Người lao động không đơn độc

Kỳ 3:  Áp lực vô hình

Thu nhập giảm khiến nhiều công nhân lo lắng.
Thu nhập giảm khiến nhiều công nhân lo lắng.

Việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh đã kéo theo đời sống của hàng trăm nghìn công nhân bị ảnh hưởng. Nếu không có các chính sách kịp thời điều chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế sẽ rất khó có khả năng phục hồi.

Đâu đâu cũng khó!

Nhận khoản tiền trợ cấp 4 triệu đồng của Công ty TNHH Seungil Label Vina (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) trong thời gian tạm nghỉ việc do dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Tâm (quê An Giang) cho biết: “Số tiền này chẳng thấm vào đâu so tiền nhà trọ, ăn uống, tiền sữa, thuốc của con thấp nhất cũng 7 triệu đồng”. Mấy tháng dịch, chị Tâm siết chặt chi tiêu hết mức vẫn không thoát cảnh vay mượn gia đình dưới quê. “May mà công ty có đơn hàng, gọi đi làm lại sớm chứ không tôi phải đưa con về quê sống chứ ở lại nữa sao trụ nổi. Thời buổi cái gì cũng cần tiền. Bình thường hai vợ chồng đi làm tháng cũng được 10 - 11 triệu đồng, lo các khoản vẫn còn một ít dành dụm. Dịch tới, tiền hết sạch, có ngày tôi phải lấy mớ tiền lẻ xếp thẳng ra đi chợ, nghĩ tới là hoang mang!”, chị Tâm than thở.

Là doanh nghiệp chuyên về nhãn mác quần áo chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, đợt dịch lần thứ nhất bùng phát tại Việt Nam đã khiến Công ty TNHH Seungil Label Vina điêu đứng vì không có đơn hàng, thiếu nguyên liệu đầu vào. Trước khi dịch bệnh xuất hiện, cả công xưởng có 15 máy in nhãn mác luôn hoạt động hết công suất, 24 công nhân tăng ca liên tục mới kịp đơn hàng trong và ngoài nước. Thế nhưng, dịch Covid-19 xuất hiện khiến mọi thứ thay đổi, ban đầu còn ít đơn hàng cũ, cao lắm mỗi ngày chỉ có một, hai máy hoạt động cầm chừng. Rồi đơn hàng hết, công ty buộc phải cho công nhân nghỉ làm ba tháng với mức trợ cấp khoảng 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Đến thời điểm hiện tại, bên cạnh đơn hàng trong nước, đơn hàng xuất khẩu bắt đầu xuất hiện, công nhân bắt đầu vào guồng trở lại, tập trung cho mục tiêu sản xuất cuối năm, bù vào giai đoạn nghỉ dịch song số lượng đơn hàng vẫn thất thường.

Tương tự, mặc dù là công ty lâu năm tại Đồng Nai chuyên về lĩnh vực da giày, thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Pou Chen Việt Nam (TP Biên Hòa, Đồng Nai) vẫn chưa thể vào nhịp hoạt động bình thường. Ông Nguyễn Tấn Pháp, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty cho biết: “Đơn hàng xuất khẩu đã giảm từ 96% vào năm 2019 xuống còn 45 - 48% từ đầu năm đến nay. Từ tháng 5-2020 đến nay, mỗi tháng 6.000 trên tổng số hơn 16.000 lao động của công ty phải nghỉ luân phiên vì chúng tôi không tìm được đơn hàng phù hợp. Với thu nhập bình quân khá cao (hơn 14 triệu đồng/tháng), việc giảm hơn một nửa thu nhập do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến nhiều công nhân lo lắng”.

Có thâm niên làm việc 25 năm tại Pou Chen với mức lương hiện tại từ 16 - 18 triệu đồng/tháng, nhiều tháng qua, chị Nguyễn Thị Phường cảm thấy áp lực do phải một mình nuôi hai con ăn học với mức thu nhập giảm đi một nửa vì phải nghỉ làm luân phiên. “Như mình còn may, chỉ nghỉ cao nhất hai tuần/tháng, có công nhân phải nghỉ cả tháng. Nói chung, tình hình dịch bệnh khó khăn chung nên mình cũng chia sẻ với công ty. Chỉ mong dịch sớm hết, nhiều đơn hàng về lại cho người lao động như mình yên tâm làm việc. Hết năm rồi còn gì”, chị Phường thở dài.

Chưa thể nhanh chóng phục hồi

Tỉnh Bình Dương hiện có hơn 1,2 triệu công nhân đang làm việc tại khoảng 17.000 doanh nghiệp, con số bằng 50% dân số của tỉnh. Trong đó, số lao động ngoài tỉnh chiếm tới 85%, chủ yếu làm việc cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, gỗ. Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, tính đến hết tháng 9-2020, trên địa bàn tỉnh có 175.445 người lao động thuộc 304 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, 13.264 người bị ngưng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, số lao động nghỉ việc không lương là 59.860 người, số lao động phải giảm giờ làm là hơn 102.000 người. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 1 đến tháng 10-2020 tại tỉnh này tăng gần 40% so cùng kỳ năm 2019.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến cuối năm 2020 sở đã ký quyết định trợ cấp thất nghiệp cho hơn 85.000 người. Giai đoạn số lượng người thất nghiệp tăng cao nhất là từ tháng 5 đến tháng 7 với số lượng hồ sơ cần giải quyết lên đến 1.000 hồ sơ/ngày.

Ông Đặng Thanh Vân, Chủ tịch Công đoàn ngành dệt may tỉnh Bình Dương cho biết, hiện toàn tỉnh Bình Dương có 48 cụm khu công nghiệp, trong đó ngành dệt may có hơn 300 doanh nghiệp với hơn 200.000 công nhân. Chỉ đánh giá riêng tình hình tại 75 doanh nghiệp thuộc công đoàn cũng đủ thấy được mức độ tàn phá của đại dịch Covid-19 là như thế nào. Bởi trong số 75 doanh nghiệp thuộc quản lý của Công đoàn ngành dệt may tỉnh Bình Dương đã có 11 doanh nghiệp đóng cửa, 10 doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động vì không biết khi nào mới có đơn hàng.

Trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp, phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc tổ chức làm việc luân phiên để giải quyết đơn hàng tồn đọng. Số lượng cắt giảm lao động tại các doanh nghiệp tăng nhanh từ 30% lên 50%, sau có nơi đạt 100% vì không có nguyên liệu sản xuất cũng như đơn đặt hàng. “Có doanh nghiệp tìm tạm các đơn như may khẩu trang, may đồ bảo hộ y tế để có việc cho công nhân cầm cự mùa dịch, nhưng thực tế những đơn hàng này không đủ chi phí trả cho người lao động. Đây chỉ là biện pháp tạm thời giữ chân người làm. Trong giai đoạn cao điểm, hơn 15.000 lao động tại 75 doanh nghiệp rơi vào diện cắt giảm, chỉ còn 33.000 lao động hoạt động cầm chừng. Khó khăn vô cùng”, ông Vân cho biết.

Tại tỉnh Đồng Nai, tình hình cũng không khá hơn khi dịch bùng phát lần hai. Trong giai đoạn cao điểm, Đồng Nai có gần 250 doanh nghiệp (hơn 163.300 lao động) bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Trong đó, số công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động là 7.151 người (45 doanh nghiệp); số công nhân tạm ngừng việc là gần 51.500 người (72 doanh nghiệp); số công nhân tạm hoãn hợp đồng lao động là hơn 8.000 người (12 doanh nghiệp); số công nhân giảm giờ làm là hơn 52.000 người (71 doanh nghiệp)… Hiện nay, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch tại địa phương này đã giảm gần 50%, tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp chưa thể hoạt động bình thường do những tác động từ thị trường trong và ngoài nước.

Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, số doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tập trung vào các ngành may mặc, giày da, sản xuất và chế biến các mặt hàng từ gỗ, sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện. Một số doanh nghiệp đã giải thể, cho công nhân ngừng việc. Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp Ban Quản lý các Khu công nghiệp của tỉnh để nắm rõ tình hình sản xuất ở các doanh nghiệp đó, đồng thời hướng dẫn các thủ tục làm chính sách cho người lao động. Trong giai đoạn này chúng tôi cũng tư vấn, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đào tạo chuyên môn để nâng cao tay nghề và giữ chân lao động. Nói chung, mình phải thông qua nhiều hướng, nhiều cách để nắm bắt khó khăn và nhu cầu của các đơn vị để có giải pháp hỗ trợ hợp lý.

(Còn nữa)