Phập phồng lo mưa, ngập

Như đã thành nếp, cứ khi nào mưa lớn, vợ chồng anh Vĩnh, chị Như (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) lại nhắc nhau tìm cách né con đường 12 quen thuộc gần nhà, nơi có cây cầu nhỏ xíu bắc qua mé kênh nước đục ngầu quanh năm. Bữa nào mưa lớn quên không né thì y chang rằng hôm sau phải rồng rắn đưa xe đi thay nhớt.

Chị Giang Thị Phúc bơm nước xả ra đường.
Chị Giang Thị Phúc bơm nước xả ra đường.

Cứ mưa là nước bao vây

Chị Như nói không thể quên những ngày tháng 11-2018, trận mưa lớn lịch sử đã biến khu vực quanh nhà thành biển nước, cây cầu như bị nhấn chìm, không ai dám đi qua. Chị kể: “Đứng bên này cầu nhìn qua sợ khủng khiếp, như lũ. Nước đâu mà nhiều dữ. Qua ngày sau vẫn ngập nặng. Hồi đó nước ngập quá yên xe, dắt muốn rã tay, tự hỏi sao mà khổ dữ. Mấy giờ đồng hồ vật vã, về được tới nhà, mừng rơi nước mắt. Rồi hôm sau mua thuốc nấm nước về thoa, mua lá về xông chứ ngâm mình trong nước mưa, nước cống mấy giờ đồng hồ tay chân ngứa râm ran, người muốn sốt. Giờ tan tầm mà thấy mưa to là oải”.

Sống ở TP Hồ Chí Minh lâu năm, người dân thường nói nửa đùa, nửa thật rằng, nơi đây có hai “đặc sản” ai cũng phải nếm, đó là ngập nước và kẹt xe. Mưa to… ngập, mưa nhỏ… ngập, có khi chẳng mưa, cứ triều cường lên là ngập. Nước lênh láng, đục ngầu. Nơi cạn vài chục xăng-ti, nơi cao có khi cả mét, thấp thỏm canh, miệt mài tát nước, nhiều người chỉ biết than “Chống ngập kiểu gì mà sao càng ngày càng ngập”? Những người mà cả mấy chục năm sống cùng ngập như gia đình chị Như đã không còn là hiếm ở đây. 

Buôn bán tại đường Linh Đông, quận Thủ Đức hơn một năm nay, chưa khi nào chị Nguyễn Thị Kim Yến thấy sợ nước như hai tháng qua. Mưa to kéo dài, lớp nước này chưa kịp rút lớp nước khác đã tràn lên, như lũ. Cách đây nửa tháng, trận mưa ào ào kéo dài, đường ngập hơn nửa mét, người dân vừa nhăn mặt vừa cùng nhau xuống xe dắt bộ. “Nhưng khu này còn đỡ, bạn mình ở bên đường Tô Ngọc Vân rồi tỉnh lộ 43, nước tràn hết vô nhà trọ, kê đồ mệt nghỉ. Nước hôi tanh, sợ lạnh ít sợ ghẻ thì nhiều. Mưa kéo dài chút là ngập. Thiệt tình thấy mưa là ngán, buôn bán không xong mà đi về cũng cực. Không biết bao giờ mới thoát cảnh này?”, chị Yến thở dài. 

Khổ nhất vẫn là người dân sống tại các khu nhà trọ giá rẻ, xuống cấp ở khu vực vùng ven, vùng trũng. Mưa lớn kéo dài có khi phải đi kiếm nhà nghỉ tá túc mấy ngày vì cả phòng trọ biến thành “hồ bơi” chỗ đâu mà nấu nướng, nghỉ ngơi, sinh hoạt. “Mình nhớ như in trận mưa lớn khủng khiếp cách đây hai năm, cả khu trọ mình ngập sâu, nước từ đường tràn hết vào các phòng, xoong chảo, giày dép, ghế nhựa, rổ rá và rất nhiều rác nổi lềnh bềnh. Ngập hơn nửa người luôn mà. Nhiều nhà không có tiền, dọn hết lên gác xép ở, ăn mì tôm mấy bữa liền. Hai vợ chồng mình với đứa con mấy tháng dắt nhau vào nhà nghỉ sống ba ngày, ngán nhất là khâu dọn dẹp bãi chiến trường. Mùi ẩm mốc, mùi rác, mùi thực phẩm hư, kinh khủng lắm”, chị Ngọc, một công nhân sống trọ gần Khu dân cư Hồng Long, quận Thủ Đức ngán ngẩm.

Nếu như ngày trước quận 4, quận 7, quận Thủ Đức, huyện Nhà Bè, Bình Chánh thường được nhắc đến mỗi lúc ngập nặng, triều lên đỉnh điểm thì giờ đây danh sách đó được nối dài với nhiều vị trí ngập mới ở quận 2, quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn. Gia đình chị Khuyến sống ở quận 2, cứ ngày nào nghe dự báo mưa kèm triều cường cao là xin nghỉ làm về sớm canh nhà cửa để kịp thời… tát nước. Chị nói, có khi mưa lớn muốn ngập yên xe, đi bộ về mà sợ lọt cống, lạnh tê tái. Nhìn chung quanh, ô-tô, xe máy “bơi” trong nước đến hãi hùng: “Những lúc như vậy chỉ muốn bỏ Sài Gòn về quê sống nhưng hết ngập lại quên. Giờ nghe mưa là chuẩn bị sẵn tinh thần sống chung với ngập. Ngập sâu, rút lâu, muỗi mòng cũng ngày càng nhiều. Đợt rồi cả nhà mình bị sốt xuất huyết luôn. Chỉ mong sớm hết ngập chứ vầy hoài nhà cửa mục hết, đồ đạc cũng hư hại nhiều, tội dân”.

Phập phồng lo mưa, ngập -0
Dù đã hết mưa nhưng nhiều tuyến đường vẫn còn ngập sâu. 

Học cách sống trên nước

Đi ủng phơi quần áo, kê đồ đạc lên cao, bơi xuồng khi ngập nặng, dùng mạt cưa giảm ẩm mốc, mua cát be bờ, xây thêm kè gạch trước nhà, sắm máy bơm xả nước… là cách mà nhiều người dân sống trong khu vực thường xuyên bị ngập nặng tại TP Hồ Chí Minh hay truyền tai nhau. Quen với tình trạng ngập tới nỗi nhiều bạn nhậu còn rủ nhau bắc ghế nhựa cụng vài ly đế mặc nước ướt quá gối, cười khà khà nói rổn rảng: “Không vui sống thì biết làm gì?”. Nghe vừa thương vừa xót. Có người rủ nhau đi câu cá ngay mé đường. Mà có cá thiệt, cá rô to nhỏ đủ loại, lâu lâu dính con diêu hồng, mừng rơn. Đủ kiểu giải sầu để quên đi nỗi lo ngập nước xuất hiện giữa thành phố hiện đại này. 

Vừa từ Bình Thuận theo chồng vào xóm trọ tại ấp 3, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn ở chưa lâu, chị Phạm Thị Loan phải ẵm con sang nhà trọ gần kề ở nhờ hơn tuần lễ. Những đợt mưa lớn kéo dài từ đầu tháng 9 đến giờ khiến khu vực chị ở trọ ngập lênh láng, cống chẳng giúp nước rút bớt mà còn trào thêm ra, nước đậm mầu, oi nồng đến khó chịu. Căn nhà trọ mà gia đình chồng chị thuê trong xóm cả tuần rồi nước ngập hết, may mà gian bếp xây cao hơn sàn gần 50 cm nên ba mẹ chồng chị Loan ở tạm được. “Nhưng bếp nhỏ xíu vợ chồng tôi và con nhỏ đâu đủ chỗ ngủ nên phải đi ở nhờ, rất mệt mỏi. Khu này sát bên nhưng người ta xây cao hơn chỗ gia đình tôi thuê gần 60 cm nên cũng đỡ. Đó, mấy nay mà nước vẫn chưa rút hết, đi phơi quần áo trước sân mà phải mang ủng để da dẻ khỏi hư là hiểu cực cỡ nào rồi”, chỉ tay về phía đoạn đường ngập nước trước hiên xóm trọ, chị Loan nói giọng buồn buồn. Ngồi sát đó, mẹ chồng chị cùng mấy công nhân trong xóm trọ phụ nhau làm sạch mớ cá rô vừa lưới được sau cơn mưa lớn để làm khô, chia nhau ăn. Kéo cao ống quần, để lộ ra hai bàn chân mẩn đỏ, một chị công nhân nói “Ngó chân tui nè, ngập nước riết mà ngứa không dám gãi luôn”.

Mấy đợt mưa lớn kéo dài, cống không rút kịp, nước tràn vào nhà cách đây đã gần hai tuần, vậy mà đến giờ khi đi ngủ vợ chồng chị Giang Thị Phúc ở xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn vẫn giật mình. Phía trước nhà, anh Hiếu - chồng chị Phúc - làm một bờ kè cao hơn 40 cm, cạnh đó đặt sẵn máy bơm bắt ống nhựa to bơm nước ra mặt hẻm lổm chổm đất đá. Cách khoảng sân nhỏ rồi đến phòng khách cũng đã được nâng cao, chị Phúc và con gái ngồi co chân trên bộ bàn ghế gỗ, ăn cơm trưa. “Càng ngày càng ngập nặng, có hôm mưa to quá vợ chồng tôi phải đặt đồng hồ báo thức cứ hơn một giờ dậy bơm nước trong sân xả ra lộ một lần. Có lần buồn ngủ quá không dậy nổi, trễ 15 phút mà nước tràn luôn vào nhà, may mà xử lý kịp. Mấy nay ngớt mưa nhưng không dám đập bờ kè, sợ mưa lại nước lên xử lý không kịp. Hồi trước đâu ngập dữ vậy, giờ nghe tiếng mưa là sợ, là lo đủ chuyện”, chị Phúc vừa quét sân vừa nói với ra. 

Ở sát bên, hơn chục ngày nay nhà anh Lê Thúc Quý cũng cùng chung cảnh… ngập. Về Hóc Môn sống đã hơn 10 năm, đây là lần ngập sâu và lâu nhất anh Quý chứng kiến. Đợt rồi khi sửa nhà, anh bỏ tiền nâng nền, lên sân, vậy mà làm xong, ngập vẫn hoàn ngập. Phía cổng có kè xây bằng mấy hàng gạch nung, trước cửa nhà vệ sinh trong bếp cũng có hai hàng gạch chấn ngang, xe máy phải để ngoài, không dắt vào được. Vừa đạp máy may vừa nhìn ra khoảnh sân nhỏ còn ẩm nước, vợ anh Quý nói vui mới hôm qua sân nhà chị thành ao cá. Cá từ đồng ruộng gần đó tràn qua, con be bé tầm ba bốn ngón tay, bơi tung tăng. Anh Quý cười như mếu, tay xếp thêm gạch, trét thêm hồ để làm bệ đỡ mới cho máy bơm. Phía dưới chân anh, nước vẫn ngập, chưa kịp rút sau cơn mưa chiều qua. Anh Quý cho biết, cái máy bơm phải nâng cao lên mấy tấc, không thì nước ngập hư hết: “Cứ tưởng nâng sân là yên, ai dè vẫn phải sống chung với ngập. Giờ mình cứ phòng thủ thôi chứ đêm hôm mưa to nước tràn vào nhà thì mệt lắm. Mà bên đây còn đỡ nha, xóm bên kia còn ngập nặng hơn, khổ đủ đường!”.

Khổ đủ đường, làm đủ hướng cũng chỉ để sống chung với ngập dù đã quá ngán ngẩm. Cứ nghe có công trình, dự án chống ngập, người dân “vùng ngập” lại hy vọng rồi tiếp tục thở dài quay về nhà để kịp tát nước khi triều dâng, mưa lớn. Họ mong ai đó trả lời giúp mình một câu: Bao giờ hết ngập?