Người lao động không đơn độc

Năm 2020, cơn bão đại dịch khiến bao doanh nghiệp khốn đốn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh kéo theo hàng triệu người lao động mất việc, hàng vạn gia đình công nhân lâm vào hoàn cảnh khó khăn chồng chất khó khăn. Trong bối cảnh ấy, việc hỗ trợ, giúp đỡ, sẻ chia cũng như duy trì  việc làm cho người lao động tựa những ngọn lửa ấm giúp họ có thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Lượng công nhân giảm, hàng nước của ông Nguyễn Văn Tùng (quê Vĩnh Long) cũng vì thế mà vắng khách.
Lượng công nhân giảm, hàng nước của ông Nguyễn Văn Tùng (quê Vĩnh Long) cũng vì thế mà vắng khách.

Kỳ 1: Những cuộc dịch chuyển bất đắc dĩ

Mất việc, giảm lương, giảm giờ làm… khiến cuộc sống của không ít gia đình công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) lâm vào cảnh điêu đứng. Nhiều người trong số đó cố gắng bám trụ lại thành phố tìm việc làm thêm, nhưng cũng có người đưa gia đình về quê sống dựa vào ruộng vườn hay bà con lối xóm.

Ở không được, về không xong

KCN Tân Đức (huyện Đức Hòa, Long An) là một trong số những KCN lớn của tỉnh, ước lượng số công nhân làm việc ở đây vào khoảng 15.000 - 20.000 người, tùy thời điểm. Tại đây có nhiều người là lao động ngoại tỉnh, đến từ nhiều địa phương khác như Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng… Khi dịch bệnh xảy đến, doanh nghiệp nơi họ làm việc gặp khó khăn phải thu hẹp hoạt động hoặc giải thể, một số chuyển sang công ty khác, một số rời về quê, mang theo cả gia đình. Đối với họ, đây không khác gì một cuộc khủng hoảng, ở lại thì không biết dựa vào đâu để kiếm sống nuôi gia đình, nhưng về nhà cũng không dễ dàng gì khi đất không có, ruộng đồng cũng không, mọi nguồn thu nhập hầu như không có.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty anh Nguyễn Văn Bình (quê Đồng Tháp) làm việc gặp khó khăn nên giải thể. Hơn 400 công nhân, trong đó có anh bắt buộc phải nghỉ việc. Dẫu vậy, anh vẫn cố gắng cầm cự qua ngày bằng số tiền vợ chồng anh tích cóp được trước đó. Chỉ trong vòng sáu tháng, anh chuyển công ty ba lần, không phải do điều kiện làm việc không tốt, lương không cao mà vì công ty gặp khó trong sản xuất, kinh doanh. Đơn hàng ít, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng thì tất nhiên không được tăng ca, mà còn phải giãn việc. Số tiền lương ít ỏi của cả hai vợ chồng anh không đủ trang trải sinh hoạt gia đình. Mỗi tháng trung bình tiền ăn, tiền học của các con đã bốn - năm triệu đồng/tháng, chưa kể chi phí sinh hoạt khác.

Cuối tháng 9, anh Bình đưa vợ con về sống cùng ông bà dưới Đồng Tháp. May mắn cho anh, ở quê nhà còn ít đất nông nghiệp, anh về trồng thêm rau, nuôi thêm cá, chăn thả vài con gà kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống ở quê nhà có phần êm ả hơn do không mất chi phí nhà trọ, tiền sinh hoạt cũng không cao nhưng nguồn thu nhập hầu như không có. Mỗi ngày anh Bình ra chợ gần nhà nhận chạy hàng, chở khách nhưng khách hàng cũng vắng, vợ anh ở nhà đi giăng câu kiếm bữa cơm qua ngày. Khi được hỏi sao không đi làm trở lại ở KCN? Anh cho biết, chờ dịch qua đã rồi mới tính.

Trong khi nhiều công nhân thất nghiệp phải về quê nương tựa gia đình thì cũng có nhiều người từ quê chạy ra thành phố sống nhờ KCN. Có người làm dịch vụ, có người buôn bán, có người chạy xe thuê… miễn sao đủ nuôi sống gia đình. Ông Nguyễn Văn Tùng (quê Vĩnh Long) cùng vợ ra KCN Tân Đức đẩy xe bán nước giải khát dọc đường đã được vài năm. Mấy tháng nay, công nhân ít, người bán cũng nhiều nên xe hàng của ông không đắt khách lắm. “Ngồi từ sáng tới chiều may thì bán được dăm chục chai nước ngọt, hơn chục ly cà-phê, lời lãi được trăm nghìn. Tôi có hai con trai, đều làm trong KCN Tân Đức, năm nay ít việc nên hai đứa “nhảy” hết công ty này sang công ty khác, cứ đôi tháng lại chuyển. Bấp bênh lắm”, ông nói.

Đợt dịch lần thứ nhất, khi nghe thông tin biết được Nhà nước hỗ trợ mỗi gia đình một triệu đồng, ông Tùng mừng lắm, dù số tiền không nhiều nhưng phần nào giúp được gia đình ông và hàng trăm nghìn gia đình khác lo toan cuộc sống. Như các cụ vẫn bảo “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” là vậy. Nhưng khi phải đi làm thủ tục xác minh phức tạp, mất thời gian và công sức thì ông Tùng bỏ hẳn. Ông nói, Nhà nước hỗ trợ thì chỉ cần xác minh qua chứng minh nhân dân ở địa bàn là được, chứ giờ bắt về địa phương thì tiền tàu xe đi đi về về còn nhiều hơn tiền được nhận hỗ trợ. Như vậy thì đâu còn gọi là hỗ trợ nữa. Ở trọ gần KCN mỗi tháng mất mấy triệu tiền thuê nhà, trong khi buôn bán lại ế ẩm, chúng tôi hỏi, sao ông không về quê cho dễ sống, có hơn không? Nhưng ông Tùng chỉ cười nói, ở quê thì cũng chết đói, không sống được.

Mong chờ ngày mới

7 giờ sáng ở KCN Tân Thịnh (quận 7, TP Hồ Chí Minh) thưa vắng người qua lại. Dù là KCN khá lớn của thành phố, song mấy tháng nay, số lượng công nhân đã giảm gần một nửa so năm trước. Tất cả là do doanh nghiệp ít việc, phải giãn việc, giảm lương nên không ít công nhân ở nhà chờ việc hoặc nghỉ làm luôn và chuyển sang làm công việc dịch vụ theo giờ.

Đường vào khu liên cảng 5 (quận 7) xe container vẫn chạy rầm rập ngoài đầu phố nhưng đi sâu vào thêm chút nữa thì vắng như “chùa bà Đanh”. Quán nước của ông Nguyễn Văn Trị loáng thoáng mấy công nhân mắc võng nằm chờ việc. Quán bên cạnh còn không có khách. Ông nói: “Tình cảnh như vậy đã diễn ra nửa năm nay rồi. Không có gì lạ!”.

Hai trong số năm người con của ông Trị cũng đang mất việc ở nhà, nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội. Từ ngày nghỉ việc, hai cô con gái cùng gia đình chuyển về nhà ông Trị sống cùng. Ông nói: “Đó là nhà tui còn có phòng cho chúng nó ở, chứ những người không có thì sao?”. Miệng đặt câu hỏi, ông Trị liền tự nhẩm tính: “Đơn giản thế này thôi nhé, tiền ăn học cho mỗi đứa nhỏ đã mất chừng năm triệu đồng/tháng, tiền nhà hai triệu/tháng, chưa kể điện nước. Như vậy đã mất ít nhất bảy triệu, vậy còn tiền ăn uống hằng ngày, tiền sinh hoạt, tiền ma chay, cưới hỏi… Lấy ở đâu ra?”.

Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (con gái ông Trị) cho biết, trước đây chị làm công nhân sản xuất mũ, nón tại Công ty CCHTOP trong KCN Tân Thịnh, đến nay đã hơn 15 năm. Từ ngày có dịch, công ty ít đơn hàng, nhiều người phải giảm lương, giảm giờ làm rồi dần dà nghỉ việc luôn. Trong số đó, có không ít người đã về quê, một số tìm việc khác, còn một số làm việc theo giờ, đặc biệt là những người lớn tuổi. Hơn 15 năm làm việc, chị Tiên hiện được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội khoảng 3,2 triệu đồng/tháng. Chồng chị chạy xe Grab ngoài phố, thu nhập bữa nhiều, bữa ít. Tính trung bình, mỗi tháng thu nhập cả hai vợ chồng chỉ hơn bảy triệu đồng, trong khi đủ thứ phải lo. Chị nói: “Gần một năm nghỉ việc ở nhà cũng chán. Nhưng thôi cố chờ hết năm nay rồi đi làm lại. Giờ chỉ mong dịch nó qua mau, cuộc sống mới trở lại cân bằng được”.

Có thể thấy, trong muôn vàn khó khăn từ bệnh dịch cho đến tình hình kinh tế - xã hội năm nay, người công nhân, người lao động nghèo vẫn bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cuộc sống của họ xưa nay phụ thuộc đồng lương, đôi lúc là tăng ca kíp để có thêm thu nhập thì nay đã bị cắt giảm hết. Thất nghiệp, giảm việc, giảm giờ làm, đồng lương không đủ trang trải cuộc sống buộc họ phải đưa ra hai lựa chọn: ở lại hay về quê. Dù lựa chọn cách nào thì cũng là bất đắc dĩ, bởi khi đã cất bước rời quê ra phố kiếm việc, gần như họ đã không còn đường quay về, hoặc ngược lại. Do vậy, chỉ khi nào tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế phục hồi, cuộc sống người lao động mới có hy vọng khởi sắc, bởi vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước chực chờ.

(Còn nữa)