Nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long

Năm 2017, tại Cà Mau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tại hội nghị này, mục tiêu phấn đấu xuất khẩu (XK) tôm đạt giá trị 10 tỷ USD vào năm 2030 đã được đặt ra.

Nuôi tôm càng xanh xen canh cây lúa đem lại nguồn thu ổn định cho người nông dân Cà Mau.
Nuôi tôm càng xanh xen canh cây lúa đem lại nguồn thu ổn định cho người nông dân Cà Mau.

Kỳ 3: Hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD

(Tiếp theo & hết)

Mô hình nào cho con tôm?

Năm 2018, cả nước thả nuôi hơn 736.000 ha tôm nước lợ, tăng 3% so cùng kỳ năm 2017, với sản lượng đạt khoảng 762.839 tấn. Trong đó, diện tích tôm thẻ chân trắng là 103.568 ha, với sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 464.924 tấn, diện tích nuôi tôm sú là 632.999 ha, với sản lượng đạt 297.915 tấn. Tuy có được sản lượng lớn nhưng kim ngạch XK chỉ đạt gần 3,6 tỷ USD, giảm hơn 7% so cùng kỳ.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, ngành tôm của nước ta chưa phát huy hết tiềm lực và thế mạnh, đồng thời chưa tạo được lợi thế cạnh tranh so các đối thủ trên thế giới như: Ấn Độ, Thái-lan, Ecuador, Indonesia…Nhìn vào số liệu, có thể thấy được trong những năm gần đây ngành tôm Việt Nam đã tập trung chạy theo sản lượng nhưng không tăng được về giá trị. Cụ thể, sản lượng tôm thẻ chân trắng lớn nhưng giá trị chỉ bằng một phần ba so tôm sú. Ngay thời điểm từ đầu năm đến nay giá tôm sú loại 30 con/kg dao động khoảng 250.000 đến 300.000 đồng/kg; nhưng tôm thẻ loại 100 con/kg chỉ khoảng 80.000 đồng/kg.

Năm nay, tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều tỉnh đã cơ bản xuống giống trên nhiều diện tích thả nuôi tôm khác nhau. Những năm gần đây đã có bốn mô hình phát triển nuôi tôm chính như: “tôm - lúa”, quảng canh và quảng canh cải tiến, tôm rừng, bán thâm canh và thâm canh (nuôi công nghiệp). Trong đó, số hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ chiếm đến 80% diện tích, chủ yếu là “tôm - lúa” và quảng canh, nhưng lại cho năng suất thấp, chỉ khoảng 0,5 tạ/ha; diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh chiếm chưa đến 20% diện tích nhưng năng suất từ 1,5 đến 3,5 tấn/ha. Đối với diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng có năng suất khoảng bốn tấn/ha. Mới đây, một số tỉnh như Bạc Liêu, Sóc Trăng đang phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao hay còn gọi là “siêu thâm canh” cho năng suất cao và khá ổn định.

Vấn đề đặt ra là chọn mô hình nào để phát triển nuôi tôm tại ĐBSCL?

Thực tế cho thấy, việc nuôi tôm công nghiệp cho năng suất cao, lợi nhuận cao nhưng luôn đi kèm rủi ro cao, đầu tư lớn và chỉ cần thất bại một vụ là có thể kéo theo hệ lụy rất lớn. Ở thời điểm hiện tại, nuôi tôm công nghiệp đầu tư khoảng 500 triệu đồng/ha, nếu được mùa sẽ cho thu về lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng; mô hình nuôi công nghệ cao đã cho thấy được tính ổn định, năng suất cao nhưng để đầu tư một ha nuôi tôm cần ít nhất từ 600 đến 700 triệu đồng.

Với mức đầu tư này chỉ tập trung ở số ít doanh nghiệp (DN) lớn, hộ gia đình có điều kiện kinh tế phát triển vùng nuôi lớn, hoặc nông trại. Do đó, nhiều địa phương đã có quy hoạch mở rộng diện tích tôm công nghiệp, công nghệ cao nhưng đang gặp nhiều khó khăn. Tỉnh Kiên Giang đã có quy hoạch phát triển 10.000 ha nuôi tôm công nghiệp nhưng năm 2019 kế hoạch thả nuôi chỉ khoảng 2.500 ha; Tại Sóc Trăng chỉ có 680 ha nuôi tôm công nghiệp trên tổng diện tích 49.500 ha nuôi tôm. Trong khi đó, mô hình “tôm - lúa” hoặc nuôi tôm quảng canh đầu tư chi phí ban đầu rất thấp, tuy hiệu quả thấp nhưng lại phù hợp điều kiện của người dân ĐBSCL.

Về vấn đề này, ông Võ Quốc Hảo, chuyên viên Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho rằng, cần tập trung phát triển những mô hình nuôi tôm bền vững, nhưng song song đó là vẫn phải phát triển các mô hình khác. Tuy nhiên, cần phải xây dựng bằng được thương hiệu cho những mô hình tôm sạch, tôm sinh thái thì mới có thể nâng cao giá trị cho con tôm.

Trong khi đó, ông Bùi Đức Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cavimex Group cho biết, ở thời điểm này DN thu mua đồng giá tôm với tất cả các loại hình canh tác nhưng vẫn ưu tiên hơn vùng nuôi quảng canh, “tôm - lúa”, tôm sinh thái. Đây là những sản phẩm tôm rất tốt, không bị lẫn tạp chất. Đối với các mặt hàng tôm XK thì tất cả các lô hàng đều phải lấy mẫu test lại và từ trước đến nay những lô hàng bị nhiễm tạp chất, hóa chất đều từ nuôi công nghiệp.

Tập trung cho sản lượng và chất lượng

Theo TS Phan Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II, cần tập trung cho cả sản lượng lẫn chất lượng và từ đó mới có thể nâng cao được giá trị cho con tôm. Riêng ĐBSCL có rất nhiều cơ hội để phát triển nuôi tôm và nhất là mô hình nuôi tôm sú, như diện tích tiềm năng lớn có thể phát triển, khả năng tăng năng suất và sản lượng có tính khả thi cao, nguồn giống và nguyên liệu đầu vào đa dạng, nguồn lao động sẵn có nhiều. Tuy nhiên, để phát triển nuôi tôm vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại, như tôm giống đóng vai trò quan trọng nhưng nước ta chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa, chủ động cung ứng giống; đồng thời chưa có con giống kháng bệnh phục vụ nuôi quảng canh; người nuôi vẫn còn làm theo kinh nghiệm là chính; chưa tạo được các mối liên kết trong sản xuất, vẫn chủ yếu làm độc lập và chưa đa dạng sinh kế ngoài con tôm; các kỹ năng về giám sát nuôi tôm, xử lý diện tạp và theo dõi chăm sóc tôm nuôi còn nhiều hạn chế; hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất mặc dù đã được cải thiện những vẫn chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu cho nuôi tôm; tập quán canh tác riêng lẻ cũng là trở ngại để đẩy mạnh phương pháp tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ.

Thực tế, con tôm sú luôn được coi là đặc sản của Việt Nam và rất ít nước trên thế giới có được sản phẩm tôm sú. Trong đó, đối với mô hình nuôi tôm sú công nghiệp về năng suất, sản lượng đạt 3,5 tấn/ha đang ở mức khá cao về năng suất, sản lượng. Điều đó cho thấy mô hình “tôm - lúa” cần tiếp tục nhanh chóng tạo sự chuyển biến, tập trung phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng cho con tôm để đạt mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu tôm vào năm 2030.

Ở thời điểm hiện tại, năng suất của mô hình “tôm - lúa” chỉ đạt ở mức 400 đến 500 kg/ha nhưng năng suất này hoàn toàn có thể tăng gấp đôi khi chỉ phải áp dụng một số biện pháp kỹ thuật và vẫn rất phù hợp điều kiện thực tế của người dân nuôi tôm tại ĐBSCL. Xuất phát từ nhu cầu thực tế của con tôm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II đã thử nghiệm thành công trên mô hình “tôm – lúa” tại Sóc Trăng, Bạc Liêu và năng suất tôm sú có thể đạt hơn 1,1 tấn/ha.

Theo TS Phan Thanh Lâm, thành công trong quá trình thực hiện mô hình “tôm - lúa” của dự án là việc bố trí, thiết kế một ao ương và tiến hành ương tôm trước khi bung ra ruộng nuôi giúp kiểm soát tốt hơn tỷ lệ sống (có thể đạt 70%), giúp đầu tư hợp lý hơn, hạn chế rủi ro và dễ quản lý ao nuôi; kiểm soát môi trường chặt chẽ thường xuyên đã hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản lý ao nuôi.

Trong khi đó, theo ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, để mô hình “tôm - lúa” phát triển bền vững hơn nữa, đặc biệt trong điều kiện chịu nhiều bất lợi từ tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện song hành nhiều giải pháp. Cụ thể, chú trọng giải pháp về công nghệ; bố trí lịch thời vụ phù hợp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống sang những giống lúa chất lượng cao nhưng chịu mặn tốt để nhà nông gieo trồng; đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp; quy hoạch và hoàn thiện hạ tầng vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao, song hành với việc liên kết DN. Bởi sản xuất có tốt đến mấy đi nữa cũng phải gắn liền với bao tiêu, với đầu ra. Trong đó, với xu thế chuộng nông sản sạch và an toàn của các nước phát triển trên thế giới, DN XK gạo Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn đến việc lựa chọn vùng nguyên liệu sạch phục vụ XK, trong đó, đồng đất thực hiện mô hình “tôm - lúa” ở ĐBSCL luôn là lợi thế, là điều kiện thuận lợi để vùng mở rộng quy mô, diện tích “tôm - lúa” trong tương lai gần. Bởi hiện nay, nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL đẩy mạnh thâm canh, sử dụng nhiều phân bón, đất đai bạc màu… nên không phải nơi nào cũng hội đủ điều kiện làm ra hạt lúa an toàn, lúa hữu cơ chất lượng cao.

Thêm một thực tế là, để thực hiện các mô hình về tôm hữu cơ luôn đòi hỏi cần có diện tích 500 ha. Nhưng với khoảng 80% thuộc diện quy mô nhỏ như hiện nay, liệu người dân có thể tự xây dựng thương hiệu cho con tôm, hạt lúa?

Ngay các HTX nông nghiệp chuyên canh về “tôm - lúa” cũng chỉ hoạt động theo mô hình nhỏ và vừa, diện tích của mỗi HTX chỉ vài chục ha. Khắc phục tình trạng này, tỉnh Cà Mau đã chủ động xây dựng khoảng 10.000 ha lúa trong mô hình “tôm - lúa” để phục vụ sản xuất bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình”.

Nói như kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cà Mau, khi đồng đất “tôm - lúa” ở Cà Mau làm ra và được chứng nhận con tôm, hạt gạo hữu cơ, giá trị nông sản sẽ tăng rất nhiều và sản phẩm dễ dàng xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính. Theo đó, giá trị của con tôm, hạt lúa chắc chắn sẽ được nâng tầm.