tiền đã có, cơ chế, chính sách cũng đầy đủ nhưng không thể hiểu tại sao dự án vẫn cứ chậm. “Tôi cũng đã báo cáo với Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường, không làm đền bù được là người dân sẽ có phản ứng rất lớn. Hồ sơ bàn giao thì cứ ông này đổ ông kia. Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đã cử đồng chí Trưởng ban Nội chính, Thường vụ Tỉnh ủy xuống làm việc với các huyện. Cần thiết thì phải làm việc với Công an, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh xem lý do sao mà quá chậm” - vẫn theo lời ông Mai Quang Vượng.

Đi tìm hiểu nguyên nhân, phóng viên nhận thấy quả bóng trách nhiệm vẫn chưa dừng ở một chỗ. Nhiều bất cập trong cách làm việc và thực tế địa phương. 

(Còn nữa)