Nỗi niềm giữ nghề gốm cổ

Sau nhiều năm gặp khó trong sản xuất, giờ đây làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) đang hồi sinh. Để giữ nghề, truyền nghề cho lớp trẻ, nhiều lớp nghệ nhân và chính quyền nơi đây mất ăn mất ngủ…

Nhiều khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về làng gốm. Ảnh: MINK
Nhiều khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về làng gốm. Ảnh: MINK

Vất vả lắm mới thành nghệ nhân

Về làng gốm Thanh Hà (Hội An) không thể không ghé qua khối Nam Diêu. Đây được xem là nơi lưu giữ hồn cốt của làng gốm đỏ từ cách đây 500 năm. Men theo đường kè, dọc con sông Thu Bồn, sẽ bắt gặp những cơ sở sản xuất gốm cổ nằm sát bờ sông.

Theo lời giới thiệu, tôi đi men theo con sông và rẽ vào ngõ nhỏ, nơi có xưởng làm gốm của vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Lành. Ngôi nhà ba gian đơn xơ, lợp ngói, đồ đạc không có gì giá trị ngoài những mẫu vật gốm cổ được ông trưng bày và hai tấm bằng công nhận nghệ nhân của ông và vợ ông là bà Lê Thị Chiên (87 tuổi) - thợ chuốt. Phía trước ngôi nhà là mảnh vườn rộng được quy hoạch làm xưởng làm gốm. Nói là xưởng nhưng nó chỉ nhỏ chừng 40 m², là nơi để vợ chồng ông đặt bàn xoay, lò nung gốm.

Theo lời ông kể, mặc dù suốt tuổi thơ gắn bó với nghề làm gốm, thế nhưng mãi tới năm 25 tuổi ông mới thành nghề, được công nhận là thợ gốm thật sự. Hơn 60 năm làm nghề gốm, giờ dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng lúc nào ông bà cũng đau đáu với nỗi niềm giữ nghề, truyền nghề. “Công việc làm gốm thật sự không hề đơn giản, nó đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại. Thêm vào đó người thợ muốn giỏi nghề cần phải có tố chất nghệ thuật, biết cảm nhận cái đẹp. Có vậy, các sản phẩm làm ra mới có hồn được”, ông Lành kể.

Nói rồi ông đưa tôi qua xưởng làm gốm, ông lấy đất tự tay nhào nặn, đặt lên bàn xoay, tỉ mỉ chuốt khối đất thành chiếc lọ gốm. Vừa thao tác ông vừa giải thích, thông thường để làm ra một sản phẩm gốm, người ta sẽ phải thiết kế, lên khung về kỹ thuật. Sau khi có thiết kế cơ bản, người thợ chuốt sẽ hình dung và chuốt theo đúng kỹ thuật đã được công bố của sản phẩm. Sản phẩm làm ra sẽ được phơi và tới lúc khô sẽ được mang ra chuốt nguội thêm một lần nữa trước khi nung. Sản phẩm có hồn, đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào đôi bàn tay của người thợ chuốt. Do là gốm nâu đỏ, tất cả các khâu sản xuất đều được làm thủ công nên độ chính xác của người làm phải rất cao. Không chỉ cần sự tỉ mỉ, chính xác mà người làm gốm cần có sự nhạy cảm, nhất là trong khâu nung lò.

Một sản phẩm gốm được cho là đẹp phải là sản phẩm chuẩn kích thước, tinh tế trong từng đường nét khi chuốt, sắc sảo trong từng chi tiết hoa văn. Ngoài ra, kỹ thuật nung gốm phải đạt chuẩn, gốm sau nung phải mịn đẹp, bóng đỏ tự nhiên. Ông Lành không giấu niềm tự hào: “Tôi chỉ là nghệ nhân về mặt kỹ thuật chế tác, nung gốm, còn bà nhà tôi mới là nghệ nhân chuốt gốm. Gốm bà ấy chuốt thì đẹp nhất làng, không ai bì được!”.

Nhưng nói về công việc bảo tồn nghề gốm cổ, ông bà không thôi trăn trở. Ông tâm sự: “Nhiều lúc ngẫm cũng thấy buồn lắm! Thế hệ trẻ giờ có chịu làm gốm cổ như trước đâu, vì làm thì dân cũng không chuộng mấy nữa rồi. Giờ người ta ưa gốm tráng men, gốm trang trí, chứ có mấy ai dùng nồi gốm, bát gốm, chén gốm, chậu gốm… như trước. Biết vậy, nhưng không làm thì nhớ, thì thương, thì sợ rồi con cháu quên mất nghề nên ngày ngày vợ chồng tôi vẫn làm vài sản phẩm theo kiểu cổ, vừa là để cho khách du lịch xem, vừa là để giữ nghề”.

Cũng bởi lẽ đó, mà ngày ngày hai vợ chồng nghệ nhân vẫn miệt mài. “Có những sản phẩm làm ra bán chậm tôi cũng kệ, cứ để trưng bày, đợi có khách qua thì tặng, biếu. Không làm mất nghề, thế nên vợ chồng tôi vẫn bảo nhau phải cố gắng từng ngày. Không chỉ làm nghề mà còn phải cố gắng truyền nghề lại cho vợ chồng người con trai”, ông Lành tâm sự.

Nỗi niềm giữ nghề gốm cổ ảnh 1

Anh Nguyễn Văn Hoàng, thế hệ truyền nhân của làng gốm với những sản phẩm đặc trưng, tò he và sản phẩm gốm trang trí.

“Bắt tay” bảo tồn làng gốm cổ

Sau nhiều năm loay hoay tìm cách giữ nghề, lớp nghệ nhân và chính quyền ở phường Thanh Hà đã cùng bắt tay để tìm phương thức giữ gìn làng nghề. Tôi đã tìm đến gặp ông Nguyễn Hào, Phó Trưởng Ban Kinh tế phường Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Nghề gốm ở làng Thanh Hà. Ông Hào cho biết, sau một thời gian dài suy vong do chiến tranh và sự thay đổi của xã hội, tới nay làng gốm đã được phục hồi bước đầu và qua giai đoạn khó khăn nhất. Nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo quản nét đẹp cổ của làng nghề, gắn sản xuất gốm với phát triển du lịch mà giờ đây đời sống bà con trong làng cũng khấm khá hơn. Bởi vậy, việc bảo tồn làng nghề cũng có những bước phát triển mới, tích cực hơn.

Để phát triển làng nghề, phường Thanh Hà và thành phố Hội An đã có những chính sách hỗ trợ bà con làm nghề sản xuất. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí sản xuất cho các xưởng chế tác gốm, phường còn trích tiền từ nguồn thu du lịch để đầu tư xây dựng cảnh quan trong làng nghề. Đặc biệt tám năm trở lại đây, phường có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nghệ nhân, người làm nghề gốm tại địa phương. Theo đó, những nghệ nhân trong làng nghề, dù còn làm hay thôi (do sức khỏe yếu) vẫn được hỗ trợ chín triệu đồng/tháng. Với những thợ lành nghề loại B sẽ được hỗ trợ sáu triệu đồng, còn với lao động vừa mới làm nghề có thâm niên từ 1 - 3 năm sẽ được hỗ trợ mức tiền khoảng từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ việc hỗ trợ, đầu tư kịp thời mà giờ đây bà con trong làng gốm Thanh Hà đã có thêm động lực để gắn bó với nghề.

Bà Nguyễn Thị Thủy (51 tuổi) ở khối Nam Diêu là một trong những lớp người kế cận xuất sắc của làng gốm Thanh Hà. Bà cũng là lao động lành nghề đang được nhận sự hỗ trợ lương của địa phương. “Trước đây, khi làng nghề còn khó khăn, hoạt động du lịch chưa phát triển thì đời sống bà con khổ lắm! Vì khổ mà nhiều người bỏ nghề đi làm ăn xa, dẫn tới nghề gốm càng ngày mai một. Cũng may giờ đây, làng nghề được đầu tư, người làm nghề được hỗ trợ tiền duy trì sản xuất nên làng nghề mới nhộn nhịp trở lại”, bà Thủy vừa chuốt gốm vừa chia sẻ.

Dường như thấu hiểu được sự cố gắng của thế hệ ông cha đi trước, lớp con cháu ngày càng nỗ lực rèn nghề để giữ nghề và phát triển làng nghề. Anh Nguyễn Văn Hoàng (36 tuổi) cũng là người đại diện cho thế hệ trẻ tài năng của làng nghề Thanh Hà cho biết, gia đình anh hiện có tới bốn đời, ông bà, bố mẹ, vợ chồng anh và cả các con anh đang làm nghề gốm. “Từ nhỏ, tôi ăn ngủ, sống cùng với nghề làm gốm nên nghề đã ăn vào máu thịt. Giờ ngày nào không làm là thấy bứt rứt khó chịu. Có hôm say mê với công việc, mải tạo hình mà quên cả ăn, cả ngủ”, anh Hoàng chia sẻ.

Để bảo tồn và cũng là phát triển làng nghề, gia đình anh cùng lúc sản xuất hai dòng gốm. Một là dòng gốm nâu đỏ truyền thống và hai là dòng gốm trang trí, gốm men phục vụ nhu cầu của khách du lịch. “Mong ước của gia đình tôi là ngày càng có nhiều khách du lịch qua tham quan, tìm hiểu và sử dụng các sản phẩm của làng gốm, để từ đó làng nghề của chúng tôi được biết đến nhiều hơn. Đây cũng là mong muốn của mọi người dân làng gốm Thanh Hà”, anh Hoàng tâm sự.

Nghệ nhân Nguyễn Lành: “Không giống với những dòng gốm tráng men ở ngoài bắc, gốm Thanh Hà là loại gốm nâu đỏ, mang nét đặc trưng của đất sét ở vùng sông Thu Bồn. Trong suốt mấy trăm năm hình thành và phát triển làng nghề vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công và gần như độc nhất, đó là tạo hình bằng tay hoặc bàn xoay đạp chân, không có khuôn, không tráng men và nung bằng lò củi truyền thống. Đặc biệt, người Thanh Hà nung gốm bằng kinh nghiệm và cảm giác trực quan về ngọn lửa chứ không dùng đến các dụng cụ đo nhiệt. Chỉ cần nghe tiếng lửa réo, hơi nóng của lò phả ra cộng với thời gian đốt lò là biết gốm đã đủ độ chín hay chưa”.