Phòng và giảm thiệt hại bão lũ: Những kinh nghiệm xương máu

Những đợt mưa lũ vừa qua đã thể hiện sắc nét vai trò của các lực lượng vũ trang, cán bộ địa phương, cơ sở: sẵn sàng chủ động cứu trợ dân trong thiên tai, hoạn nạn. Nhưng cùng với tâm huyết, còn phải hoàn thiện những điều kiện khác về kỹ năng, kỹ thuật, phương tiện cần thiết trong cứu hộ, cứu nạn. 

Công an Hà Tĩnh đưa người đi cấp cứu trong mưa lũ.
Công an Hà Tĩnh đưa người đi cấp cứu trong mưa lũ.

Kỳ 2: Nâng cao năng lực ứng cứu, hướng dẫn

Sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn

Bất chấp các đợt mưa lũ miền trung, cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng vũ trang cùng dân quân, tự vệ nhiều địa phương đã có mặt tại những nơi hiểm nguy, đưa người già, em nhỏ, bà con nhân dân… vượt lũ đến nơi an toàn. 

Ngay trong mưa lũ, Thượng úy Phạm Duy Triết, Công an xã Thạch Đài, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh chạy băng băng theo một chiếc xe máy trong suốt hơn 2 km để giữ thăng bằng cho chiếc thuyền ở phía sau, kịp đưa ông Nguyễn Văn Toàn ở thôn Lưu Vinh (xã Thạch Đài) đi bệnh viện cấp cứu trong tình cảnh toàn bộ các tuyến đường trong xã đều ngập sâu.

Giờ đây mẹ con sản phụ Đặng Thị Thu Hà ở thôn 5, xã Cẩm Quang,  huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã mẹ tròn con vuông. Trong ngày mưa bão, lúc gia đình lo lắng tột cùng thì lực lượng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an Hà Tĩnh đã có mặt kịp thời, đưa mẹ con sản phụ đến Bệnh viện đa khoa Cẩm Xuyên. Các chiến sĩ còn kịp đưa nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn đặc biệt đến nơi an toàn. Trong đó có ông Hồ Văn Lân (87 tuổi), bị tai biến, nằm một chỗ 13 năm nay; hay bà Nguyễn Thị Vắng (83 tuổi), đi lại khó khăn do thay xương khớp háng; hai cháu bé ba và năm tuổi, tại số nhà 5 ngõ 29 đường Hà Huy Tập, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh, cùng nhiều trường hợp khác... Ngay lúc đỉnh lũ lên cao, nước chảy xiết, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã kịp thời cứu tám người, trong đó có bốn em nhỏ có nguy cơ bị lũ cuốn trôi ở thôn Nam Bắc Thành, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên)…

Đó chỉ là vài thí dụ trong rất nhiều nỗ lực cứu dân, giúp đỡ đồng bào của các lực lượng chức năng. Như ở Quảng Bình, rạng sáng 19-10, xe khách mang BKS 43B-02454 từ Đà Nẵng đi Nam Định khi qua thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch), bị lũ cuốn trôi gần 100 m, trên xe có 18 người, trong đó có nhiều trẻ em. Lực lượng của Sở GTVT tỉnh, Công an tỉnh đã nhanh chóng có mặt, ứng cứu thành công trong điều kiện nước xiết, trời chưa sáng. Cuộc ứng cứu kịp thời đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sáng 24-10, tại buổi làm việc với năm tỉnh miền trung về khắc phục hậu quả mưa lũ.

Để hoàn thiện hơn

Tuy nhiên, qua thực tế, vẫn còn những vấn đề mà các đơn vị cần hoàn thiện hơn. Sau bão số 9, trao đổi với Phòng PCCC và CNCH (Công an Hà Tĩnh), được biết đội ngũ cán bộ, chiến sĩ được đào tạo bài bản, chính quy công tác CNCH, nhưng phương tiện cứu hộ lại chưa tương xứng khi cả đơn vị chỉ có ba chiếc xuồng cứu hộ bằng cao-su. Thật nguy hiểm nếu đi cứu hộ trong mưa lũ mà phải luồn lách vào những nơi có nhiều vật nhọn ở tường rào, công trình, nhà cửa… và những vật sắc nhọn trôi ngầm dưới nước lũ. Đây là đơn vị cứu hộ chuyên nghiệp của tỉnh, cũng như các địa phương khác, cần sớm được trang bị các loại xuồng vỏ nhôm cứu hộ hiện đại. 

Qua những tình thế ngặt nghèo do mưa bão, lại càng thấy: các đơn vị cứu hộ chuyên nghiệp cần nắm thông tin cứu hộ đa chiều, trong đó có mạng xã hội. Tại xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương (Nghệ An), lũ về đột ngột khiến nhiều nhà dân ngập đến mái. Hình ảnh được người dân đưa lên mạng xã hội, ngay lập tức các đội xuồng cứu hộ thiện nguyện của TP Vinh và Hà Nội lên đường, cứu thành công nhiều người ra khỏi vùng nguy hiểm. 

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cũng cần cân đối lực lượng điều khiển phương tiện cứu hộ. Nếu thiếu, cần tổ chức gửi đi đào tạo. Một thí dụ, có Ban Chỉ huy Quân sự huyện được trang bị năm xuồng cứu hộ nhưng chỉ có tám đồng chí được đào tạo và có chứng chỉ lái xuồng cứu hộ. Nên đã có đồng chí một mình một xuồng lái liên tục nhiều giờ đồng hồ để giúp dân vì không có người thay thế.

Dọn dẹp sau mưa lũ cũng là điều đáng bàn. Người dân nhiều địa bàn nói chung rất phấn khởi vì nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện máy móc đã về giúp tổng vệ sinh, xử lý môi trường. Tại trường mầm mon xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên), bộ đội biên phòng còn dùng máy bơm công suất lớn và vòi rồng phun đẩy bùn non ra khỏi phòng học và sân trường. Dọn sạch đến đâu, quân y phun khử trùng đến đó. Trong khi đó, nhiều đơn vị chủ lực khi xuống cơ sở, quân số đông, nhưng dụng cụ đơn giản nên công tác khắc phục thường chậm và kéo dài. Và thường phải mượn máy bơm cùng một số dụng cụ khác để tổng vệ sinh. Các đơn vị cần được trang bị máy bơm công suất lớn và một số dụng cụ chuyên dùng khác để giúp công tác xử lý môi trường được thuận lợi, nhanh chóng.

Nhìn rộng hơn, có thể thấy năng lực và khả năng ứng phó trong hoạt động của lực lượng CNCH còn hạn chế. Tại tỉnh Quảng Bình, có những thời điểm mưa lũ đặc biệt lớn, khiến công tác CNCH gặp nhiều khó khăn do thiếu lực lượng và phương tiện thủy. Hoặc do thực hiện nhiệm vụ trong đêm giữa biển nước nên lực lượng CNCH không biết rõ vị trí cần cứu, đường đi nên vướng nhiều chướng ngại vật, nhất là hệ thống dây điện rất nguy hiểm đối với ca-nô, thuyền. Mặt khác, do ngập lụt rất sâu trên diện rộng nên lực lượng chức năng khó bao quát hết. Một thí dụ, đêm 19-10, trong lũ lớn, số lượng người kêu cứu thống thiết khiến cả tỉnh Quảng Bình mất ngủ và lo lắng. Khi huy động được thuyền nan đi biển và ngư dân hai xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc vào cứu hộ, tình hình mới được cải thiện.

Giúp ngư dân neo đậu tránh bão

Ngoài kinh nghiệm, kỹ năng của ngư dân thì việc được hướng dẫn neo đậu tàu thuyền đúng quy chuẩn kỹ thuật của cơ quan chức năng đã góp phần quan trọng giảm thiệt hại tài sản trong mưa bão. 

Phú Vang, một huyện đầm phá tại Thừa Thiên Huế có số tàu thuyền đánh bắt có máy gồm 1.156 chiếc, trong đó tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 90CV trở lên gần 300 chiếc. Mỗi mùa mưa bão, nhu cầu tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão rất lớn. Theo ngư dân Nguyễn Trung ở xã Phú Hải, trên địa bàn Thừa Thiên Huế, các khu neo đậu được đầu tư thường dành cho các tàu công suất lớn, neo đậu tập trung; đối với các khu neo đậu tự nhiên, eo vịnh thường neo đậu các ghe ghọ ven vùng đầm phá. Nếu vùng neo đậu rộng lớn, còn nhiều chỗ cho ngư dân xoay xở tàu thì nên neo đậu một mình để tránh va đập và mặt thuyền phải bám đáy nhưng không mắc cạn. Nếu vào khu neo đậu tập trung có nhiều tàu, không đủ các cọc neo cố định trên bờ thì cần neo tàu theo hướng phía lái vào bờ, thả thêm neo phía mũi tàu, dùng các lốp cao-su chêm thêm ở mạn tàu hai bên để giảm va đập khi có sóng lớn.

Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) Đặng Tiến Tùy cho biết, địa phương còn có những hướng dẫn, hỗ trợ để ngư dân thuận lợi trong neo đậu và giảm thiệt hại mùa bão. Thí dụ, với khu neo đậu tập trung như âu thuyền tại các xã Phú Hải, Phú Thuận, tối đa chỉ được neo đậu ba tàu liền nhau, giữa các tàu phải có đệm chống va đập và dây liên kết; khoảng cách giữa các nhóm ba tàu với nhau ít nhất từ 15 m trở lên (tương đương chiều rộng của hai thân tàu). Có thể liên kết mỗi nhóm tàu thành khối bằng cách dùng các thân cây gỗ dài hoặc dây chằng buộc cố định phía mũi và lái tàu. Trong điều kiện các khu neo đậu đã được thiết kế vị trí các phao bù, điểm cột neo cố định thì buộc dây neo mũi, dây neo lái vào các phao bù bảo đảm tàu neo đậu an toàn.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh hiện có các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, khu neo đậu kết hợp cảng cá như Thuận An, Tư Hiền, Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì và 55 âu thuyền nhỏ cùng vũng neo đậu tự nhiên, phục vụ neo đậu các phương tiện tàu thuyền. Các điểm neo đậu phục vụ tránh trú bão hiện nay cơ bản đáp ứng đủ cho gần 3.000 phương tiện tàu thuyền, ghe ghọ khai thác trên biển và đầm phá. Phó Chi cục trưởng Thủy sản Võ Giang cho biết, trong mùa mưa bão, đơn vị thường xuyên phối hợp bộ đội biên phòng tỉnh, UBND các huyện, các xã vùng đầm phá ven biển kiểm tra tàu thuyền, quy định về trang thiết bị bảo đảm an toàn khi ra khơi, số lượng thuyền viên đi biển, ngư trường hoạt động, phối hợp khai thác hệ thống thông tin Duyên hải Huế bảo đảm thông tin liên lạc giữa đất liền - ngoài khơi và hướng dẫn công tác neo đậu, tránh trú bão an toàn.  

(Còn nữa)

Từ năm 2016, Tổng cục Thủy sản đã ban hành hướng dẫn tàu thuyền tránh, trú, neo đậu an toàn. Cơ quan chức năng còn hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật về neo đậu và dây neo đối với tàu thuyền. “Đối với ngư dân, tàu cá là nhà, là cả một gia sản lớn. Tuân thủ những hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chức năng về neo đậu không chỉ giữ an toàn mà còn giảm thiệt hại tối đa”, ông Võ Giang nói.