Nhọc nhằn trong giá lạnh

Dự báo trong những ngày tới, không khí lạnh tiếp tục tăng cường và có khả năng xảy ra các đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Trong tiết trời như vậy, hằng ngày vẫn có những con người nhọc nhằn lo kiếm miếng cơm manh áo và bất chấp thời tiết có khắc nghiệt thế nào, dù nóng hay lạnh, mưa nắng ra sao… thì mồ hôi vẫn ướt trên lưng áo của họ.

Lao động tự do mưu sinh trong gió lạnh.
Lao động tự do mưu sinh trong gió lạnh.

Kỳ 2: Mảnh đời phố thị

(Tiếp theo và hết)

Lạnh không sợ bằng đói

Do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường, những ngày gần đây, các tỉnh phía bắc đang hứng chịu đợt rét đậm từ đầu mùa, nhiệt độ giảm sâu, trung bình từ 10 - 13oC, có nơi xuống dưới 10oC. Có thể nói, trong những ngày rét đậm, rét hại, những người lao động, mưu sinh ngoài trời lại thêm vất vả hơn khi làm việc trong thời tiết khắc nghiệt. Công việc họ thường làm chủ yếu là phụ hồ, bán hàng, nhân viên phục vụ, giúp việc gia đình… Và dù phải đối mặt rất nhiều các nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, song mỗi ngày ở Hà Nội vẫn có hàng triệu lao động tự do kéo đến tìm việc làm. Đặc biệt, vì thu nhập hạn chế, khi gặp các tai nạn lao động, nhiều lao động thường tự chữa trị tại nhà, hoặc bỏ qua việc khám bệnh định kỳ.

Mỗi buổi sáng và chiều muộn, anh Dũng (quê Ứng Hòa, Hà Nội) lại mang đồ nghề (thúng, xẻng) ra cầu Mai Động ngồi chờ việc. Vốn làm nghề tự do nên ai thuê gì thì anh làm nấy, nhưng ở đây chủ yếu người ta thuê thợ hồ làm công vụ trong ngày hoặc là dọn dẹp xây dựng. Anh cho biết, bản thân ra làm tại Hà Nội hơn 10 năm qua, trải qua đủ các nghề từ phụ hồ, đánh vữa, bốc vác… nói chung người ta thuê gì thì anh làm đó. Tất nhiên đã làm nghề tự do thì ngoài tiền công ra, những người làm việc như anh không có thêm khoản thu nhập gì, chứ đừng nói đến chuyện có hợp đồng lao động. Anh Dũng cho hay, có tháng, sau khi trừ các khoản chi phí ăn ở, số tiền anh gửi về cho gia đình chẳng còn được bao nhiêu. Trong khi đi làm, nỗi lo xảy ra tai nạn lao động luôn thường trực, đặc biệt đã có những trường hợp bị tai nạn song vì không có hợp đồng ràng buộc nên phải tự điều trị mà không nhận được bất kỳ hỗ trợ gì. Mặt khác, chuyện bị nợ lương cũng không hề hiếm. “Biết là làm công việc này có nhiều thiệt thòi nhưng vì mưu sinh nên phải ráng. Nếu không chịu thì cứ nghỉ. Mình cần việc để có thu nhập thì phải chấp nhận…”, anh chia sẻ.

Ngày nào cũng vậy, cứ 6 giờ sáng là anh Hoàng Văn Khải (đường Giải Phóng, Hoàng Mai) lại lịch kịch xe hàng bánh mì rong ra đầu đường đứng bán. Anh Khải có ba con, đang tuổi ăn, tuổi học nên dù thời tiết có thế nào anh cũng cứ đều đặn đứng bán ở đây từ sáng đến 12 giờ đêm mới về. Mấy ngày qua trời chuyển sang rét đậm, giá buốt nhưng anh vẫn không nghỉ ngày nào. Anh nói, lạnh đến mấy thì lạnh, vẫn không ngại bằng thiếu ăn. Cách anh Khải vượt qua thời tiết khắc nghiệt khá đơn giản, chỉ là trang bị đủ áo rét, mũ len, găng tay, thi thoảng đốt thêm đống củi để xua đi cái lạnh đang ngấm vào da thịt. Dẫu vậy, trời lạnh, người dân ngại đi ra ngoài, vắng khách nên gánh nặng “cơm áo gạo tiền” lại đè nặng thêm một chút lên vai anh.

Vượt qua gió rét

Chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), mỗi ngày có hàng trăm lao động tự do túc trực, chờ đợi để nhận việc, nhiều nhất là bốc hàng, vận chuyển hàng hóa, hoa quả. Hơn 10 năm nay, con đường ngõ mòn bên sườn chợ đầu mối Long Biên là lối đi về quen thuộc của chị Hoa, quê ở Nam Trực, Nam Định. Theo lời chị kể, kinh tế gia đình khó khăn, chị và chồng buộc phải gửi con cái cho ông bà rồi tha hương lên Hà Nội gánh hàng thuê ở chợ đêm Long Biên. Mỗi ngày, cứ vào khoảng 21 giờ tối anh chị rời chỗ trọ, làm quần quật cho đến sáng sớm hôm sau. Dù công việc vất vả xuôi ngược nhưng mỗi đêm chở hàng thuê ở chợ, thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ được vài trăm nghìn đồng là nhiều. “Mấy hôm nay rét lắm, cũng ngại nhưng phải dậy ra chợ nhưng nghỉ bữa nào thì thiếu ăn bữa đó. Biết rằng ở ngoài trời trong thời tiết này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng vì mưu sinh thì đành chấp nhận chứ biết sao. Hy vọng vài bữa nữa trời ấm lên thì đi chợ đỡ vất vả”, chị nói.

2 giờ sáng, chợ đêm buôn rau tại khu vực Ngã Tư Sở bắt đầu xuất hiện những xe hàng từ các ngả đổ về. Bình thường chợ họp từ 3 giờ sáng đến tầm 6 giờ thì tan. Người mua hàng là dân buôn trong nội thành, còn người bán đến từ những huyện xa như Ba Vì, Thường Tín… Bán hết hàng họ quẩy xe về, hôm sau lại tiếp tục vòng lặp lại như vậy.

Gió lạnh cộng thêm tiếng xe qua lại khiến giấc ngủ của anh Dương cứ chập chờn, vạ vật trở mình liên tục. Nơi anh nằm ngay trước cửa ki-ốt bán hàng tại chợ Ngã Tư Sở. Anh nói, nằm ngoài trời mùa đông thì ở đâu cũng lạnh, nhưng đến chợ sớm chờ khách vẫn hơn đi đúng giờ mà xe chẳng may trục trặc dọc đường. Mỗi lần như vậy thì hỏng cả xe rau. Sau mấy cái ngáp dài, anh Dương châm hơi thuốc lào rít mạnh. Khói thuốc đặc quánh, tỏa ra chung quanh nhưng cũng không đủ xua đi cái lạnh đang ngấm vào da thịt. Anh nói, ba buổi/tuần tôi lại cùng vợ chạy xe từ Thường Tín lên đây bán rau. Xe gần hai tạ, chạy gần 50 km đến được tới chợ là lạnh buốt toàn thân rồi. Những hôm trời mưa rét, cả hai bàn tay không còn cảm giác nữa.

Chợ rau Ngã Tư Sở họp giữa trời nên sương gió giá rét tha hồ quăng quật, người bán và người mua đều run cầm cập. Công việc đầu tiên của những người phụ nữ bán rau là té thêm ít nước để giữ tươi cho rau. Những bàn tay đen sạm, khô khốc vì lạnh vung lên nửa vời rồi nhanh chóng thu vào tay áo. Người bán, người mua trao đổi giá nhưng không thành tiếng, chỉ qua lại mấy lời rồi trao nhau từng mớ tiền lẻ và quẳng vào túi. Chị Lan, vợ anh Dương ngán ngẩm, thu nhập của cả hai vợ chồng trông cậy cả vào xe rau. Nếu bán hết được giá thì lãi vài trăm nghìn, đủ trang trải tiền ăn học cho con. “Ở quê chúng tôi nhà nào cũng trồng rau, nếu không có sức khỏe thì ít ai có thể chạy chợ được, chỉ cần vài hôm trời lạnh như thế này thôi cũng không chịu nổi rồi”, chị nói.

Mỗi lần đi qua công trường xây dựng khu đô thị của một tập đoàn lớn ở đại lộ Thăng Long, hình ảnh những người công nhân xây dựng ngồi vắt vẻo trên thành xà-gồ ngăn cách công trường xây dựng, trông họ chênh vênh như những con chim hay đậu trên đường dây điện, trời càng lạnh thì chúng càng đậu sát vào nhau. Thường thì 7 giờ sáng là giờ đi làm, công nhân túa ra từ các làng quanh đó, dễ dàng phân biệt vì họ mặc áo bảo hộ sáng mầu, đi hành quân như hàng kiến xanh kiến đỏ đến công trường. 5 giờ chiều, một hàng dài công nhân lại xếp hàng chờ chấm công ngoài cổng công trình, ngược chiều dòng đèn xe loang loáng trở về phòng trọ. Ngoài cổng công trường bao giờ cũng có mấy gánh hàng xôi, bánh mì, trà đá giữa chung quanh ngổn ngang những vôi vữa vụn, bụi đất tung mù để bán cho công nhân.

Theo ông Nguyễn Tiên Phong, chuyên gia của Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam, Việt Nam hiện vẫn còn nằm ở nhóm những nước có tỷ lệ nhóm việc làm dễ bị tổn thương cao (54,1%). Theo khuyến nghị của UNDP, cần phải đặc biệt quan tâm đến đối tượng này vì họ không được tính đến trong các chính sách do không phải thuộc diện nghèo song lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là trong dịch Covid-19 vừa rồi. Thiếu hụt các cơ chế đánh giá di cư trong nước cũng khiến các nhóm lao động di cư vì nhiều lý do không được đưa vào chính sách bảo trợ xã hội ở địa phương họ đến.

Trong cơn gió lạnh, nhiều người từ các địa phương vẫn làm những cuộc di cư về phố thị. Có người vì hoàn cảnh bắt buộc, có người lựa chọn, lao động cho một cái Tết ấm áp hơn. Các chuyên gia của UNDP cũng cho rằng, có hai khía cạnh cần tính đến cải tiến hệ thống bảo trợ xã hội để làm sao nhóm lao động có việc làm dễ tổn thương cũng được hỗ trợ. Một mặt cần cải tiến linh hoạt hơn để khi có khủng hoảng thì có thể bao trùm được những nhóm đó. Một mặt khác cần nâng cao vị thế của những người đó để họ có thể tiếp cận các biện pháp hỗ trợ.