Những chén trà A Mú Sung

Lần đầu uống trà A Mú Sung (huyện Bát Xát, Lào Cai) tôi nhận thấy rõ cái vị oi khói dù trà lên mầu nước rất đẹp. Nhiều lần tiếp theo uống trà A Mú Sung, Nguyễn Việt Bắc - một người làm trà lâu năm, đã lăn lộn nhiều với những cây trà cổ thụ vùng cao - cứ chép miệng: “Bị cụt vị, tiếc quá”.

Anh Vàng Xuân Ngan pha thử hồng trà của xưởng.
Anh Vàng Xuân Ngan pha thử hồng trà của xưởng.

Nơi mà trà có giá 300 nghìn đồng một cân nguyên liệu

Khi bắt đầu tìm hiểu về cây trà A Mú Sung, Nguyễn Việt Bắc nói tôi nên cẩn trọng. Là một chuyên gia về trà, hiểu trà, làm trà, Bắc đã có nhiều kinh nghiệm đau đớn về những vùng trà quý giá, đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy nhanh chóng. “Nhiều lắm, từ bắc đến nam, cây trà đang bị khai thác kiệt quệ”, Bắc thở dài.

Nhưng tôi có niềm tin rằng A Mú Sung khác.

Vào nhà máy của Công ty TNHH Nam Anh, đơn vị chủ đầu tư dự án trồng và chế biến chè chất lượng cao ở A Mú Sung, tôi được Dũng, đại diện công ty mang rất nhiều loại trà giới thiệu. Anh đánh giá cây trà A Mú Sung vào loại nhất nhì ở vùng núi phía bắc: “Nơi đây có sương, nhiệt độ, độ cao đều thích hợp, cây trà phát triển tốt, chất lượng cao, uống trà A Mú Sung vị khác hẳn”. Còn Nguyễn Việt Bắc, ngay cả khi tiếc nuối với chén trà cụt vị, vẫn xuýt xoa: “Vùng nguyên liệu này tốt quá”.

Trà A Mú Sung âm thầm nổi tiếng từ lâu rồi. Anh Vàng Xuân Ngan, thôn Ngải Trồ, một người làm trà của xã nói, cách đây vài chục năm, người A Mú Sung vẫn tự hái trà, tự làm trà mang đi chợ Trịnh Tường bán. “Ngày ấy chưa có đường, luồn núi xuống chợ, đi mất một ngày. Gùi một gùi trà khô thật to, bán được vài chục nghìn một cân thôi”, Ngan bảo. Thế nhưng dù chưa có chỉ dẫn địa lý hay có nhãn hiệu nào, cây trà A Mú Sung vẫn được người địa phương đón nhận. Như lời anh Ngan, thì người dân quanh Ngải Trồ ai cũng biết làm trà.

Nhiều năm trước, những thương nhân Trung Quốc đã sang đây tìm hiểu và họ cực kỳ quan tâm vùng trà cổ thụ của A Mú Sung. Thậm chí, một người còn đầu tư một nửa tiền vốn cho anh em nhà Vàng Xuân Ngan mở xưởng làm trà ngay ở Ngải Trồ. Búp trà tươi nguyên liệu loại cao cấp ở A Mú Sung có thể được thu mua tới 300 nghìn đồng/kg - con số mà ngay cả những vùng trà đã thành danh cũng ít có. “Dân làm trà bên Trung Quốc rất tinh, vùng nguyên liệu quý là họ không bỏ qua đâu”, Bắc nhận định.

Vậy là nhiều năm qua, những búp trà quý cứ lặng lẽ xuất ngoại đường tiểu ngạch. “Dễ đến 80% trà cổ thụ là bán cho họ”, Ngan bảo. Trong khi ấy, ngay chính tại A Mú Sung, Ma Seo Củi - Phó Chủ tịch UBND xã - vẫn vò đầu bứt tai vì sinh kế cho bà con: “Ngoài trồng lúa chỉ trồng chuối. Mà chuối thì hai năm đất phải nghỉ một năm. Mang cây trồng khác thì bà con không quen”. Cây trà có thể xem như một giải pháp đầy tiềm năng cho xã biên giới này.

Ở A Mú Sung có một vùng trà trồng mới 93 ha đã cho thu hoạch hằng năm. Vùng trà này nằm trong dự án trồng và chế biến chè chất lượng cao (giai đoạn 2016 - 2020) tại xã A Mú Sung có tổng diện tích gần 312 ha. Khu vực trà cổ thụ trong 30 năm cũng từ 10 ha lên 18 ha, nhờ sự tự giác của người dân ở đây. Những cây trà đều có quy hoạch và có kế hoạch, đường lối khai thác. Điều đó khiến tôi có niềm tin rằng vùng trà này sẽ được bảo vệ. Bây giờ là lúc mà trà A Mú Sung cần phải vươn mình ra ngoài.

Từ chén trà oi khói đến hơn chục loại trà

Lần đầu uống trà A Mú Sung, gặp chén trà oi khói, tôi bị “ám ảnh”. Nhưng đến UBND xã A Mú Sung bây giờ, Ma Seo Củi đã tự tin rót một chén trà ngon ra mời. Mấy năm trước, chén trà mùi khói khiến anh dù biết vùng trà của mình tốt mà vẫn ngần ngại. Bây giờ trên bàn làm việc đã có nhiều vị trà hơn, như một cách để xã giới thiệu đặc sản với khách đường xa. Rời A Mú Sung, tôi có thể mang về khoảng hơn chục loại trà, cả sao tay và sao máy, với đủ giá thành từ thấp đến cao.

Tôi vào xưởng trà của anh em Vàng Xuân Ngan - Vàng Duần Mình nằm ngay trên đường từ A Mú Sung lên Y Tý, vị trí rất thuận tiện cho khách tham quan, du lịch. Ngan từng sang Vân Nam (Trung Quốc) làm trà nhiều năm. Anh thanh niên người Dao cố công mày mò học hỏi cách làm trà nước bạn, mang về áp dụng ở địa phương. Rồi Ngan và anh họ mới rủ nhau mở xưởng này, dù không phủ nhận, thời điểm ấy chẳng ai để tâm đến việc làm trà ngay ở A Mú Sung.

Khách của Ngan chủ yếu là khách du lịch, ghé qua mua trà làm quà. Có đơn hàng thì gia đình anh làm, hầu hết người Trung Quốc đặt.

Hai ông chủ trẻ Vàng Xuân Ngan - Vàng Duần Mình nhiệt tình pha trà ngay trên cái mâm truyền thống của người Dao ở Bát Xát, đục một lỗ nhỏ trên mặt mâm để nước chảy. Xưởng có độ sáu - bảy loại trà. Hôm tôi cầm những gói trà thành phẩm lên cho Nguyễn Việt Bắc, Bắc nói mầu trà làm ổn. Với giá chỉ 15 đến 20 nghìn đồng một lạng trà, những chén trà ở xưởng cho chất lượng ngang ngửa nhiều loại đang bán giá cao dưới xuôi.

Ngoài xưởng của Ngan - Mình, Công ty trà Nam Anh cũng đã bắt đầu tích cực hoạt động hơn một năm qua. Dũng, đại diện công ty nói đang tích cực xúc tiến việc làm bộ nhận diện thương hiệu. Là người nhiều năm làm trà Thái Nguyên, Dũng mang cách làm trà này vào vùng nguyên liệu A Mú Sung. Trà thành phẩm của công ty, Dũng bảo tự tin bán được giá cao, thậm chí có loại lên tới vài triệu một cân. Dũng còn kỳ vọng tương lai trà ở A Mú Sung sẽ cạnh tranh được cả với thương hiệu trà Thái Nguyên.

Băn khoăn chén trà cụt vị

Ngan chỉ vào túi trà mà anh gọi là trà búp VIP. “Loại này phải bán ba triệu một cân mới mong lãi. Riêng tiền nguyên liệu đã ba trăm nghìn đồng một cân”, Ngan nói. Nhưng trà mang đi giới thiệu, người sành trà đều nói làm hỏng, không đạt vị: “Làm thử sáu bảy cân mà để đó vì không bán được”, Ngan nói, chấp nhận mất tám triệu tiền vốn vào cái mùa mà mọi người đều đang giãn cách và xưởng trà gần như đóng băng.

Nguyễn Việt Bắc nhìn gói trà cũng tỏ ý tiếc, bởi trà ngon mà cách làm thì hỏng. Nhiều loại trà ở đây, dưới con mắt nhà nghề của Bắc, bị “cụt vị”. “Uống chỉ được nửa chừng nên mình cảm thấy rất tiếc. Nếu như họ được hướng dẫn cách làm trà đúng chuẩn thì chắc chắn có trà ngon, bán giá cao”, Bắc cảm thán.

Ở cái sự khởi đầu, để A Mú Sung thành vùng trà có tiếng hẳn không chỉ trông chờ nguồn nguyên liệu. Ở A Mú Sung mới chỉ có ba nơi làm trà. Ngoài xưởng trà anh em Ngan - Mình, nhà máy của Công ty Nam Anh còn một nhóm người dân làm thủ công. Có điều, trà ở đây vẫn là những sản phẩm nhỏ lẻ, không có đầu ra. Và quan trọng hơn, làm sao để nâng cao chất lượng những chén trà, là con đường còn xa. Vàng Xuân Ngan cũng thừa nhận mình làm trà chủ yếu bằng cách quan sát mấy người Trung Quốc. “Họ cũng giấu nghề nên mình làm nhiều mà hỏng cũng nhiều”.

Dũng nói khi thu mua thành phẩm, nếu đọ về giá, mình không thể lại được người nước ngoài sang thu mua: “Mình mua 20 nghìn thì họ mua 30 nghìn, không thể chạy theo được. Họ cứ tăng giá lên thôi”. Nhưng Nguyễn Việt Bắc thì nghĩ khác: “Kể cả 100 nghìn vẫn có thể mua, vì đây là vùng trà quý. Có điều người ở đây chưa làm được trà thành phẩm đủ tốt để bán có lãi, trong khi nước khác họ làm được, họ mới dám bỏ tiền mua nguyên liệu giá cao như vậy”.

Chưa kể, đầu ra của sản phẩm cũng là cái khó của A Mú Sung. Khi không có nguồn khách lớn, Vàng Xuân Ngan chỉ chờ những lái trà bên kia biên giới. Và khi Covid-19 bùng phát, con đường tiêu thụ truyền thống đóng băng hết. Từ đầu năm đến giờ, Ngan bảo chẳng bán được. Xưởng vẫn làm cầm chừng, phơi trà làm trà cho có sản phẩm. Những gói trà thành phẩm làm xong đem cất đi. “Ai đến hỏi thì mang ra bán, mà chả có ai hỏi”, Ngan cười.

Công ty Nam Anh cũng nói đang tiến hành xây dựng thương hiệu, nhưng chưa có lượng khách ổn định, dù Dũng nói đã bắt đầu xúc tiến việc tìm thị trường ở Trung Quốc, ở Nhật.

“Việt Nam có bao nhiêu vùng trà tốt, vậy mà nơi định danh được chỉ có vài chỗ, tiếc lắm”, Nguyễn Việt Bắc bảo. Trà A Mú Sung đang có một khởi đầu thuận lợi, khi mà người dân ở đây ý thức được vị thế cây trà của mình. Chính quyền cũng đã có dự án và quy hoạch vùng trà. “Người dân chịu làm, biết cách khai thác trà, hiểu trà, thế là khởi đầu quá tốt để phát triển trà”, Bắc nhận định. Nếu so với những nhọc nhằn của Tà Xùa, Bắc bảo A Mú Sung đang thuận lợi hơn nhiều.

Bao giờ chén trà A Mú Sung bước đàng hoàng ra thị trường lớn? Ấy là câu hỏi mà tôi cứ nghĩ, khi ngồi giữa xưởng trà của Vàng Xuân Ngan - Vàng Duần Mình ở Ngải Trồ. Giữa cái ánh nắng mầu vàng rực vùng cao, chén trà ánh lên mầu vô cùng kiêu hãnh. Ngan vẫn cười: “Giờ chẳng biết tìm khách ở đâu. Trà này rẻ lắm, mình cứ làm để đấy thôi”.