Quán cơm Tùy Tâm

“Ăn tô bún, phần cơm no căng bụng mà có 2.000 đồng. Ra mấy chỗ khác chừng đó chỉ mua được ly trà đá thôi. Người nghèo như tôi chỉ mong có nhiều quán ăn như vầy để bớt đói, bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền. Có hôm chưa bán được đồng nào, cô chủ tặng luôn bữa ăn, dễ thương lắm”, thưởng thức xong tô bún bò chay nóng hổi, bà Nguyễn Thị Mai lật đật lau miệng, chào tạm biệt chủ quán, tiếp tục lang thang bán vé số giữa tiết trời chói chang.

Chị Vương Kim Long đang múc nước lèo vào phần bún bò chay cho khách.
Chị Vương Kim Long đang múc nước lèo vào phần bún bò chay cho khách.

Từ 2.000 đồng tới… tùy tâm

Ghé chợ Phú Bình, quận 11, TP Hồ Chí Minh hỏi thăm đường vào quán chay Tùy Tâm, ai cũng cười tươi, vui vẻ hướng dẫn “Quán cơm 2.000 đồng có đúng hông? Quán đó bán rẻ mà ngon lắm, người ta ăn đông và khen quá chừng. Công nhận cô chủ quán tốt bụng ghê chứ bán giá đó thì tiền đâu bù lỗ”. Quán Tùy Tâm rất nhỏ, chỉ hơn 10 m² nên có bữa đông người ghé ăn quá, cô chủ Vương Kim Long (33 tuổi) để khách ngồi luôn trên những bậc cầu thang lên tầng 1 của nhà mình. Quán mở cửa mỗi trưa thứ tư, thứ năm và thứ sáu hằng tuần, bán đủ món từ cơm thập cẩm, cơm tấm đến bún riêu, bún bò, hủ tíu chay, món nào cũng tươi ngon với giá niêm yết 2.000 đồng. 

Cũng như bà Mai, cả năm nay, tuần nào bà Diệp Ngọc Đệ (74 tuổi) cũng dùng bữa trưa tại quán Tùy Tâm theo lịch. Bà thuộc thực đơn thay đổi theo ngày và biết rõ trong mỗi suất có những gì. Bà Đệ ăn chậm do răng yếu, nay thêm cái này, mai bớt cái kia, vậy mà chưa khi nào thấy cô chủ nhăn nhó, khó chịu. Có bữa thấy bà tính bỏ thêm tiền vào thùng Tùy Tâm, chị Long liền can, lắc đầu lia lịa. “Cô Long tốt bụng lắm, chỉ để tôi bỏ chút xíu tiền cho có lệ thôi. Quán bán món nào cũng ngon. Hồi trước chưa có chỗ này, trưa nào tôi cũng phải đội nắng về nhà ăn cơm nguội chứ đâu dám ăn ngoài, tốn kém lắm. Bữa kia đang đi bán thì cô Long mời vào ăn, rồi trở thành khách ở đây tới bây giờ không sót ngày nào. Bán vé số cả ngày đâu được bao nhiêu, có chỗ ăn vừa ngon, vừa rẻ, vừa vui vẻ như vậy thì mừng lắm”, bà Đệ xúc động cho hay.

Nhà cách quán vài trăm mét, mỗi tuần cứ đợi đến thứ tư, bà Tuệ Lan (79 tuổi) lại ghé Tùy Tâm ăn trưa. Với người ăn chay trường như bà, Tùy Tâm trở thành địa chỉ quen thuộc hơn một năm nay. Vì quán luôn đông nên mọi lần bà Lan đều tranh thủ ghé trước giờ mở cửa 15 - 20 phút để trò chuyện với cô chủ quán. Hôm nay nhà có việc bận, bà ghé trễ. Vừa thấy bà Lan từ xa bước tới, chị Long đon đả chào: “Nay sao cô tới trễ vậy cô? Bộ bận gì hả cô? Ngồi xuống ghế đi con múc bún bò ăn liền cho nóng nhen. Ngày mai cô ghé ăn bún riêu, món cô thích đó”. Nghe tới bún riêu chay, bà Lan cười tươi: “Nay ăn, mai ăn, kia cũng ăn nha, quán cô Long bán món nào cũng ngon nên đâu muốn ăn chỗ nào nữa. Đã vậy còn có 2.000 đồng. Bán rẻ, khách đông, một mình làm đủ chuyện nhưng lúc nào cô Long cũng vui vẻ, chưa thấy cáu gắt với ai bao giờ”.

Thực khách ghé quán đa dạng, nhưng nhiều nhất là mấy cô, chú bán vé số, thu mua ve chai, chạy xe ôm hay học sinh, sinh viên. Quán chỉ kê vài chiếc bàn nhựa phía trước kèm mấy chồng ghế, bán từ 11 giờ 30 phút đến hơn 14 giờ là hết gần 150 suất. Khách ăn xong tự thu dọn chén tô đem vào thau rồi dọn ghế, đi về, nhường chỗ cho người khác. Phía trong quán, chị Long đặt chiếc thùng mầu trắng có chữ Tùy Tâm để mọi người ăn xong tự bỏ tiền vào. Người 2.000 đồng, người 5.000 đồng, có người bỏ mấy chục nghìn đồng sau khi hoàn tất bữa ăn. Khách rời quán kèm lời cảm ơn. Lúc đó, bận mấy chị Long cũng ngưng tay, mỉm cười, gật đầu chào khách. 

Từ khi mở quán đến nay, mỗi ngày của chị Long đều bắt đầu từ 5 giờ sáng. Chị tự tay đi chợ, sơ chế rau củ, nấu nướng, phục vụ khách và dọn dẹp. Chị không kêu gọi mọi người vì muốn tự tay làm những điều ý nghĩa theo cách riêng: âm thầm cho đi. Bán rau gần đó, thấy chị Long luôn tay, luôn chân vẫn không kịp, sợ khách đợi lâu đói bụng, chị Hằng nhanh chân vào phụ. Thi thoảng bị khách mua rau réo, chị Hằng cười giòn tan, nói với ra “Đợi chút nha, phụ nhỏ em cột bịch bún xong ra liền. Ưng gì lựa sẵn đi ra tính tiền cho nhanh nha”. Khi lặt rau, lúc trụng bún, bưng phụ chén dĩa, việc nào chị Hằng cũng làm. Chị nói, buôn bán sát bên coi như chị em trong nhà, thấy chị Long làm việc tốt đâu thể ngồi nhìn, phải phụ một tay. Không có tiền thì giúp sức, miễn sao nhiều người có được bữa cơm ngon giá rẻ là vui.

Quán cơm Tùy Tâm -0
 Bữa trưa ngon miệng của các chị bán ve chai tại quán cơm Tùy Tâm.

Cho đi để nhận lại

Nhớ lại hơn 10 năm trước, khi chăm mẹ chồng bị ung thư tại bệnh viện, ngày nào chị Long cũng xếp hàng đợi nhận cơm/cháo từ thiện. “Chi phí chữa bệnh cao lắm nên tôi muốn tiết kiệm tối đa để dành tiền điều trị cho mẹ chồng. Lúc trong viện, nhìn cách nhiều người làm từ thiện, tôi rất xúc động. Rồi mẹ được về nhà, khỏe dần, lúc đó tôi ước gì có tiền làm thiện nguyện, nấu cơm tặng bệnh nhân nghèo, người khó khăn hay trẻ mồ côi. Đầu năm 2020, tôi bàn với chồng bỏ ra một khoản tiền mở quán chay này và anh ấy đồng ý. Tôi không giàu có, chỉ đủ sống nhưng tôi muốn làm gì đó giúp những người khổ hơn mình. Mình còn có nhà để ở, có cơm để ăn, nhiều người khổ lắm, miệt mài từ sáng đến tối cũng chưa có bữa cơm ngon”, chị Long chia sẻ. 

Ban đầu mỗi ngày quán Tùy Tâm bán tối đa 100 suất cơm 2.000 đồng, sau đó cứ vậy tăng dần. Mở quán hơn một năm thì phân nửa thời gian trúng các đợt dịch Covid-19, chị chuyển sang tặng mỗi ngày 200 suất cơm chay để bà con khó khăn bước qua giai đoạn chật vật. Khách ghé ăn xong khen ngon, nhiều người mấy hôm sau quay lại mang theo dầu gạo, mắm muối hay ít chi phí chung tay làm điều tốt. Các phần gạo và tiền quyên góp, chị Long cùng anh em trong nhà nấu thêm cơm, mỗi tháng hai lần vào phát tặng bệnh nhân khó khăn tại một bệnh viện ở quận 8. Hai năm nay, mỗi tháng hai lần chị còn ghé một mái ấm tại quận Gò Vấp nấu cơm, vui chơi cùng các em nhỏ nơi đây. Mỗi tháng, vợ chồng chị Long rút tiền túi khoảng 20 triệu đồng để duy trì quán cơm và các chương trình nấu suất ăn thiện nguyện. Nhiều người nói chị khùng, suốt ngày lo chuyện bao đồng trong khi cả nhà đang sống trong một không gian chật chội, chẳng khá giả gì. Chị chẳng đôi co hay giải thích, miễn sao giúp được nhiều người chật vật hơn mình là được.

Từ ngày mở quán, niềm vui của chị Long đơn giản lắm. Đó là chiếc bụng no của người nghèo, là nụ cười móm mém của ông cụ bán vé số, ánh mắt bớt âu lo của mấy chị, mấy cô bán vé số, ve chai. Chị Long âm thầm làm mọi việc một mình, ít khi mở miệng nhờ ai nhưng bạn bè rồi nhiều người biết muốn đến phụ thêm chi phí lan tỏa chương trình. Như bữa trưa nay, chị Lương Ngọc Thu chạy xe từ quận 6 qua dúi vào tay bà chủ quán Tùy Tâm hai triệu đồng kèm theo lời nhắn “Nhờ em nấu tặng bà con một bữa ăn đủ đầy giúp chị nha”. Cầm số tiền chị Thu đưa, mắt chị Long rơm rớm. Đâu phải chỉ bữa nay, mấy tháng rồi thi thoảng chị Thu lại đưa vài trăm để chị Long mua thêm nấm, thêm bún. Hôm nào rảnh, chị Thu chạy qua phụ bưng bê, dọn dẹp. “Long còn trẻ nhưng làm được nhiều việc hay khiến tôi thấy xúc động. Tôi không đủ sức làm được như Long nên phụ ít tiền hỗ trợ để bạn ấy tiếp tục lo cho bà con nghèo. Cô bé này ham việc lắm, có hôm đói run tay vậy mà tôi nói ngưng lại ăn tạm gì đó, Long nhất định không chịu, sợ bà con chờ lâu, đói bụng mệt người. Vô tình biết nhau qua thông tin trên mạng giờ thành người thương, bạn bè, quý mến nhau lắm”, chị Thu cười tươi, nắm tay chủ quán động viên. 

“Cảm ơn cô chủ nha! Quá trời ngon. Mai tôi rủ bạn ghé ăn”. Mỗi khi khách ăn xong dù bụng mình đang rỗng, dù mồ hôi ướt trán, chị Long vẫn thấy lòng nhẹ nhàng, lâng lâng niềm vui. Ngước lên phía cầu thang, nơi có mẹ chồng đang ngồi nhìn mình mỉm cười, chị Long nheo mắt, nhắc khéo “Mẹ ở trên đó nha, không cần phụ gì đâu, chút con làm một lèo là xong. Người yếu lắm, mấy cái này con khỏe với quen việc làm được hết, đừng lo cho con. Chút xong việc con ăn cơm xong, mẹ nghỉ ngơi đi”. Nghe cuộc trò chuyện ngắn, khách ngồi tại quán, lạ có, quen có đều mỉm cười. Họ thấy lòng ấm áp dù ngoài kia nhịp đời vẫn xôn xao.