Người ca hát giữa những vì sao

Chiếc trực thăng bay đi bay lại trên bầu trời đã lâu hơn dự kiến, Thiếu tá (sau này là Trung tá) Đặng Thành Chung, giáo viên huấn luyện, đứng phía cửa, nhìn xuống dưới mặt đất. Mây mù kéo tới không nhìn rõ tâm tiếp đất. “Không đủ điều kiện thả dù”, anh quay lại nói với các học viên khóa huấn luyện dù của CLB hàng không phía bắc - Nhảy dù. Một lát mây tan, người giáo viên dù dứt khoát: “Tôi nhảy”.  Chụp vội mấy tấm ngoài bầu trời, ném chiếc máy ảnh vào trong khoang máy bay, anh lao vào khoảng không… Từ cửa sổ máy bay nhìn ra, rõ chiếc dù vuông chao trong gió. Có tiếng xuýt xoa từ phía những học viên vẫn đang ngồi dính chặt trên ghế. 

Khoảnh khắc ấy, không bao giờ có thể nhìn lại nữa, kể từ tháng 7 của sáu năm trước. 

Ảnh: Trung tá Đặng Thành Chung tự chụp
Ảnh: Trung tá Đặng Thành Chung tự chụp

1. Những người đã từng gặp Trung tá Đặng Thành Chung, dù thân hay sơ, đều nhận ra tình yêu bầu trời không thể che giấu. “Chung béo là con người của bầu trời. Cậu ấy yêu bầu trời tuyệt đối”, anh Nguyễn Thắng - người bạn rất thân của anh Chung bảo. 

Trung tá Đặng Thành Chung là giáo viên dù của Trung tâm QG huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không - Quân chủng Phòng không không quân.  Tôi có một lần theo thầy trò của lớp huấn luyện dù CLB hàng không phía bắc - Nhảy dù lên máy bay trực thăng trong buổi nhảy tốt nghiệp - chuyến bay mà chỉ có mình anh Chung được bung dù. Nhiều học viên các khóa dù bảo rằng, nhìn cái bóng chắc nịch của thầy Chung đứng ngoài cửa máy bay, chuẩn bị cho mọi người nhảy là đã yên tâm tới 50%. 

Dù, cho dù là dù tròn, dù lượn hay paramotor, luôn là môn thể thao không dành cho người yếu tim, kém bản lĩnh. Nguyễn Hồng Việt, một học viên của khóa dù tròn năm 2013 đã từng có một trải nghiệm nhớ đời trong buổi nhảy tốt nghiệp. Chiếc dù khi bung ra trên trời không hiểu vì lý do gì mà xoắn thành hình số 8. Việt rơi tự do, thay vì lơ lửng sau vài giây lao từ máy bay xuống như những người khóa trước đã mô tả. Trong thời điểm căng thẳng ấy, anh nhớ lại bài học ở Trung tâm huấn luyện, anh kéo mạnh dây dù, dù bung ra kịp thời và anh tiếp đất sớm nhất, nhưng an toàn. Sau chuyến ấy, anh Chung nói rằng, may mắn là Việt bình tĩnh xử lý tình huống. Còn Việt thì bảo anh phải cảm ơn những giờ học với các thầy như Chung. 

Đam mê bầu trời, đam mê việc bay lượn, tự bản thân đã gắn với mình sự mạo hiểm và phiêu lưu như thế. Anh Chung chọn đam mê bay, như một thứ máu thịt tự nhiên. Năm 2003, anh là phi công dù bay kéo lá cờ Việt Nam trong phần trình diễn mở màn cho Lễ khai mạc SEA Games 22 ở Hà Nội. Đó là thời điểm anh mới bắt đầu đến với paramotor. Thế nhưng các thầy giáo nước ngoài khi hướng dẫn đã rất yêu quý anh lính không quân cần cù. “Chung học rất nhanh, chắc chắn. Cậu ấy lại còn biết may vá dù, sửa chữa máy móc, các thầy nước ngoài thích Chung lắm”, anh Thắng nói. Quen nhau từ những ngày còn là lính, tới khi cùng công tác ở Trung tâm huấn luyện, cùng làm việc với cánh dù, Thắng hiểu rõ đam mê của Chung. Chính anh Thắng là người chứng kiến những buổi chiều không bay, Chung tự mày mò sửa chữa từ những chiếc dù cũ, tìm hiểu kỹ thuật của từng chiếc. 

Thắng bảo Chung có một đặc điểm là đã làm gì là tìm hiểu rất tỉ mỉ. Chung thích tìm hiểu máy tính, anh đi ra phố Lý Nam Đế (Hà Nội), tìm một ông thợ sửa máy, rồi mời anh thợ đó về nhà ăn cơm để hỏi han kinh nghiệm. Thế nên không ai trong đơn vị còn lạ ông Chung béo lần nào cũng kiểm tra mày mò từng chi tiết dù. Cả lúc bay, anh Chung cũng mang theo nhiều camera hành trình gắn nhiều vị trí, rồi mang những đoạn clip về cho mọi người xem, phân tích từng đường bay. 

Đó là đam mê hồn nhiên và nồng nhiệt. Từ một anh lính chuyên nghiệp khác ngành, Chung học chuyển loại sang bay dù chỉ để thỏa mãn ước mơ được bay. Từng ấy năm huấn luyện, anh luyện tập bền bỉ và nhiều đến mức gần như mọi giáo viên đều biết. Anh cũng là người được chuyển sang dù vuông - loại dù chuyên nghiệp - từ rất sớm. “Có người học tới năm sáu năm, có người cả chục năm chưa được chuyển loại dù. Chung mất độ hai năm thôi”, anh Thắng kể. 

Nhờ dù, Chung kết giao với nhiều bạn bè. Ông Hữu Nam trở thành bạn tâm giao với Chung khi đội dù lượn của ông sinh hoạt ở CLB hàng không phía bắc - Nhảy dù: “Tôi coi Chung như em trai mình”. Lý giải cho sự dễ dàng thân thiết, ông bảo có thể vì ông cũng từng là lính, thế nên gặp người lính như Chung, ông ngay lập tức cảm thấy đồng điệu. Ông Nam trân trọng Chung ở cái chất lính chỉn chu và cẩn trọng. Đó là điều tối cần thiết cho những người trót đam mê với dù: “Chung rất kỷ luật, thẳng thắn, nhiệt tình, có trách nhiệm, cậu ấy chơi dù lượn bằng tấm lòng, bằng sự nhiệt tình quan tâm của người biết với người không biết. Một người lính có kỹ thuật cao, được huấn luyện bài bản được huấn luyện như vậy nhưng không giấu nghề, không tỏ vẻ với những tay ngang”. Họ cũng yêu bầu trời, yêu dù và họ gắn bó với nhau cũng nhờ cái đam mê bay lượn ấy. 

Nguyễn Hồng Việt, người thực hiện cú nhảy dù từ chiếc dù xoắn số 8 ngày nào, đến với dù tròn cũng nhờ cuộc gặp với thầy Chung. Khởi đầu từ một sự tò mò, Việt như được tiếp sức khi gặp người mà bầu trời chiếm trọn vẹn cả thế giới quan. Những người được anh Chung truyền lửa rất nhiều. Có đôi lần trò chuyện, anh Chung bảo tôi anh là người “đẩy dù”, tức là phụ trách đẩy học viên ra khỏi máy bay. Ở vị trí ấy, anh cầm máy ảnh, chụp rất nhiều bức ảnh cho các học viên và cả những bức ảnh với bầu trời  - những bức ảnh chỉ anh, khi đang lơ lửng ở độ cao cả nghìn mét, mới có được. 

Ông Nam bảo người mới bay đôi ở đội dù lượn, khi bay với Chung đều yên tâm vì Chung là người hiếm hoi được đào tạo bài bản chuyên nghiệp về dù. “Người chơi đều là người đã trải cuộc sống, thích thể thao mạo hiểm, góc cạnh. Cái tôi họ thường lớn. Nhưng cái tôi của Chung không lớn. Chung đặt tinh thần tập thể lên cao”. 

2. Ngày xảy ra sự cố, anh Thắng chứng kiến từ dưới mặt đất. Nhưng suốt thời gian ở hiện trường, tự tay tiêm trợ tim cho bạn, rồi đưa bạn lên xe đến bệnh viện, cả khi đã đưa bạn về Nhà tang lễ Bệnh viện 108, anh vẫn rất bình tĩnh. Chỉ khi mọi việc đã xong xuôi, ngồi lại trên bậc thềm nhà tang lễ, những hình ảnh xảy ra cứ lướt qua trong đầu, anh mới dần thấm dần nỗi đau mất đi những người bạn - người đồng đội, mới bắt đầu chảy nước mắt. 

Bầu trời thiếu đi một cánh dù nhiệt thành và tâm huyết, đấy là mất mát vĩnh viễn không bao giờ bù đắp được. Nhưng không phải vì thế mà tình yêu với bầu trời mất đi. 

Ở nơi những người lính nằm lại, người dân đã lập một bàn thờ và hương khói, quét dọn thường xuyên. Hằng năm, vào ngày giỗ, họ đều làm cỗ mời các anh về. Không cần quen biết gì cả, nhưng họ tri ân những người lính đã không trở về giữa thời bình. 

Những người bạn cũng vẫn nhớ nhau. Anh Thắng nói anh và nhóm bạn vừa quyên góp làm lại bàn thờ mới ở đó, thay thế cho bàn thờ tạm đã sáu năm nay chưa gia cố: “Quyên góp nhanh lắm, mọi người đồng ý ngay. Đúng ngày 27-7 chúng tôi làm lễ ở đó”. 

Ông Nam nói Chung ra đi nhưng những câu chuyện về dù vẫn còn nguyên vẹn đấy. Có một nghi thức bất thành văn của những phi công dù lượn ở Hà Nội khi lần đầu được bay độc lập, đó là người trong đội sẽ dội bia lên phi công đó. Chung vẫn thường là người đầu tiên thực hiện truyền thống ấy cho các phi công đã trưởng thành. Sau này, mỗi lần gặp nhau ở mộ Chung, những người bạn vẫn tưới bia lên mộ anh, để nhớ lại những khoảnh khắc đẹp của đội dù. “Mọi người luôn nhớ về Chung ở những giây phút vui vẻ nhất ấy”, đó là cách mà những người yêu bầu trời nghĩ về nhau. 

Có những con người được nghề chọn lựa, cả cách đến và đi cùng nó. Trung tá Đặng Thành Chung là người như vậy. Tôi nhớ tới Fabien trong “Bay đêm” (Saint Exupery), con người mà nhờ những chuyến bay lượn để “tạo lại cho mình một thế giới riêng, anh cựa quậy xô lấn để sống nơi đó thảnh thơi thoải mái”. 

Và anh cùng đồng đội cũng như Fabien, đã không trả lời ai nữa. 

****

“Có thể họ sắp nhận được cái tín hiệu không biết chừng sẽ là tín hiệu sống. Nếu chiếc máy bay và các đèn hiệu trở lên được tới các vì sao, chắc là họ có thể nghe thấy ngôi sao kia ca hát” (Bay đêm).

Có lẽ, những người lính như anh Chung, đã ở tới các vì sao và đang nghe những ngôi sao ca hát. 

Ngày 7-7-2014, Facebook Thiếu tá Đặng Thành Chung vẫn cập nhật những bức ảnh từ sân bay, anh nói anh lại chuẩn bị với công việc quen thuộc là đi “đẩy dù”.

Trưa 7-7, máy bay gặp sự cố kỹ thuật.  20 trong số 21 người lính có mặt trên máy bay đã hy sinh, trong đó có Thiếu tá Đặng Thành Chung. 

Bộ Quốc phòng đã quyết định truy phong lên một bậc quân hàm đối với các quân nhân hy sinh, riêng các trường hợp đang là học viên được truy phong quân hàm sĩ quan. Thiếu tá Đặng Thành Chung được truy phong Trung tá. 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã ký các quyết định truy tặng và tặng thưởng Huân chương Chiến công cho các quân nhân hy sinh và bị thương. 20 đồng chí hy sinh được công nhận danh hiệu liệt sĩ.