Những lo ngại sau sự cố “nước sông Đà”

Sự cố đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở hồ Đầm Bài, Kỳ Sơn, Hòa Bình ngày 8-10 đã khiến cho sinh hoạt của nhiều cư dân ở Thủ đô Hà Nội đảo lộn. Tìm hiểu thêm sau vụ việc, thấy rằng người dân Hà Nội đang có nguy cơ “tổn thương” bởi những vấn đề từ phía chính quyền và nhà sản xuất.

Cát được sử dụng để thấm dầu thải rồi mang đi xử lý.
Cát được sử dụng để thấm dầu thải rồi mang đi xử lý.

Có phải là hành động phá hoại?!

Cơ quan Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án hai đối tượng trực tiếp tiến hành vụ... đầu độc cả triệu người dân sử dụng nước sạch ở phía tây Hà Nội là Nguyễn Chương Đại (sinh năm 1994 tại Xuân Lâm, Thuận Thành, Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (sinh năm 1986 tại Chi Lễ, Văn Quan, Lạng Sơn) đã bị bắt khẩn cấp. Đối tượng còn lại là Lý Đình Vũ mới ra đầu thú. Việc Công an tỉnh Hòa Bình khẩn trương vào cuộc để từ đó làm rõ động cơ, mục đích của các đối tượng là đương nhiên, nhưng việc còn lại rõ ràng khiến cho người ta lo ngại là cuộc sống của khoảng 450 nghìn hộ dân, tương đương với 2 triệu cư dân Thủ đô dễ dàng điêu đứng chỉ vì một vài đối tượng và xe chất thải đổ trộm ở khu vực đầu nguồn trong đêm hoang vắng.

Chúng tôi đã có mặt ở hiện trường vụ việc nghiêm trọng này khi mà những công nhân của Nhà máy nước sông Đà đang tiến hành xử lý vụ ô nhiễm. Nó nằm trên đỉnh dốc của một con đường độc đạo cách Nhà máy nước sông Đà chừng hơn km. Chất thải bị các đối tượng xả tràn xuống dọc đường, lợi dụng độ dốc cao chảy xuống suối Trầm và xâm nhập vào hồ Đầm Bài, lọt qua hệ thống xử lý của nhà máy để gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân Hà Nội. Vụ việc chỉ bị “khui ra” khi người dân nhận ra mình đã sử dụng thứ nước ô nhiễm và trực tiếp lên tiếng. Đại diện Nhà máy nước sông Đà đã phải thừa nhận, dù biết nước bị ô nhiễm nhưng họ vẫn cung cấp cho cư dân gần chục ngày qua. Nghiêm trọng là chính bản thân giám đốc nhà máy nước cũng không dám chắc có xử lý triệt để được sự cố này hay không.

Theo lời khai ban đầu của các đối tượng mới bị bắt giữ, chúng từ Bắc Ninh lên Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà tại thị xã Phú Thọ, lấy 10 m³ chất thải sau đó đem về Công ty TNHH cơ khí cao-su K90 tại Chỉ Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên gửi xe, sau hai đêm, ngày 8-10, chúng mang số dầu thải này lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình để xả, sau đó bỏ trốn. Đây là dấu hiệu cực kỳ... bất thường.

Thứ nhất, các đối tượng đổ trộm chất thải nguy hại thường tìm chỗ vắng người, địa bàn vùng trũng sát đường để xả thải. Thời gian xả phải diễn ra trong thời gian ngắn, khu vực xả phải là chỗ quen thuộc, được khảo sát trước, thuận tiện để các đối tượng nhanh chóng thoát khỏi hiện trường nếu bị phát hiện (thường là ven đường lớn). Hoặc được cảnh giới kỹ. Ở đây, các đối tượng đi trên hai xe ô-tô, dọc theo con đường dốc độc đạo rất hẹp (nhiều đoạn hai xe ô-tô ngược chiều không thể tránh được nhau) sau đó xả thải tràn trên phía đỉnh dốc (chiều ngày 17-10, những công nhân của Nhà máy nước sông Đà vẫn phải dùng máy xúc để vét hết phần đường nhựa bị ngấm dầu thải đem đi) là hành động trước giờ... chưa từng có đối với đám xả thải trộm chuyên nghiệp.

Thứ hai, ai cũng biết rằng, đối với nhiều người, thì dầu thải chính là tiền. Bởi đối với mỗi một lít dầu thải hiện đang được người dân thu mua trên thị trường là từ 3.000 đồng - 5.000 đồng/lít. Việc đem dầu thải đi đổ xuống suối cũng tương tự như đem tiền đi rải xuống nước. Chẳng ai tự nhiên bỏ cả đống tiền đi mua dầu thải rồi lại đem đi đổ. Qua trao đổi, Thượng tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng cảnh sát môi trường Công an thành phố Hà Nội cho biết: Từ xưa tới giờ đơn vị này chưa bao giờ phát hiện một vụ đổ trộm dầu thải. Vì nó là tiền.

Đây cũng chính là mối băn khoăn của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và khu vực gần với nơi các đối tượng tiến hành xả trộm chất thải. Bởi, ở các nơi xuất hiện nguồn dầu thải, luôn có những người đi thu mua lại với giá gần 5.000 đồng/lít.

Thứ ba, nếu đơn vị cấp dầu thải cho các đối tượng là Công ty Gạch gốm sứ Thanh Hà (theo lời khai ban đầu của các đối tượng trên). Thông thường, số chất thải này được sử dụng làm chất phụ gia cho các nhà máy gạch. Đáng ra nó phải được công ty này thu mua chứ rất khó có thể làm điều ngược lại.

Hành động phá hoại này mang mục đích gì rất cần cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ.

Những lo ngại sau sự cố “nước sông Đà” ảnh 1

Công ty cổ phần nước sạch sông Đà đang xử lý ô nhiễm ở đoạn dốc nơi các đối tượng xả dầu thải.

Nhà máy nước sông Đà sẽ mất... hồ trữ nước sơ lắng

Chưa bao giờ người dân Hà Nội thấy rõ ràng nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống của gia đình mình một cách sâu sắc đến thế. Tìm hiểu thêm thì biết, việc các cấp chính quyền phải nhanh chóng vào cuộc để giải quyết vấn đề ô nhiễm dầu hiện mới chỉ giải quyết được phần... ngọn. Bởi, với hồ Đầm Bài, vốn được coi là bể sơ lắng tự nhiên trước khi được dẫn vào xử lý trong nhà máy nước với lượng nước lên tới 4,9 triệu m³ đang có nguy cơ bị tách khỏi Nhà máy nước sông Đà.

Tám năm trước, cơ quan Công an Hòa Bình đã phải lập biên bản ghi nhận và giải quyết những xâm phạm của một số hộ cá nhân và Công ty cổ phần đầu tư San Nam Hòa Bình đối với hồ Đầm Bài. Công ty cổ phần đầu tư San Nam Hòa Bình khi ấy được giới thiệu là đơn vị xây dựng dự án khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ trên địa bàn hai xã Phú Minh và Hợp Thành của Kỳ Sơn.

Tám năm sau, hành vi sai phạm xâm lấn hồ vẫn... còn nguyên. Phương án cắm mốc chỉ giới để bảo vệ hồ Đầm Bài sau nhiều lần tranh cãi đến nay vẫn... tranh cãi. Sai phạm từ việc Công ty San Nam san lấp đường ngăn hồ đã được... hợp thức hóa bằng việc cắm mốc giới lệch ra khỏi địa điểm vi phạm. Và hơn 400 ha Công ty cổ phần đầu tư San Nam ban đầu được cấp với mục đích là sử dụng diện tích hai xã Phú Minh và Hợp Thành để xây dựng khu vực trồng, chế biến rau quả xuất khẩu đã được... đổi chủ đầu tư thành Công ty TNHH phát triển Phú Hưng Khang. “Nhiệm vụ” xây dựng khu chế biến rau quả đã được sửa đổi thành xây dựng khu đô thị sinh thái phục vụ nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng bao quanh hồ Đầm Bài. Công ty Phú Hưng Khang do ông Tseng Fan Chih, người nước ngoài làm chủ tịch hội đồng quản trị.

Trả lời cho công văn xin quản lý hồ Đầm Bài, tháng 11-2017, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Công văn số 1618 UBND-NNTN trong đó có nội dung “không chấp thuận giao quyền quản lý hồ Đầm Bài cho Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex quản lý”.

Gần đây nhất, tháng 5-2019, UBND tỉnh Hòa Bình có Chỉ đạo số 3015/VPUBND-TH do chánh văn phòng UBND tỉnh Đinh Công Sứ ký gửi các Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó nêu rõ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phương án thu hồi việc sử dụng hồ Đầm Bài làm hồ chứa nước, sơ lắng cấp nước của Nhà máy nước Vinaconex trình UBND tỉnh trước ngày 31-5-2019.

Như vậy, nguy cơ hồ chứa nước sơ lắng để sử dụng cho 2 triệu dân Hà Nội sẽ biến mất là việc nhãn tiền. Nạn nhân ở đây, không phải là nhà máy nước như lãnh đạo của nhà máy này tự nhận. Mà nó ảnh hưởng tới hàng triệu dân ở tận Thủ đô.