Pa Ít, mênh mang những nỗi niềm

Ngay cả khi chúng tôi đã có mặt ở Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mường Chà (Điện Biên) như lời hẹn đi vào bản Pa Ít, xã Huổi Mí, anh Lương Hậu Tân, Giám đốc TTYT huyện, vẫn nói như bàn chùn để chúng tôi đừng đi. Hiểu điều anh nói là bởi vì lo lắng, nhưng chúng tôi đã quyết đi rồi nên người nào người ấy đều hăm hở lên đường…

Ở bản Pa Ít, có nhiều người đàn bà cảnh mẹ góa con côi bởi ma túy, HIV tràn về.
Ở bản Pa Ít, có nhiều người đàn bà cảnh mẹ góa con côi bởi ma túy, HIV tràn về.

1. Dặn mọi người phải buộc đồ chắc chắn, người ngồi sau phải vịn chặt người cầm lái và dặn người cầm lái phải nhớ chờ người sau để khỏi lạc đường, Phạm Xuân Linh - chàng thanh niên được Giám đốc TTYT huyện tin tưởng giao nhiệm vụ dẫn đoàn, còn nhắc thêm: “Trông vậy chứ đường trên núi dễ bị lạc lắm đấy! Khi lạc rồi không có người để hỏi đường đâu”! Nói rồi, Linh nhoẻn miệng cười khiến người nào người ấy trong đoàn nghĩ Linh đùa, nào ngờ mới hết hai con dốc ở đầu thị trấn thì lối mòn đã chia ba. Đường về bản không biển chỉ dẫn, đường nào cũng dốc ngược mà chỉ vừa đủ một bánh ô-tô. Nhìn con đường bên vực sâu hun hút, tôi đã bắt đầu thấy sợ và chỉ muốn… quay về. Như “đọc” được lo lắng trong tôi, Linh chủ động trấn an: Chị yên tâm, đường này tháng nào em chẳng đi, ít là một chuyến mà nhiều thì mỗi tuần một lần. Việc của chị là ngồi chắc, còn việc đường cứ để em lo!

Thế rồi từ lúc ấy Linh lại phải kiêm thêm trọng trách người dẫn chuyện để chúng tôi bớt lo lắng chặng đường khó. Hỏi chúng tôi sao phải vào Pa Ít xa xôi, cách trở và bản ấy lại xác xơ nghèo, song Linh cũng chẳng chờ nghe ai trả lời mà lại thủng thẳng kể cái khó ở Pa Ít. Là bản nghèo nhất xã nghèo của huyện Mường Chà, Pa Ít cũng là bản nhiều năm liền “soán ngôi” về số người nhiễm HIV/AIDS với lũy tích 36 người nhiễm trong khi cả xã Huổi Mí có 46 người. Cao điểm nhất là năm 2012, cơ quan chức năng phát hiện 10 cặp vợ chồng nhiễm HIV/AIDS, với nguyên nhân chung đều bắt đầu từ các ông chồng nghiện ma túy đã dùng chung bơm kim tiêm rồi sau đó truyền bệnh sang vợ; nhiều gia đình mẹ mang thai truyền bệnh sang con nhưng người ta chẳng mảy may lo lắng! Và ngay cả khi Pa Ít có người tử vong vì HIV/AIDS thì rất nhiều người trong bản vẫn không hiểu HIV/AIDS là gì! Có người còn nói “ma không cho ở ma bắt người” trong khi cùng lúc ấy tại nhà Trưởng bản, cán bộ y tế đang tuyên truyền các biện pháp kiềm chế sự phát triển, phòng tránh lây nhiễm HIV…!

Cũng phần vì không hiểu sự nguy hiểm của căn bệnh thế kỷ mang tên gọi HIV nên người dân bản Pa Ít thờ ơ, xem nhẹ. Chẳng nói đâu xa, ngay trường hợp y tá bản L.T.M khiến cán bộ y tế không khỏi đau đầu. Chồng M - một người nghiện ma túy, nhiễm HIV và chết đã nhiều năm, vậy nhưng lần nào cán bộ y tế xã, trung tâm y tế huyện vào vận động xét nghiệm M cũng từ chối. Chỉ đến khi bệnh lao phát nặng làm M nằm liệt còn da bọc xương thì M mới chịu về TTYT huyện để bác sĩ điều trị và uống thuốc ARV. Vậy mà chẳng lâu sau khi sức khỏe hồi phục, M trở về Pa Ít sống như thói quen cũ, lại quan hệ tình dục với nhiều người và bỏ luôn cả thuốc ARV. Ở Pa Ít, số người biết mình nhiễm HIV và bỏ điều trị như M nhiều lắm, vậy cho nên trong số 28 người nhiễm HIV còn sống hiện chỉ có năm người theo điều trị. Thực trạng này khiến công tác can thiệp, giảm lây nhiễm HIV ở Pa Ít vốn đã rất khó lại ngày càng khó hơn.

2. Trưa muộn đoàn chúng tôi mới đến bản Pa Ít. Ngay ngôi nhà đầu bản tôi đã thấy mấy người đàn bà ở trần và ngậm tẩu. Người nào người ấy gầy gò, đen đúa như cái mầu bồ hóng lâu ngày trên gác bếp củi ngày xưa. Ánh mắt họ trĩu nặng, thờ ơ. Ở khoảnh đất trống giữa bản có hơn chục trẻ đang mải mê chơi đùa. Mặt mũi đứa nào cũng lấm lem bùn đất và trong số ấy nhiều trẻ vẫn mình trần từ đầu tới chân.

Đưa chúng tôi ghé thăm mấy gia đình trong bản, cán bộ mặt trận bản Pa Ít Thào Văn Việt sơ lược vài nét: Bản có 55 hộ với 301 nhân khẩu đều là người dân tộc Khơ Mú; 100% số hộ làm nương và thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Cả bản có hơn chục nhà dựng sàn, mái lợp tôn vì trước đó họ được nhà máy thủy điện đền bù đất nương; còn lại hầu hết là nhà lợp gianh, tạm bợ, xiêu vẹo. Trên đường đến nhà bà Quàng Thị Thơi, Thào Văn Việt chỉ tay về mấy ngôi nhà và nói: Đây nhà bà Chơ, kia nhà bà Von. Chồng họ đi làm thuê ở xa rồi chết, nhà chỉ còn mẹ góa với mấy người con. Bé thì đi học, lớn hơn đi làm thuê dưới Hà Nội, Đà Nẵng. Nhà nào cũng cảnh hộ khẩu nhiều tên mà lại neo người.

Cúi gập người để vào trong ngôi nhà của bà Quàng Thị Thơi nhưng rồi tôi lại phải lùi ra vì khoảng trống trong nhà chỉ vừa ba người đứng. Thấy vậy, cô giáo cắm bản Quàng Thị Vui liền bước ra nhường chỗ để tôi vào. Chỉ tay xuống nền đất ra hiệu mời khách ngồi song bà Quàng Thị Thơi chẳng buồn nhìn xem khách ngồi hay đứng. Đáp lời Thào Văn Việt, bà Thơi nói nhát gừng rồi sắp củi vào cái bếp kiềng nguội tanh. Quay sang chúng tôi, Thào Văn Việt phiên dịch: “Chồng bà Thơi chết cuối năm ngoái, nhà có ba con nhỏ đều đi học trường trung tâm xã. Bà Thơi mới đi cuốc nương về, chưa được ăn gì!”. Nhìn người đàn bà với tròng mắt sâu hoắm, nước da xam xám, chúng tôi phần nào thấy ái ngại nên chẳng hỏi gì thêm.

Rời nhà bà Thơi, chúng tôi cùng Việt đến ngôi nhà cuối bản cũng lợp gianh nằm chênh vênh bên mép vực. Tuy rộng hơn nhà bà Thơi song trong nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá… chục nghìn đồng. Ở góc nhà có mấy cái nồi méo mó, mấy cái bát sứt mẻ và một lọ nhựa đựng muối cũng trống không. Chủ nhà là ông Quàng Văn Đôn có tới bảy người con cả trai và gái nhưng bây giờ chỉ còn bốn, vì mấy người kia “theo ma túy đi rồi”. Hỏi chuyện ông hiện ở với ai, làm gì thì chúng tôi chỉ được thấy cái lắc đầu. Gần gũi với ông nhất là con gái út Cháng Thị Ngân có chồng là Chớ A Páo, nhưng cô Ngân chẳng thể làm gì đỡ đần cha mẹ già. Nhà có tám miệng ăn mà chồng lại nghiện ma túy nên vợ chồng Ngân thuộc diện đói nghèo bậc nhất trong bản này. Túp lều của vợ chồng Ngân còn không bằng cái chuồng trâu nhà khác.

Nghe chúng tôi hỏi chuyện con cái, ông Đôn buồn bã nói: Hư lắm. Bảo không nghe, chết hết rồi! Và như cũng bị ám ảnh bởi “con ma” vô hình ấy, ông Đôn kể chuyện bản Pa Ít ngày xưa. Cái ngày bản mới lập còn ở sát mép suối đến bây giờ đã hơn 30 năm với ba lần chuyển lên mà sao vẫn không yên? “Có con ma làm người trong bản chết nhiều quá. Thanh niên hư cũng nhiều, cứ đi đâu đi đâu rồi về ốm chết!” - ông Đôn nói với chúng tôi mà như tự hỏi mình. Bởi cũng như bao người trong bản Pa Ít, đến tận bây giờ ông Đôn vẫn như chẳng hiểu gì về căn bệnh HIV/AIDS đã tràn về “làm mưa làm gió” ở bản này suốt hơn chục năm qua, chứ đâu phải cái “con ma” nào ấy!

3. Cung cấp thêm thông tin về tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS của bản Pa Ít, anh Lương Hậu Tân, Giám đốc TTYT huyện Mường Chà còn cho chúng tôi biết thêm chuyện về Pa Ít những năm qua. Như điều anh Tân nói thì Pa Ít hôm nay đã tiến bộ hơn mấy năm trước rất nhiều rồi. Chẳng phải xa xưa, mới 5 năm trước (năm 2015) cả bản Pa Ít chỉ có vài gia đình làm nhà bằng cách chôn cột lợp gianh, còn lại mỗi gia đình ở trong một cái hố sâu chừng 1,5 m và rộng thì tùy… sức đào. Trên miệng hố người ta gác vài cành cây rồi lợp gianh để che nắng, che mưa… Nhà nhiều người họ đào hố rộng, ít người hố bé hơn, nhưng cũng có nhà hơn chục người ở trong một hố gần chục mét. Ăn và ngủ, sinh hoạt đều trong hố. “Lần đầu vào trong bản ấy, mình phải nhờ các thầy, cô giáo đưa đến từng hố để tìm người, vì bà con trốn biệt trong ấy. Chỉ giáo viên ở bản mới biết gia đình nào ở trong hố nào!” - anh Tân nhớ lại!

Hỏi thêm anh Tân về các giải pháp kiềm chế số người lây nhiễm HIV, giải pháp giúp người Pa Ít thoát nghèo, chúng tôi được biết đó là một “bài toán” mà nhiều năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành huyện Mường Chà chung tay tìm lời giải. Theo đó, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, mỗi phòng, ban, đoàn thể trong chương trình hoạt động đều đưa Pa Ít vào danh sách ưu tiên triển khai đợt đầu. Riêng với ngành y tế thì gần như dự án nào liên quan đến HIV cũng đưa vào Pa Ít; mỗi tháng một lần cán bộ y tế huyện, trạm y tế xã đều cử người về Pa Ít nắm tình hình kết hợp hướng dẫn bà con cách ăn ở bảo đảm vệ sinh như cái cách họ đã vận động dân bản Pa Ít bỏ hoàn toàn thói quen ở hố; khi ốm đau người Pa Ít biết về xã hay ra huyện để khám chứ không cúng bái đuổi ma như trước nữa. Và tương lai, Pa Ít sẽ vơi bớt khó nghèo.

Trở về từ Pa Ít, tôi nhớ mãi con đường dốc ngược, nhớ lời hẹn về của bà con và giáo viên cắm bản nơi xa. Dù nghèo khó, xa xôi diệu vợi nhưng nơi ấy vẫn thắp lên niềm hy vọng đong đầy, như niềm tin mà bao thế hệ giáo viên cắm bản như cô giáo Lụa Thị Thu, Quàng Thị Vui vẫn đinh ninh: “Trẻ em Pa Ít ham học lắm. Rồi con đường các em đi sẽ sáng hơn ngày hôm qua”…