Nhiều sai phạm ở một công trình thủy điện

Công ty cổ phần thủy điện Sông Miện 5 là một trong số những công ty được thành lập và hoạt động trên cơ sở xây dựng và điều hành các công trình thủy điện dọc theo sông Miện (Hà Giang). Từ khi bắt đầu xây dựng, công trình thủy điện vừa và nhỏ này vi phạm nhiều điều theo luật định và cho tới giờ vẫn chưa bị xử lý.

Một phần công trình thủy điện Sông Miện 5.
Một phần công trình thủy điện Sông Miện 5.

Nhiều vi phạm

Quyết định số 2737/QĐ-UBND ngày 22-8-2008, UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa đối với công trình thủy điện sông Miện 5 (Thuận Hòa, Vị Xuyên, Hà Giang). Công trình này được chấp thuận với các thông số kỹ thuật cơ bản: diện tích lưu vực 1.574 km²; mực nước dâng bình thường 155 m; mực nước hạ lưu tối thiểu 120 m; công suất lắp máy 16,5 MW...

Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động, công ty đã tiến hành xây dựng một nhà máy hoàn toàn... khác so những gì đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Thông tin từ cơ quan chức năng ở Hà Giang cho biết, tháng 9-2011, Công ty cổ phần thủy điện Sông Miện 5 có tờ trình xin điều chỉnh công suất máy phát điện cho nhà máy. Khi ấy, Sở Công thương Hà Giang đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư cung cấp hồ sơ pháp lý và hồ sơ thiết kế điều chỉnh để lấy ý kiến các ngành. Sau đó, ngày 5-10-2011, Sở này đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Hà Giang về việc Công ty cổ phần thủy điện Sông Miện 5 chưa nộp hồ sơ dự án thẩm định nên không có cơ sở để tham mưu và lấy ý kiến tư vấn các ngành. Ngày 27- 12-2012, UBND tỉnh Hà Giang có Văn bản số 3968/UBND-CNGTXD, đồng ý cho đơn vị này lắp hai tổ máy tổng công suất 20MW, trên cơ sở không điều chỉnh quy mô đầu tư xây dựng đập khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép nhằm bảo đảm an toàn và không gây ảnh hưởng xấu đến vùng hạ du...

Đối với các dự án thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư, khi điều chỉnh dự án đầu tư liên quan đến mục tiêu, địa điểm đầu tư, công nghệ chính, tăng hoặc giảm vốn đầu tư hơn 10% tổng vốn đầu tư, thời hạn thực hiện, thay đổi nhà đầu tư hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư thì cơ quan đăng ký đầu tư phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Như vậy, ở Văn bản 3968/UBND-CNGTXD đã có sự mâu thuẫn: thay đổi công suất nhà máy, nhưng lại không điều chỉnh quy mô đầu tư đối với dự án này. Cũng không có chủ trương đầu tư cho dự án mới dù có sự chênh lệch quá 10% tổng vốn đầu tư theo quy định.

Trước tình trạng nhiều sai phạm tại công trình, tỉnh Hà Giang đã phải thành lập đoàn thanh tra. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, đoàn đã tiến hành đo đạc thực tế và ra kết luận: So sánh số liệu kiểm tra thực tế với thiết kế cơ sở đã được thẩm định thì cao trình ngưỡng xả tràn đập cao hơn so với thiết kế cơ sở là 6,1 m; cao trình đỉnh đập cao hơn 3,3 m; mực nước dâng thực tế cao hơn so với mực nước dâng bình thường là 7,7 m và cao hơn 5,4 m so với mực nước lũ kiểm tra. Trong quá trình xây dựng, Công ty cổ phần thủy điện Sông Miện 5 đã xây dựng đập thủy điện sai với Quy hoạch được duyệt và Thiết kế cơ sở được thẩm định (khoản 1, Điều 4, Luật Xây dựng). Công ty đã phạm phải hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng, xây dựng công trình sai quy hoạch theo khoản 2, Điều 10, Luật Xây dựng. Đối với công trình phải thực hiện thiết kế hai bước trở lên, các bước tiếp theo chỉ được triển khai thực hiện trên cơ sở bước thiết kế trước đã được duyệt (khoản 3, Điều 54). Công trình thủy điện này còn vi phạm khoản 1, Điều 7, Quyết định số 30/2006/BCN, ngày 31-8-2006 của Bộ Công nghiệp về quản lý đầu tư xây dựng các dự án thủy điện độc lập ( chủ đầu tư tự lập, tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán trên cơ sở Dự án đầu tư đã được duyệt và các quy định của pháp luật)...

Nhiều sai phạm ở một công trình thủy điện ảnh 1

Công trình này đã được cơ quan chức năng đánh giá có nhiều sai phạm.

Các công trình khác cũng cùng sai phạm?

Ngày 25-3 vừa qua, làm việc với phóng viên về những sai phạm của Công trình thủy điện Sông Miện 5, ông Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công thương Hà Giang cho biết: “Không chỉ ở thủy điện sông Miện 5 mà một số thủy điện ở sông Lô thì giữa đơn vị thi công và đơn vị tư vấn chưa có sự ăn khớp với nhau nên quá trình xây dựng công trình có sự sai lệch so với thiết kế cơ sở ban đầu”. Trong đó, quá trình đo mốc, dẫn mốc và kỹ thuật chưa được chuẩn. Đặc biệt là dự án này, lúc đó, năm 2010 thì quy định của pháp luật là giao rất nhiều quyền cho doanh nghiệp, khi thiết kế cơ sở xong thì toàn bộ phần sau là do chủ đầu tư tự tổ chức thực hiện, tự thi công, tự nghiệm thu.

Ông Quyền cũng cho rằng tất cả các dự án đều bảo đảm, sự ảnh hưởng của các dự án thủy điện là không lớn. Tuy nhiên, trong mùa mưa lũ thì các dự án thủy điện này chưa có sự phối hợp nhịp nhàng. Hiện nay, đơn vị chủ đầu tư này đang phối hợp với các đơn vị liên quan sửa sai, lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cũng với nội dung tương tự, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang, ông Hoàng Văn Nhu cho biết, dự án thủy điện Sông Miện 5 đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 4022/QĐ-UBND ngày 14-10-2009. Và việc tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo này đã được thực hiện bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những thay đổi thực tế về môi trường ở khu vực thủy điện đã bị sai lệch so với những gì được xây dựng trong báo cáo thì dường như đơn vị này...”quên” mất. Bởi chỉ cần mực nước thủy điện dâng lên cao độ ngập hơn 7 m (so với con số trong báo cáo tác động môi trường đã phê duyệt), thì những thay đổi, tác động về môi trường sẽ sai khác đi nhiều. Đương nhiên, người ta phải làm một bản đánh giá tác động môi trường thực tế hơn chứ không thể căn cứ vào những con số cũ của đánh giá năm 2009.

Về giấy phép xây dựng của dự án thủy điện Sông Miện 5, ngày 22-3 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Giang cho biết: Ngày 30-3-2016, Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng số 01/GPXD-SXD cho Công ty cổ phần thủy điện Sông Miện 5 để thực hiện các công trình thuộc dự án. Tổng số 5 hạng mục công trình : Đập + nhà máy; trạm phân phối điện; nhà bảo vệ; nhà điều hành; nhà ở công nhân. Trong khi đó nhà máy này đã hoàn thành và phát điện ngày 30-9-2012.

Như vậy, trước khi có giấy phép xây dựng do chính quyền cấp, nhà máy này được khởi công xây dựng, khánh thành và hoạt động không phép trong nhiều năm liền mà không hề bị xử lý.

Chúng tôi cũng đã có buổi làm việc với chủ đầu tư công trình thủy điện Sông Miện 5, ông Chu Văn Lý cho biết: “Trước đây, quá trình xây dựng thủy điện ở vùng cao phải mất 3-4 năm, chuẩn bị mất 2 năm xong làm hồ sơ. Công trình thủy điện càng to càng phải điều chỉnh nhiều, bé thì điều chỉnh ít cho phù hợp. Bộ Công thương thẩm định, sau đó có nhiều thủ tục và rất nhiều giấy phép nữa. Sau đó họ mới cho đóng điện. Để ký hợp đồng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì phải trình đầy đủ những hồ sơ như, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thậm chí phải có quan trắc hằng năm để nộp cho người ta, nếu không có thì không thể nào bán điện được.

Đây là bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phải nộp cho họ giấy phép nọ kia. Giấy phép xây dựng, giấy phép hoạt động khai thác nước mặt, báo cáo tác động môi trường (?!), kết quả quan trắc hằng năm (quan trắc không khí, quan trắc mặt nước, quan trắc cao trình) và phương án phòng, chống lũ lụt hằng năm cho tỉnh phê duyệt, huyện phê duyệt. Rồi quy trình vận hành hồ chứa, tổng kết hằng năm… tất cả, rất nhiều quyết định. Thế cho nên là đợt này tỉnh họ cũng rà soát lại tổng thể. Đơn vị khắc phục hoàn thiện, đã điều chỉnh hết trong mấy năm nay rồi, mới được cấp giấy phép”.

Tuy nhiên, với những công văn trả lời từ phía cơ quan chức năng, có thể hiểu, công ty này chưa hề làm đủ các thủ tục cho phép, song vẫn được bán điện cho Tập đoàn Điện lực.

Một công trình mắc phải quá nhiều lỗi trong nhiều lĩnh vực, vậy mà cho tới nay vẫn chưa thấy đơn vị vi phạm bị xử lý. Và cũng chẳng thấy được trách nhiệm từ phía các cơ quan chức năng khi sự việc nghiêm trọng như vậy xảy ra ở lĩnh vực mà họ được giao trách nhiệm quản lý.